ClockThứ Hai, 04/04/2016 10:24

Nâng chất lượng sống cho người nghèo

TTH - Không chỉ thiếu ăn, ốm đau, bệnh tật, theo chuẩn mới những người thiếu ở các mặt về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch - vệ sinh, thông tin... được xem là hộ nghèo. Từ đó, tỉnh sẽ có những chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng sống cho người nghèo.

Còn khó khăn, bất cập

Thừa Thiên Huế hiện còn 14 xã và 19 thôn thuộc đồng bào dân tộc thiểu số đang hưởng lợi từ Chương trình 135. Hàng năm, kinh phí hỗ trợ 5,15 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các mô hình giảm nghèo cho các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn này. Những hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu vốn, thiếu kỹ năng, kỹ thuật trong sản xuất được hướng dẫn lựa chọn nhóm cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất. Người nghèo được hỗ trợ vốn, đất sản xuất, kỹ thuật và xây dựng trên 110 mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển thuỷ sản… phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đặc biệt, khi được Nhà nước hỗ trợ 50% cây, con giống và 100% phân bón, phần còn lại là các địa phương vận động người dân góp công, góp của để cùng nhau giảm nghèo.

 Khám bệnh cho đồng bào ở A Lưới 

Theo ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, dù đã đạt những thành quả có ý nghĩa nhất định, nhưng chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 vẫn còn những khó khăn, bất cập. Đó là số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn và số thôn, xã đặc đặc biệt khó khăn còn nhiều. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó khăn đối với công tác giảm nghèo. Nguồn lực của địa phương, hộ nghèo tham gia đối ứng cùng với ngân sách hỗ trợ vẫn thấp. Một số chính sách ban hành có mức đầu tư thấp, đa phần mang tính hỗ trợ về an sinh xã hội. Trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, một bộ phận hộ nghèo không muốn thoát nghèo để hưởng cơ chế, chính sách. Vai trò của chính quyền và các hội, đoàn thể ở một số địa phương chưa phát huy và thực sự là chỗ dựa cho người nghèo.

Được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản

Bắt đầu từ năm 2015, cách tính hộ nghèo đơn chiều dựa trên thu nhập thuần tuý sẽ dần được chuyển sang phương pháp tính đa chiều. Chuẩn nghèo không chỉ dựa theo thu nhập mà sẽ xem xét dựa trên 5 chiều, gồm: y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội. Với cách đo lường mới này, việc xoá nghèo không chỉ lo cho người nghèo có cái ăn, cái mặc mà còn giúp họ tiếp cận các chính sách ưu tiên của Nhà nước, sự trợ giúp của xã hội.

Theo khảo sát của Sở Lao động TB&XH, áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều, số hộ nghèo ở Thừa Thiên Huế  tăng từ 4,5 % lên trên 8,36%. Những nhu cầu cần thiết đối với cuộc sống, như: nhà ở, khám chữa bệnh… tại cộng đồng vẫn còn thiếu ở một bộ phận người chưa nghèo và người mới thoát nghèo. Để giảm nghèo bền vững, phải xem xét hộ nghèo ở nhiều phương diện, đa ngành. Không hẳn chỉ thiếu tiền là nghèo. Xét hộ nghèo theo phương pháp mới, giảm nghèo đa chiều sẽ tạo nên bộ phận nghèo mới nổi. Như vậy, cùng với việc hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, việc cần làm sắp đến là hỗ trợ để họ có thể tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản.

Các chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập được quan tâm đẩy mạnh. Chính sách vay vốn tín dụng hỗ trợ sản xuất cũng tăng mức cho vay, linh hoạt thời gian vay cho hộ nghèo, cận nghèo. Tỉnh sẽ ưu tiên thực hiện dự án định canh định cư để hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn sớm ổn định cuộc sống. Các chính sách hỗ trợ nhà ở đã chuyển từ cho không sang cho vay dài hạn, lãi suất thấp. Chính sách giảm nghèo sẽ được xác định theo hướng phân loại chính sách tác động đến từng nhóm đối tượng cụ thể như hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng. Từ đó, góp phần giảm số hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,5-2,0%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó số hộ nghèo trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm bình quân từ 2,5 đến 3%/năm.

Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều là một quá trình, không thể cầu toàn ngay và sẽ gặp phải một số khó khăn, thách thức. Do đó, đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp và đặc biệt là sự thay đổi nhận thức căn bản của đối tượng được thụ hưởng chính sách. Mỗi địa phương cần xem giảm nghèo là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư giảm nghèo là đầu tư cho phát triển và bảo đảm an sinh xã hội.

Để thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo, tiến đến xoá nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020, Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng để  tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạnh phúc khi đến với người nghèo

Ngoài 70 tuổi, bà Hồ Thị Châu, hội viên phụ nữ phường Xuân Phú, TP. Huế tự nhận mình là người hạnh phúc. Trên chiếc xe máy, ngày ngày bà vẫn miệt mài đi tìm và đến với người nghèo. Hơn 20 năm, bà vẫn muốn làm công việc thiện nguyện theo bà từ thời con gái. Bà Châu cũng là gương mặt phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương năm 2023.

Hạnh phúc khi đến với người nghèo
Ấm áp ngày hội “Bánh chưng xanh”

Ngày 3/2, Đoàn Thanh niên; Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế, Công An TP. Huế, BIDV Thừa Thiên Huế và Phú Xuân, Vietcombank Huế, MB Huế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động Thương binh & Xã hội, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An; Hải đội 2 Biên phòng tổ chức ngày hội “Bánh chưng xanh” cho người nghèo và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn lần thứ II, xuân Giáp Thìn năm 2024.

Ấm áp ngày hội “Bánh chưng xanh”
Return to top