ClockThứ Hai, 05/09/2016 05:26

Nâng cao chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới

TTH - Bước vào năm học mới 2016 – 2017, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trò chuyện với TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo về những trăn trở trước yêu cầu đổi mới, hội nhập đang mở ra cơ hội cùng những khó khăn đối với ngành giáo dục.

Điều người dân quan tâm trong năm học mới 2016-2017 là Đề án “Quy định mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh” vừa được HĐND tỉnh thông qua với mức tăng học phí từ 20-70%.

TS.Phạm Văn Hùng 

Trả lời câu hỏi, liệu việc quy định tăng học phí đúng thời điểm các xã vùng biển đang gặp khó khăn sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung có ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh, TS. Phạm Văn Hùng khẳng định: “Thực thu học phí ở các bậc học thu theo đề án được xây dựng trên thực tế dân sinh và vận dụng ở mức thấp nhất. Mỗi học sinh ở miền núi vào bậc THCS không bán trú học phí từ 5.000 đồng tăng lên 8.000 đồng/tháng (tăng 25%), mầm non (MN) tăng từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng/ tháng… không phải là quá sức đối với người dân. Chúng tôi sẵn sàng tham mưu ngay cho UBND tỉnh nếu tình hình thu học phí diễn biến phức tạp, như có hiện tượng học sinh không đến trường do đời sống gia đình gặp khó khăn vì ảnh hưởng môi trường… để miễn, giảm cho các em. Bảo đảm không có học sinh cũng như cháu mẫu giáo nào không thể đến trường vì không đủ tiền nộp học phí”.

Thường thì mỗi năm học mới, ngành GD&ĐT có những thay đổi trong giáo dục, như áp dụng thêm những chương trình mới, phương pháp mới… Để tiếp nhận, cần có đội ngũ tương ứng. Vậy ngành đã chuẩn bị gì cho những cái mới này?

Quả thật cho đến nay, ngành GD&ĐT đang trong quá trình làm mới mình để tiệm cận khoa học giáo dục hiện đại. Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm và hội nhập nền giáo dục thế giới, chúng ta không thể không đổi mới. Năm học này chúng tôi vẫn tiếp tục các chương trình đổi mới phương pháp dạy học, như VNEN. Bàn tay nặn bột, tiếng Anh mới… nhưng sẽ có sự chắt lọc hơn…

Ông nói gì về đội ngũ của mình trước sự thay đổi “luôn luôn mới” của ngành?

Chúng tôi hiện có 15.674 giáo viên đứng lớp, từ MN đến THPT. Trong đó tỷ lệ trên chuẩn của các bậc học đều rất cao. MN con số trên chuẩn là 82%, TH là 93%, THCS 80% và THPT là 29%. Từ con số cho thấy ngành có đội ngũ khá đồng bộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của riêng tôi, chất lượng chuyên môn của đội ngũ này vẫn có mức độ. Chuẩn cao, nhưng khả năng đáp ứng yêu cầu đổi mới đang gặp khó khăn là sự thật. Điều này cũng dễ hiểu, đội ngũ giáo viên hiện tại được đào tạo theo phương pháp cũ, trước những chương trình mới, không phải ai cũng đủ nhanh nhạy, cũng chịu khó tự học… để đáp ứng ngay được.

Trong 3 - 4 năm vừa qua ngành đã chủ động tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn (để đội ngũ của mình tiếp cận chương trình phổ thông mới theo NQ 29). Nhưng phải nói thật là con số được bồi dưỡng, tập huấn chưa nhiều; qua bồi dưỡng, tập huấn, đáp ứng được nhu cầu đổi mới cũng chưa nhiều, chưa mạnh. Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng cũng chưa trở thành những hoạt động thường xuyên và đều khắp... Điều đó tạo nên những “vùng tối” trong giáo dục mà chúng tôi đã nhận ra từ rất sớm và liên tục có những biện pháp đi kèm rất cụ thể trong kế hoạch hoạt động năm học 2016-2017 của ngành để thay đổi cục diện này.

