Thế giới

Nạn di cư tự do ở ASEAN: Những hải trình đầy máu và nước mắt

ClockThứ Tư, 20/05/2015 10:07
TTH.VN - Việc Thái Lan, Malaysia hay Indonesia không tiếp nhận những người Hồi giáo di cư từ Myanmar và Bangladesh đã khiến họ hoàn toàn tuyệt vọng.

Hải trình đầy máu và nước mắt

Anh Mahmud Rafique, một thanh niên Hồi giáo Rohingya 21 tuổi, vừa rời khỏi Myanmar 1 tháng trước, kể lại rằng, trong thời gian ở trên tàu, những người di cư như anh từ Myanmar và Bangladesh đã đụng độ với nhau để giành lấy số thực phẩm ít ỏi trên thuyền. 

Tàu Hải quân Thái Lan áp tải một tàu chở người di cư đến vùng biển quốc tế (Ảnh Reuters)

“Chúng tôi (người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar) còn rất ít thực phẩm và đã thống nhất với nhau là sẽ để giành số này cho phụ nữ và trẻ em. Nhưng họ (người Bangladesh) đã tấn công chúng tôi và cướp số thực phẩm này. Họ đẩy chúng tôi xuống biển. Họ đánh đập chúng tôi bằng dao và tôi bị một người cầm chiếc mái chèo bằng gỗ phang mạnh vào đầu và chân”.

Cùng chung cảnh ngộ, cậu thiếu niên 15 tuổi Salmahan cho biết, cậu cũng là nạn nhân trong một cuộc giao tranh dữ dội giữa người Rohingya và người Bangladesh trên một con tàu di cư khác.

Salmahan kể lại: “Họ nói với chúng tôi: “Chúng mày là người Rohingya còn bọn tao là người Bangladesh. Bọn tao sẽ giết hết chúng mày” và họ đã giết hại 12 người trong gia đình tôi”.

Sau đó, con tàu chở Salmaham may mắn được các ngư dân tỉnh Aceh của Indonesia phát hiện ra và họ đã huy động toàn bộ lực lượng đến ứng cứu và đưa những người còn sống sót về thị trấn Langsa.

Ông Ridwan, một ngư dân kể lại: “Ngư dân chúng tôi có những luật bất thành văn. Khi ở trên biển, mọi người đều là anh em dù họ là người nước ngoài hay người Indonesia. Nếu họ cầu cứu, các ngư dân sẽ phải cứu họ dù họ thuộc chủng tộc nào hay tôn giáo nào đi chăng nữa”.

Trong khi đó, tại vùng bờ biển miền Nam Thái Lan, một nhóm người di cư cũng đang ngồi trên một chiếc thuyền hầu như không được che chắn gì dưới cái nắng như thiêu như đốt. Nhiều phụ nữ đã bật khóc trong khi nhiều người khác vẫy tay hoặc la hét mỗi khi có tàu lạ đi qua.

Không quê hương, không chốn dung thân

Những người này nằm trong số từ 6.000- 8.000 người còn đang lênh đênh trên các vùng biển ngoài khơi Thái Lan, Indonesia và Malaysia trong khi gần như đã cạn kiệt thực phẩm và nước uống.

Liên Hợp Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo, tình trạng này sẽ sơm biến thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn bởi không chính quyền nước nào muốn tiếp nhận họ. 

Anh Rafique cho biết, khi thuyền của mình bị trôi dạt vào vùng biển của Indonesia tuần trước, Hải quân Indonesia đã cấp cho họ lương thực và nước sạch.

“Rồi sau đó họ hỏi chúng tôi: “Các anh muốn đi đâu?”, Chúng tôi trả lời rằng: “Chúng tôi muốn đến Malaysia” và họ đưa chúng tôi đến vùng biển của Malaysia. Tại Malaysia chúng tôi lại bị đẩy về Indonesia”. 

Những người di cư được đưa lên đất liền tại Malaysia (Ảnh Reuters)

Trong tuần qua, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều đã từ chối tiếp nhận những người di cư nói trên và thậm chí còn dùng tàu Hải quân cẩu nhiều thuyền của người di cư ra khỏi vùng biển của mình.

