ClockThứ Sáu, 19/11/2021 15:22

Nạn phá rừng đang diễn biến phức tạp

TTH - Chỉ trong một tuần, lực lượng bảo vệ rừng (BVR) phát hiện và xử lý liên tiếp ba vụ khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép.

Giảm số vụ phá rừng A Lưới3 cán bộ bị kỷ luật do sử dụng sai mục đích tiền bảo vệ rừng

Phát hiện vụ chặt phá gỗ tại huyện A Lưới

Đầu tháng 11, lực lượng của Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện A Lưới phối hợp với cộng đồng thôn Lê Triêng, xã Trung Sơn (A Lưới) tổ chức tuần tra, truy quét tại tiểu khu 263. Đây là khu rừng có nhiều loài gỗ, trong đó ghi nhận một số loài quý hiếm, thường nằm trong “tầm ngắm” của lâm tặc. Quá trình tuần tra tại đây, các lực lượng phát hiện một số gỗ trám với khối lượng 1,568m3 đã được cưa xẻ, không xác định người vi phạm.

Trước đó, ngày 3/11, HKL huyện A Lưới phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu Bảo tồn thiên nhiên ĐaKrong, tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra tại tiểu khu 1019 đã phát hiện 6 phách gỗ dạ chồn với khối lượng gần 0,5m3, không phát hiện “chủ nhân”. Theo nhận định, có khả năng lâm tặc đã cảnh giác, phát hiện kiểm lâm tuần tra, truy quét nên kịp thời báo cho nhau tẩu thoát.

Cùng thời điểm, nhận được tin báo của người dân, các lực lượng chức năng phối hợp với lực lượng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân tiến hành phục kích, bắt giữ ô tô mang BKS 75C-112.17 đang vận chuyển lâm sản trái phép tại tuyến đèo Pê Ke thuộc xã Hồng Vân. Lực lượng phát hiện trên xe chở 5 phách gỗ quế với khối lượng 0,529m3. Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xác minh nguồn gốc số gỗ để xử lý theo quy định.

Hạt trưởng HKL huyện A Lưới, ông Ngô Hữu Phước thông tin, từ đầu mùa mưa lũ đến nay, lực lượng kiểm lâm cùng với biên phòng, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét tại các khu rừng sâu, điểm nóng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các vụ việc được phát hiện cho thấy tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép, không rõ nguồn gốc đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

Trước diễn biến phức tạp của nạn phá rừng, việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp tuần tra, giám sát, BVR là nhiệm vụ được xác định tương đối khả thi. Sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chuyên môn, ban ngành, địa phương tạo động lực, sức mạnh trong quản lý, BVR một cách hiệu quả. Đặc biệt là hoạt động tuần tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm lâm luật.

Thực tế, qua việc thực hiện quy chế phối kết hợp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, HKL huyện A Lưới phối hợp với các đơn vị trên địa bàn huyện A Lưới và HKL huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị thường xuyên tổ chức tuần tra, ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại các khu vực giáp ranh. Sự phối hợp giữa các lực lượng đã phát huy hiệu quả khi phát hiện và ngăn chặn kịp thời ba vụ phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép chỉ trong vòng một tuần.

Hạt trưởng HKL huyện Nam Đông, ông Hoàng Văn Chúc khẳng định, trữ lượng gỗ rừng ở Nam Đông khá lớn, trong đó nhiều loài gỗ quý hiếm nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực rừng sâu, khó đi lại. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm của đơn vị và các chủ rừng không chủ quan, luôn đề cao cảnh giác trong quản lý, BVR. Từ đầu mùa mưa lũ đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện phối hợp với ban, ngành chức năng tổ chức hàng chục đợt tuần tra, truy quét tại rừng. Dù chưa phát hiện các vụ phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép nhưng nguy cơ xảy ra các vụ vi phạm vẫn rất cao.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn nhận định, lâm tặc thường lợi dụng mùa mưa lũ để vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã và vận chuyển gỗ trái phép. Thời điểm này là cao điểm mùa mưa lũ nên ngành kiểm lâm, BVR càng phải đề cao cảnh giác, tuần tra, truy quét thường xuyên tại rừng. Để tránh nguy hiểm, nguy cơ tai nạn do bão, lũ, sạt lở đất đối với lực lượng BVR, ngành kiểm lâm ưu tiên quản lý bằng công nghệ tiên tiến; kết hợp tổ chức tốt hoạt động quản lý, ngăn chặn triệt để tình trạng người ra vào rừng không rõ lý do. Cán bộ kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt thông tin, đối tượng trong và ngoài địa phương thường vi phạm, hoặc nghi có dấu hiệu vi phạm nhằm ngăn chặn kịp thời.

Theo ông Lê Ngọc Tuấn, ngoài rừng A Lưới, Nam Đông, hiện nay các khu rừng thuộc Ban Quản lý (BQL) rừng Bắc Hải Vân, BQL rừng phòng hộ sông Bồ… cũng có nguy cơ đe dọa chặt phá. Ngành kiểm lâm phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đang tổ chức tuần tra, truy quét tại các khu rừng, các tuyến thượng nguồn Tả Trạch, Hữu Trạch, thủy điện Bình Điền, sông Bồ, đường 71, đường 74; chốt chặn tại các trạm kiểm lâm cửa rừng yết hầu như Chà Lệnh - Mù Nú, La Ma, Trạm Kiểm lâm (TKL) lòng hồ Hương Điền, TKL cửa rừng đường 71, TKL cửa rừng đường 74…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rừng phòng hộ hồ Quao bị chặt phá

Ông Nguyễn Bá Thạo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền thông tin chiều 6/1, trong lúc tuần tra, bảo vệ rừng, lực lượng công an, quân sự xã Phong Mỹ phát hiện và bắt quả tang nhóm đối tượng có hành vi vào khu vực rừng phòng hộ hồ Quao khai thác cây keo lai bị chết và cây rừng để làm củi bán.

Rừng phòng hộ hồ Quao bị chặt phá
Lúc khó có cộng đồng

Trước những tác động phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu (BĐKH), ngoài yếu tố phát huy năng lực chỉ huy, tính cộng đồng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Lúc khó có cộng đồng
Giám sát tình trạng nhập tôm hùm giống trên địa bàn

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, đến thời điểm này (23/9), chưa phát hiện tình trạng nhập tôm hùm giống trái phép vào địa bàn tỉnh. Các lực lượng tiếp tục theo dõi, giám sát và nắm thông tin liên quan nhằm có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng nhập tôm hùm giống trái phép.

Giám sát tình trạng nhập tôm hùm giống trên địa bàn

TIN MỚI

Return to top