ClockThứ Bảy, 22/05/2021 13:45

Nâng cấp, sửa chữa phà thép chở khách

TTH - Để “cứu” 3 phà thép chở khách phục vụ trên khu vực đầm phá giữa bến thuyền Vĩnh Tu - Cồn Tộc (Quảng Điền), Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quảng Điền đã xây dựng phương án khắc phục, sửa chữa nhằm đưa vào hoạt động trở lại các phà này.

Hai phà thép ở bền thuyền Vĩnh Tu sau khi trục vớt

Nhiều bất cập

Năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng và Du lịch Đông Á đã hỗ trợ 3 phà thép chở khách (tổng trị giá khoảng 1,6 tỷ đồng) để phục vụ công tác phòng, chống bão, lụt trên địa bàn huyện Quảng Điền.

Sau khi tiếp nhận, huyện Quảng Điền phân bổ số phương tiện trên cho xã Quảng Ngạn, giao HTX Cơ giới đường sông Quảng Điền trực tiếp quản lý. Sau đó, 1 trong 3 chiếc phà đã được chuyển sang phục vụ chở khách du lịch tại khu du lịch sinh thái cộng đồng xã Quảng Lợi; 2 chiếc còn lại được đưa về bến đò Vĩnh Tu.

Tuy nhiên, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, những chiếc phà này “đắp chiếu”, gây lãng phí khi người dân vẫn chọn đi phương tiện thuyền gỗ. Liên tiếp các trận lụt bão cuối năm 2020 đã làm các phương tiện này bị hư hỏng nặng nề, 2 trong 3 phà thép đã bị sóng đánh chìm.

Ông Trần Thế Lữ, Phó Giám đốc HTX Cơ giới đường sông Quảng Điền thông tin, từ khi được phân bổ về địa phương, phà thép chỉ hoạt động vài chuyến rồi “nằm bờ”. Nguyên nhân các phương tiện này hoạt động trên mặt nước đầm phá không phù hợp, quá trình sử dụng nảy sinh rất nhiều bất cập chưa giải quyết được.

Cụ thể, dòng thủy triều lên xuống trong ngày quá lớn, trong khi nước lên thì phà khách hoạt động được (1,5 mét) nhưng khi nước rút xuống thì không thể hoạt động do mắc cạn. Trong quá trình hoạt động còn thường xuyên bị mắc lừ của người dân đánh bắt trên phá Tam Giang, mất rất nhiều thời gian để tháo gỡ, ảnh hưởng đến hành khách đi phà.

Do số lượng hành khách đi ngày một ít hơn, trong khi đó để phà hoạt động có hiệu quả thì số lượng khách thường xuyên từ 15-20 hành khách/chuyến. Nếu đảm bảo số lượng khách như trên thì phải mất nhiều thời gian mới đủ số lượng khách cho một chuyến đi, do đó quá trình vận chuyển bằng phà không hiệu quả kinh tế so với đò máy.

Mặt khác, theo quy định tối thiểu phải có 3 người tham gia điều khiển trên phà dẫn đến kinh phí nhân công lớn. Lượng nhiên liệu cho một chuyến quá lớn so với đò máy, các hư hỏng máy móc nhiều nên cần kinh phí sửa chữa lớn.

“Trước một số bất cập trên HTX Cơ giới đường sông Quảng Điền từng có văn bản không tiếp nhận 3 phà khách vì không phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của đơn vị, thay vào đó HTX dùng thuyền máy cũ để thực hiện vận chuyển hành khách ngang sông”, ông Lữ cho biết.

Cải hoán phù hợp

Mới đây, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quảng Điền đã có buổi làm việc với Phòng Tài chính - Kế hoạch, HTX Cơ giới đường sông Quảng Điền và Tổ hợp tác dịch vụ du lịch Ngư Mỹ Thạnh để tiến hành đánh giá hiện trạng hư hỏng 3 phà khách.

UBND huyện Quảng Điền cũng đã tiến hành trích kinh phí trục vớt 2 phà bị đắm và xử lý 1 phà bị mắc cạn để đánh giá hư hỏng và lên phương án khắc phục, sửa chữa. Theo đó, qua đánh giá do không hoạt động trong một thời gian dài, ảnh hưởng của mưa bão đã làm phần vỏ phà, động cơ, hệ thống điện, bánh lái… các phà đều hư hỏng nặng.

Ông Nguyễn Đình Công, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quảng Điền thông tin, để các phà đi vào hoạt động trở lại phục vụ vận chuyển hành khách và khách du lịch trên khu vực phá Tam Giang, đơn vị dự kiến thay đổi một số linh kiện để phù hợp với tình hình thực tế và dự toán kinh phí khắc phục, sửa chữa khoảng 500 triệu đồng.

Theo đó, ngoài sơn lại phần vỏ cần thay thế hệ thống lái, mái che, nâng mạn nhôm và 3 động cơ của phà bằng động cơ Kobota (Nhật Bản) - bao gồm cả hộp số, máy phát điện, cho việc khởi động dễ dàng, phù hợp hơn với môi trường sử dụng trên đầm phá; thay mới hệ thống điện để thuận lợi di chuyển vào ban đêm…

Trước đó, nhằm đảm bảo thông thoáng luồng lạch cho các phà này hoạt động, UBND huyện Quảng Điền đã giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát luồng lạch tại bến thuyền Cồn Tộc - Vĩnh Tu để tiến hành nạo vét luồng lạch và xây dựng điểm đón trả khách nhằm phục vụ quá trình vận hành của các phà được thuận lợi. Yêu cầu các địa phương vận động, xử lý các hộ dân đặt lưới lừ không đúng nơi quy định, nằm trong luồng tuyến chạy của phà.

Về lượng khách qua phà, UBND huyện Quảng Điền cũng đã xây dựng kế hoạch sử dụng phà vào các giờ cao điểm hoặc phục vụ du lịch, còn lại vận chuyển khách tại bến vẫn sử dụng thuyền máy như hiện nay.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cấp các xã lên phường

Đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống điện chiếu sáng hay hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư ở các xã, phường mới sáp nhập vào TP. Huế từ tháng 7/2021 là những dự án (DA) đã và đang được UBND TP. Huế triển khai, với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng và đáp ứng các tiêu chí để nâng cấp các xã lên phường.

Nâng cấp các xã lên phường
Nâng cấp thủy lợi phục vụ sản xuất

Nhiều công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng trên địa bàn tỉnh hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng sản xuất. Ngoài nguồn vốn bảo trì của đơn vị quản lý, vận hành, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương lồng ghép kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình, nhằm chủ động nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Nâng cấp thủy lợi phục vụ sản xuất
Nâng cấp hạ tầng nghề cá, thúc đẩy kinh tế biển

Hoàn thiện các công trình chỉnh trị cửa biển, xây dựng hạ tầng nghề cá trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực ngành thủy sản, đảm bảo ổn định hệ thống giao thông thủy và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Nâng cấp hạ tầng nghề cá, thúc đẩy kinh tế biển

TIN MỚI

Return to top