Cả Malaysia và Indonesia hiện cũng chưa biết sẽ phải làm gì với khoảng 2.500 người di cư hiện đã có mặt tại Malaysia và Indonesia cũng như 5.000 người còn đang mắc kẹt ngoài khơi hai nước và đang thiếu trầm trọng nước uống và thực phẩm.

Tổ chức Di dân Quốc tế đã lên tiếng chỉ trích Chính phủ các quốc gia ASEAN đang “đùn đẩy trách nhiệm” trong việc hỗ trợ những người di cư và cảnh báo điều này có thể đe dọa đến tính mạng của những người này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 17/5 cũng đã phải lên tiếng yêu cầu Thái Lan xem xét giúp những người di cư Rohingya có nơi trú thân và kêu gọi các quốc gia láng giềng không được đẩy họ trở lại các thuyền lênh đênh trên biển.

Trách nhiệm không thuộc về ai?

Để đáp trả, Thái Lan lên tiếng rằng họ cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

“Chúng tôi đã tăng cường tuần tra biên giới của mình để không cho người di cư xâm nhập trái phép vào Thái Lan”, Lãnh đạo Cảnh sát Quốc gia Thái Lan Somyot Pumpunmuang tuyên bố.

“Các tổ chức quốc tế đừng nên chỉ yêu cầu suông mà không hỗ trợ tiền cho chúng tôi”, ông Somyot nói.

Trong khi đó, Malaysia, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN lên tiếng cho rằng, nước này đã phải tiếp nhận tới 120.000 người di cư trái phép từ Myanmar và không muốn tiếp nhận thêm nữa.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 17/5 khẳng định: “Thảm họa nhân đạo này là vấn đề toàn cầu và cộng đồng quốc tế phải cùng chung tay giải quyết”.

“Chúng tôi đã cho nhiều người trong số họ lên bờ và cung cấp viện trợ cho họ nhưng Malaysia không thể mang nổi gánh nặng này bởi còn hàng nghìn người đang muốn rời khỏi quê hương đến một nơi ở mới”, ông Najib tuyên bố. 

Một nhóm người di cư vừa đặt chân lên Indonesia (Ảnh Reuters)

Trước đó, Malaysia từng tuyên bố sẽ đưa các thuyền chở những người di cư quay trở lại vùng biển quốc tế. Tuyên bố này của phía Malayia vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR).

“Ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải cứu được những người di cư. Các quốc gia trong khu vực cần thể hiện trách nhiệm trong việc tiếp nhận họ ngay lập tức”, ông Volker Turk, quan chức UNHCR, cho biết.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Wan Junaidi Tuanku Jaafar đã lên tiếng bảo vệ quyết định của Chính phủ Malaysia: “Chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng đối với người di cư rằng chúng tôi sẽ đưa họ về nơi họ xuất phát. Đất nước của họ không có chiến tranh và nếu tàu của họ không gặp sự cố gì thì họ phải trở về quê hương của mình”.

“Tôi không hiểu vì sao chúng tôi lại bị gây sức ép phải tiếp nhận họ. Chúng tôi đã làm hết sức có thể và các tổ chức quốc tế cũng cần phải tính đến nguyện vọng của người dân chúng tôi, những người không muốn có quá nhiều người nhập cư tràn vào nước mình”, ông Wan nói./.

Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Phi cần 277 tỷ USD/năm để thích ứng với khí hậu

Tham dự một hội nghị cấp cao về tài chính khí hậu, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina vừa lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp khi biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia châu Phi.

Châu Phi cần 277 tỷ USD năm để thích ứng với khí hậu
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
175 quốc gia đàm phán về hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa

Các nhà đàm phán từ 175 quốc gia sẽ nhóm họp từ ngày 23 - 29/4 tại thủ đô Ottawa của Canada để đưa ra một hiệp ước toàn cầu mang tính ràng buộc nhằm chấm dứt vấn đề ô nhiễm nhựa, với nhiều điểm vướng mắc cần được giải quyết, 5 tháng sau khi vòng đàm phán gần đây nhất được tổ chức ở Kenya.

175 quốc gia đàm phán về hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa
“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

Châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu tăng cao, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu
Return to top