Vậy còn số lượng giáo sinh trẻ ra trường hàng năm…?

Hiện các giáo sinh ra trường với bằng loại khá, giỏi, xuất sắc rất nhiều. Nhưng, như tôi đã nói, lực lượng của chúng tôi hiện đủ về số. Mỗi năm chỉ có thể thay thế một số nhỏ do nghỉ hưu, nên khả năng thay thế ít, tuyển dụng rất ít.

Giờ thực hành tin học tại Trường tiểu học Thuận Hoà (TP. Huế)

Nhưng vấn đề mà chúng tôi băn khoăn là những sinh viên mới được đào tạo theo chương trình nào, mới hay cũ? Họ liệu có đáp ứng được các chương trình mới hiện nay hay vẫn phải bồi dưỡng, tập huấn lại? Vì thế, hơn hết, từ nội lực, chúng tôi luôn kêu gọi đội ngũ giáo viên của ngành phải tự bồi dưỡng, tự học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu đổi mới.

Về cơ sở vật chất, bài toán này đã từng được giải một cách hiệu quả những năm đầu thế kỷ XXI, vậy hiện nay như thế nào, thưa ông?

CSVC là một trong những vấn đề đang khiến chúng tôi trăn trở nhiều. Đã có một giai đoạn gần 15 năm ngành GD&ĐT được đầu tư tập trung và tương đối lớn. Bước nhảy vọt về hệ thống trường lớp học trong hơn thập kỷ qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chúng ta đã phát triển trên một nền quá thấp, điều này khiến quá trình đầu tư giai đoạn vừa qua đôi lúc vội vàng, chắp vá. Và vì thế, vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của ngành.

Hiện một hệ thống CSVC khá tốt ở các địa chỉ truyền thống và hệ thống CSVC khu vực miền núi. Nhưng tỷ lệ này thấp so với toàn cục. Cho đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn chưa quá 50%, trường học 2 buổi/ngày còn thấp hơn nhiều. Kinh phí đầu tư cho hệ thống hỗ trợ như: thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành, nhà đa năng… chuẩn cho hoạt động giáo dục tuyến cơ sở vẫn là một bài toán khó. Vì thế, sự bình đẳng trong giáo dục cho tất cả học sinh trong năm học này vẫn chưa thể khắc phục ngay được.

Khó khăn vẫn sẽ rất nhiều, nhưng trước năm học mới, với vị trí “đứng mũi chịu sào”, ông nhắn nhủ gì với những người làm giáo dục?

Không mới, nhưng sẽ không bao giờ là cũ, đó là, dù đứng trên bục giảng hay ở vị trí nào trong ngành, khi đã chọn môi trường giáo dục, mong anh chị em hãy tâm huyết với mục tiêu giáo dục, hãy cháy hết mình, để thế hệ trẻ tin tưởng, noi theo.

Xin cám ơn ông!

Năm học 2016 - 2017, ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế xác định tập trung các giải pháp thực hiện nhiệm vụ dạy tốt, học tốt. Đó là tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ, thực hiện có hiệu quả công tác đổi mới; tập trung xây dựng và triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; triển khai dạy học tiếng Việt lớp 1 giáo dục công nghệ; mở rộng những nội dung tích cực của mô hình VNEN, dạy học theo chủ đề tích hợp; dạy theo phương thức E-Learning; phát triển mô hình trường học kết nối…và tiếp tục các chương trình đổi mới; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT; tăng cường công tác đánh giá và xếp hạng về CSVC; thu hút xã hội hoá đầu tư hệ thống CSVC đáp ứng nhu cầu giáo dục hiện đại.

HƯƠNG GIANG (Thực hiên)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi mới, đột phá trong huấn luyện

Với những chủ trương, giải pháp cụ thể và tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ, nhiệm vụ huấn luyện năm 2024 được lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh thực hiện thắng lợi với nhiều thành tích nổi bật.

Đổi mới, đột phá trong huấn luyện
Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, năm 2024, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp
Return to top