ClockThứ Hai, 25/04/2016 22:33
BÃI TẮM THUẬN AN – PHÚ THUẬN:

Nâng cấp từ hạ tầng đến chất lượng dịch vụ

TTH - Du lịch biển được xác định là thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện Phú Vang. Trong đó, các bãi tắm nối dài từ Thuận An đến Phú Thuận là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Tuy vậy, việc quản lý, khai thác và sử dụng các bãi tắm này chưa tương xứng.

Từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016, UBND huyện Phú Vang đã đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở khang trang; đồng thời, siết chặt quy chế quản lý hoạt động dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng các bãi tắm.

Cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp

Vui lòng khách đến

Con đường bê tông dài hơn 800 mét chạy dọc bờ biển, ngăn cách bãi tắm với khu vực dịch vụ có hệ thống nhà hàng khang trang. Nhiều khu cộng đồng dành cho những người có nhu cầu tự túc thức ăn, nước uống được trang trí đẹp mắt. Quy định điểm buôn bán dành cho đội ngũ bán hàng rong, du khách không còn bị làm phiền… là những gì dễ thấy về sự thay đổi toàn diện tại các bãi tắm Thuận An và Phú Thuận (Phú Vang) từ mùa hè này.

Để phát triển du lịch biển bền vững, UBND huyện Phú Vang chỉ đạo ban quản lý các bãi tắm siết chặt 3 tiêu chí. Thứ nhất, phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường. Sau khi nghiệm thu cơ sở hạ tầng, lãnh đạo thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận quyết tâm thực hiện tốt các văn bản quy định về vệ sinh môi trường do UBND huyện ban hành. Tổ chức nhiều đợt ra quân tổng vệ sinh bãi biển và các khu vực lân cận; trang bị nhiều loại thùng rác, đặt giỏ rác dưới mỗi bàn ăn để hạn chế tình trạng xả rác xuống nền nhà; giữa bãi cát và đường bê tông, cách vài mét đặt một thùng rác hình chim cánh cụt dễ gây sự chú ý để du khách bỏ các loại chai lọ, bao ni lông, giấy gói thức ăn…; tổ thu gom đến lấy rác 2 lần/ngày, những ngày cao điểm thu gom nhiều lần hơn. Hy vọng cách làm này sẽ tạo sự thay đổi tích cực giúp môi trường du lịch biển ở đây an toàn, thân thiện.

Yếu tố thứ hai được quan tâm là phong cách phục vụ của các dịch vụ. Nhân viên ban quản lý, các đội bảo vệ, giữ xe, đội cứu hộ đều có đồng phục, biển hiệu được cấp theo quy định. Riêng đội ngũ nhân viên bán hàng lưu niệm và nhà hàng không có quy định chung, nhưng các cơ sở đều tự may đồng phục. Trang phục đẹp và thái độ cởi mở không chỉ là yếu tố quyết định trong chiến lược kinh doanh, mà còn là nét văn hóa của vùng miền. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Quản lý bãi tắm Phú Thuận cho biết: “Sẽ có xử phạt những nhân viên bị khách hàng phản ánh về thái độ phục vụ”. Tất cả các mặt hàng phải niêm yết công khai giá tại vị trí dễ nhìn thấy và phải bán đúng giá. Các cơ sở báo giá cho ban quản lý 2 lần/ngày. Cùng một mặt hàng, chênh lệch giá giữa các cơ sở không được quá 20%. Ban quản lý cử người thường xuyên kiểm tra niêm yết giá, không để xảy ra tình trạng chặt chém. Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn, Trưởng Ban Quản lý bãi tắm Thuận An khẳng định: “Nếu cơ sở nào bán hàng không đúng giá niêm yết sẽ bị xử phạt hành chính. Sau 3 lần vi phạm thì cắt hợp đồng”.

Vừa lòng khách đi

Khai thác hoạt động tắm biển và vui chơi trên bãi biển là lợi thế không của riêng Phú Vang mà của cả tỉnh. Nói một cách công bằng, dịch vụ trên các bãi tắm Thuận An – Phú Thuận còn hạn chế, tỷ lệ khách du lịch cao cấp chưa cao. Ngoài các hoạt động ăn uống, giải khát, bán quà lưu niệm, tắm biển và các dịch vụ liên quan ra thì còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Bãi tắm Thuận An

Địa thế đẹp, lại không xa thành phố Huế, dòng nước trong xanh với những con sóng hiền hòa là món quà mà thiên nhiên ban cho các bãi biển này. Tuy nhiên, du khách đến Thuận An – Phú Thuận ngoài tắm biển, chẳng biết đi đâu và cũng không mấy khi mua được sản vật gì mang về. Họ cũng chưa có điều kiện thử sức các trò giải trí mạo hiểm, đẳng cấp, như: lướt sóng, dù bay có tàu kéo, mô tô nước… Các dịch vụ hỗ trợ vẫn còn thiếu.

Hiện, địa phương đang từng bước khai thác những gì đang có, như: mở thêm nhiều dịch vụ bán các sản vật đặc trưng của địa phương liên quan đến biển như: áo pun in thương hiệu các bãi tắm, bánh ép Thuận An, nước mắm Phú Thuận, các loại mắm nổi tiếng của Huế như mắm rò, mắm tôm, mắm cá cơm… Các cửa hàng bán đồ lưu niệm năng động hơn trong kinh doanh, phục vụ thêm những mặt hàng du khách cần khi đến tắm biển là áo, khăn tắm, áo phao… Để du khách yên tâm vui chơi, ban quản lý trang bị nhiều tủ giữ hộ túi xách, tư trang; đồng thời, có trách nhiệm giải quyết những mâu thuẫn giữa khách hàng với người bán hàng, giữa du khách với người dân, giữa du khách với du khách…

Trong tương lai, địa phương phấn đấu hình thành thêm các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí trên bờ phục vụ du khách, như: tổ chức khu phố ẩm thực, gian hàng bán hải sản tươi sống… hy vọng sẽ giữ chân du khách lâu hơn chứ không chỉ đến trong ngày.

Chủ tịch UBND huyện Phú Vang La Phúc Thành thổ lộ: “Hoàn thành việc nâng cấp cơ sở hạ tầng trên các bãi tắm Thuận An – Phú Thuận không chỉ là niềm vui riêng của chính quyền địa phương mà còn hợp lòng dân. Để phát huy hết lợi thế, trước mắt chúng tôi quyết tâm siết chặt nội quy để làm tốt khâu phục vụ, tạo được niềm tin với du khách”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”

Ngày 14/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp chính quyền xã Hải Dương (TP. Huế) và mạnh thường quân tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em” với số lượng 600 con gà giống đến 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con em trong độ tuổi đến trường.

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”
Xây dựng nền tảng từ phát triển hạ tầng

Ngoài việc dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, việc nhiều khu đô thị đang hình thành tạo ra diện mạo mới cho Hương Thủy. Không chỉ hứa hẹn tạo ra môi trường sống lý tưởng cho người dân, phát triển hạ tầng sẽ góp phần giúp Huơng Thủy bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng nền tảng từ phát triển hạ tầng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top