ClockThứ Bảy, 27/08/2016 13:43

Nan giải chuyển đổi nghề ở Hải Dương

TTH - Chuyển đổi sản xuất cho ngư dân xã Hải Dương, thị xã Hương Trà bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tế việc chuyển đổi không phải dễ dàng khi mà người dân đã quen với việc khai thác trên biển, gắn cuộc sống với biển.

Người dân Hải Dương nhận gạo hỗ trợ sau sự cố môi trường 

Gian nan chuyển đổi nghề

Hơn 47 năm làm nghề đi biển, đối với ngư dân Võ Xích, ở thôn Thai Dương Thượng Đông, bám biển là công việc nuôi sống gia đình ông. Tuy nhiên, sau sự cố môi trường biển, giờ đây, chiếc thuyền mà ông cùng bạn nghề “hợp tác” đi lộng phải cho nằm bờ. Ông Xích bày tỏ: “Tôi năm nay đã 63 tuổi, bám biển từ năm 16 tuổi, chừ nói đi học nghề thì làm răng mà học được? Muốn học nghề, cũng phải có trình độ, trong khi ngư dân chỉ dừng ở mức độ biết đọc, biết viết thì học khi mô cho xong. Hiện nay, lớp trẻ chủ yếu đi làm ăn xa, nên chỉ còn lớp già ở nhà. Theo tôi, muốn chuyển đổi nghề, việc cần làm trước tiên là hỗ trợ giống, cây trồng, phân bón, hỗ trợ vốn trực tiếp để chăn nuôi gia súc, gia cầm, giúp bà con ổn định kinh tế”.

Lão ngư Hồ Củ (70 tuổi) ở thôn 3 cho hay, gia đình ông giờ tập trung cho nghề chăn nuôi lợn. Quen “ăn sóng nói gió”, nên mỗi ngày, ông vẫn cùng “đồng nghiệp”, cũng ngót nghét 70 tuổi, chèo thuyền bám biển. “Thu nhập không đáng là bao, nhưng nhờ đó mà có thức ăn cho lợn. Cũng may nhà có chút đất, chứ mấy thôn kia nhà cửa san sát, có muốn nuôi con gà cũng khó”, ông Củ ngậm ngùi. Không riêng gia đình ông Xích, ông Củ, hàng trăm hộ ngư dân Hải Dương cũng đang lâm vào cảnh thất nghiệp, phải loay hoay tìm kế mưu sinh bằng “nghề phụ” là chăn nuôi, trồng trọt để giải quyết khó khăn trước mắt. Một vị lãnh đạo xã Hải Dương cho rằng, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong khi chờ biển “hồi sinh”, bởi ở nơi đất chật, người đông, sẽ không dễ nếu làm nông nghiệp với quy mô nhỏ như vậy.

Theo khảo sát, trên địa bàn xã Hải Dương, số hộ bị ảnh hưởng do môi trường biển là trên 1.500 hộ/6 thôn. Vì vậy, việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân ven bờ thực sự không dễ. Bí thư Đảng ủy xã Hải Dương Nguyễn Hận cho hay: “Ngoài 75ha nuôi trồng thủy sản, xã có diện tích đất nông nghiệp trên 50 ha sản xuất lúa 1 vụ. Còn lại, đa phần là đất cát trắng nghèo dinh dưỡng, diện tích có hạn. Hiện nay, không chỉ thiếu đất sản xuất, mà hạ tầng chưa đảm bảo, thiếu vốn đầu tư cũng là những trở ngại không nhỏ cho bà con khi chuyển đổi nghề”.

Tàu thuyền của ngư dân đa phần có công suất nhỏ

Nhu cầu thực tế

Bí thư Đảng ủy xã Hải Dương cho hay, chính quyền địa phương đang tập trung rà soát lại quỹ đất, nếu cần thiết sẽ điều chỉnh lại quy hoạch toàn bộ, chuyển đổi những diện tích đất đã quy hoạch nhưng chưa sử dụng để bố trí cho bà con; trong đó có tính đến phương án tái sử dụng diện tích đất bỏ hoang từ các dự án du lịch ven biển (dự án được tỉnh cấp phép đầu tư từ trước 2010 đến nay khoảng 140 ha).  “Chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh có phương án thu hồi hoặc cho người dân mượn lại quỹ đất này để tổ chức sản xuất, khi nào các đơn vị có nhu cầu thì sẽ thu hồi để triển khai dự án. Ngoài ra, Hải Dương vẫn còn một số diện tích đất khác đã được quy hoạch để xây dựng làng nghề nước mắm Làng Dừa, làm sân bóng đá... hiện chưa sử dụng, nếu cần thiết cũng nên chuyển đổi”, ông Hận đề xuất.

 Không chỉ khó trong chuyển đổi nghề, việc hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu cũng nan giải không kém. Từng là địa phương “có tiếng” với những đội tàu vươn khơi, nhưng nay chủ yếu khai thác ven bờ, nên dù có chính sách cho vay vốn ưu đãi để đầu tư đóng mới tàu với công suất lớn, nhưng ngư dân chẳng mấy ai mặn mà. Chưa kể, rất ít người trẻ theo nghề. “Tuổi cao, sức khỏe không còn, trình độ hạn chế nên dù có hợp lực 10-12 người cũng đành chịu”, ông Xích phân tích.

Một mong muốn được người dân Hải Dương cho là “sát sườn”, thiết thực nhất hiện nay, đó là hỗ trợ việc miễn, giảm học phí cho học sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho ngư dân vùng chịu ảnh hưởng. “Cũng như trước đây Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang đặc biệt khó khăn”, lão ngư Hồ Củ mong mỏi. 

Bí thư Đảng ủy xã Hải Dương cho biết thêm, xã đã cùng phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiến hành điều tra, khảo sát, lấy ý kiến của 1.455/1.531 hộ của địa phương. Trên cơ sở đề án và chủ trương chuyển đổi nghề cho ngư dân của các bộ, ngành, tỉnh cũng sẽ xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho bà con.

Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xe máy lao xuống biển, 2 người chết

Khi di chuyển đến ngã 3 đê kè cửa biển Thuận An thuộc thôn Thai Dương Hạ Trung, xã Hải Dương do không biết đường nên xe bất ngờ lao lên kè đá và lộn xuống cửa biển khiến 2 người tử vong.

Xe máy lao xuống biển, 2 người chết
Nan giải rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn

Không riêng Thừa Thiên Huế, hiện nay môi trường ở khu vực nông thôn và các làng nghề bị hạn chế, chất lượng thấp. Thực trạng này có một phần ảnh hưởng không nhỏ của rác thải sinh hoạt (RTSH) chưa được thu gom, xử lý đạt yêu cầu suốt thời gian dài.

Nan giải rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn
Dự án cầu vượt biển Thuận An vướng mặt bằng

Ngày 4/7, lãnh đạo Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Giao thông tỉnh (đơn vị Chủ đầu tư dự án (DA) cho biết, DA đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mặt bằng.

Dự án cầu vượt biển Thuận An vướng mặt bằng
Nan giải cải tạo đất ruộng

Qua các đợt mưa lũ, nhiều diện tích ruộng ở các địa phương bị bồi lấp lớp đất bề mặt dẫn đến khó canh tác, năng suất cây trồng thấp. Tuy nhiên, việc cải tạo đất ruộng, hạ thấp độ cao nhằm phục vụ sản xuất - dù là nguyện vọng chính đáng của nông dân nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khó thực hiện.

Nan giải cải tạo đất ruộng
Return to top