ClockThứ Tư, 18/11/2020 07:00

Nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê kè phục vụ sản xuất

TTH - Sau các trận mưa lũ liên tiếp, hệ thống thủy lợi, đê kè biển, đầm phá xuống cấp, bồi lắng, hư hỏng nghiêm trọng.

Gần 12 triệu USD nâng cấp hệ thống đê bao, thủy lợi

Tuyến kè đầm phá qua Phú Vang bị hư hỏng, xói lở sau mưa, lũ

Xuống cấp nhiều nơi

Theo Công ty TNHH NN MTV QLKTCT thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi), các trận mưa lũ liên tiếp từ tháng 10/2020 đến nay làm các công trình thủy lợi từ miền núi đến đồng bằng hư hỏng, xuống cấp nhiều điểm với tổng giá trị thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Tại huyện miền núi A Lưới, với khoảng 80 công trình thủy lợi lớn nhỏ đã được đầu tư nhiều năm, qua nhiều giai đoạn sử dụng nên đã xuống cấp. Các trận mưa lũ liên tiếp với đặc điểm địa hình núi dốc, lượng nước chảy lớn đã làm nhiều công trình xuống cấp, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Tại hồ A Lá, đất đồi phía bờ tả của vai tràn bị sạt lở kéo theo cây cối lấp vào phần đuôi tràn và vai trái tràn bị thấm. Công trình Khu tái định cư Hồng Thượng, hệ thống ống dẫn nước bị hỏng, cầu Máng bị trôi; đập Pa Lanh 2, đập Kim Sơn xã Trung Sơn thượng lưu bị đất cát bồi lấp và trôi rọ thép sân tiêu năng và các công trình đập LiLeng xã Hồng Thủy; đập Ka Cú; đập Tà Riềng 2; đập Ru Khen... hệ thống đầu mối và kênh tưới bị hư hỏng nặng.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hư hại 58/80 công trình toàn huyện, về lâu dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Để phục vụ sản xuất trước mắt, các xã huy động nhân lực, cho tiến hành sửa chữa, khắc phục một số công trình nhỏ. Đối với các công trình lớn, hư hỏng nặng địa phương đang đề xuất kinh phí để sửa chữa.

Ở khu vực đồng bằng, hồ Khe Ngang (TX. Hương Trà) cũng bị sạt lở vách núi phía bờ tả tràn phía thượng lưu (dài 30m, rộng 10m), mái đá thượng lưu tràn chính bờ tả bị lún sụt 5m2, mái hạ lưu đập chính bị xói lở, lún sụt 4 vị trí ở chân đập và 3 điểm thân đập. Đường quản lý công trình tràn chính đoạn cống ngầm bị hư hỏng nặng; kênh chính và kênh cấp một cũng bị hư hỏng 180m.

Các trạm bơm tại huyện Quảng Điền - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hệ thống kênh mương cũng hư hỏng nặng. Các trạm bơm Hạ Lang, Hạ Cảng, Lai Hà, Vinh Phú đều hư hỏng, xuống cấp sau  mưa lũ.

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty Thủy lợi thông tin, mưa lũ đã làm hư hỏng, xuống cấp nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh do công ty quản lý với giá trị ước thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang tập trung khắc phục một số công trình đáp ứng nhu cầu sản xuất trước mắt. Về lâu dài, đơn vị đang đề xuất kinh phí để xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình lớn xuống cấp.

Từng bước đầu tư

Hệ thống đê kè biển, sông, đầm phá ở một số địa phương cũng bị xuống cấp, sạt trượt sau mưa lũ đang cần được khắc phục.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong các năm qua bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh đã đầu tư khoảng 71km kè bờ sông góp phần ổn định được cuộc sống người dân, bảo vệ đất đai, cây cối, hoa màu và một số công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn toàn tỉnh.

Các địa phương cũng đã tiến hành nạo vét các sông, hói tiêu úng và thoát lũ cho các công trình thủy lợi như hói Hiền Lương (Phong Điền); hói Phát Lát, sông Đông Ba, sông Kẻ Vạn, sông Ngự Hà và sông An Hoà (TP. Huế); sông Cầu Hai (Phú Lộc); hệ thống tiêu thoát lũ vùng Quảng Vinh, thị trấn Sịa (Quảng Điền), với tổng mức đầu tư 176,3 tỷ đồng. Đồng thời, đã xây dựng hoàn thành các cống thoát lũ, ngăn mặn trên đê, trên sông như cống Hà Đồ, cống Công Trường 1, cống Truồi 2, cống Phú Mỹ 2.

Đặc biệt, hệ thống tiêu úng An Sơn Bổn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, công trình có nhiệm vụ ngăn lũ tiểu mãn, lũ sớm cho khoảng 1.056 ha lúa và kết hợp giao thông nội đồng, góp phần cải thiện sinh kế giảm nghèo và tăng nguồn thu nhập cho khoảng 35.500 người dân và vùng lân cận.

Ngoài ra, hệ thống đê bao trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp khoảng 60 km với kinh phí ước 200 tỷ đồng; đầu tư xây mới và nâng cấp khoảng 40 trạm bơm điện ước kinh phí khoảng 180 tỷ đồng. Hiện nay, các hệ thống các trạm bơm đảm bảo phục vụ tưới, tiêu cho nông nghiệp. Hệ thống kênh mương nội đồng đã đầu tư được 1.180km, ước kinh phí khoảng 420 tỷ đồng. Việc đầu tư kiên cố hóa các tuyến kênh đã làm chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm chi phí trong quá trình vận hành khai thác.

Theo Quyết định 58/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình củng cố nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, Thừa Thiên Huế có tổng chiều dài được phê duyệt là 181km. Từ năm 2006 đến nay, bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương mới đầu tư được 73,09km đê (với 41 cống các loại) với tổng mức đầu tư hơn 341 tỷ đồng, còn lại 107,91km đê và 133 cống chưa được đầu tư, nâng cấp.

Công trình chống sạt lở bờ biển và ổn định các cửa biển cũng  được chú trọng đầu tư với các dự án (DA) như chỉnh trị cửa biển Thuận An giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng đến nay đã bàn giao đưa vào sử dụng, giai đoạn 2 đang tiếp tục nghiên cứu; DA xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển khu vực Hải Dương (Hương Trà) với tổng mức đầu tư 48,9 tỷ đồng đã hoàn thành và đang phát huy tốt hiệu quả; các DA khác như ổn định cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc) đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch; DA kè chống sạt lở bờ biển khu vực Phú Thuận (Phú Vang) với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.

UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT, Chính phủ hỗ trợ kinh phí đầu tư một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh như xây dựng hồ chứa nước Thủy Cam với kinh phí khoảng 550 tỷ đồng; nâng cấp sửa chữa đập ngăn mặn Thảo Long đã xuống cấp, hư hỏng nặng với kinh phí khoảng 198 tỷ đồng; nâng cấp sửa chữa đập ngăn mặn Cửa Lác để phục vụ nước cho 5.225 ha với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp sửa chữa 8 hồ chứa nước với kinh phí khoảng 80 tỷ đồng và cho chủ trương nghiên cứu lập DA xây dựng hồ chứa nước Ô Lâu Thượng với kinh phí 987 tỷ đồng…

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top