ClockChủ Nhật, 04/06/2017 14:01

Nắng cuối ngày

TTH - 1 - Ngày dần tàn. Duỗi dài trên chiếc võng xếp ở tầng thượng, ông lơ đãng nhìn ánh ngày đang nhạt nhòa trên vòm xà cừ bên đường. Nếu đời người chỉ gói gọn trong một ngày thì đời ông đang bước vào độ giống những tia nắng cuối ngày kia.

Đã bao lần ông tự an ủi “hết quan hoàn dân” nhưng hơn năm trước, khi nghe thông báo nghỉ chờ hưu, ông bâng khuâng; bỗng chốc người như bị phân thân trong những nỗi niềm cùng đến. Hết nhìn phòng làm việc, ông lại ra ban công ngắm từ tấm pa-nô cổ động đến tháp nước trên nóc nhà, từ búp ngọc lan khép nép trong vòm lá đến những chùm bằng lăng tím ngắt trong khuôn viên công ty.

Ông vấn vương khi rời chiếc ghế giám đốc công ty xây dựng này? Quả có thế nhưng không phải tất cả vì thế. Nghĩ tới chuỗi ngày “một cảnh bình yên ta với ta” sắp tới, ông thấy hụt hẫng, người như lệch đi. Về hưu đồng nghĩa với đời đã tụt dốc, đã bắt đầu nhìn xuống, đau nhất là cảm thấy không còn cần cho ai nữa rồi!

Với mặc cảm tràn trề của người không còn quyền lực, ông cảm như như mọi người chào mình cũng có vẻ nhạt nhẽo, cả ánh nhìn cũng trở nên hờ hững. “Vậy là anh hạ cánh an toàn”; “Những đóng góp của anh cho công ty, chúng tôi trân trọng và xin kế thừa”. Ông tủi thân rưng rưng trước những ghi nhận chân thành ấy của đồng nghiệp trong bữa liên hoan chia tay bởi nghĩ đó là những lời an ủi dành cho kẻ thất thế. Tự nhiên ông dè dặt trước mọi người; chân bước đi nhưng lòng những muốn quay lại.

2 - Thời gian rề rà, lê thê trong những ngày đầu ông về nghỉ. Ăn, ngủ, đọc, xem; thỉnh thoảng ghé qua bạn bè; sáng sáng lật xem mục tin buồn trên báo để biết trong số những người vừa “ra đi” có ai thân quen. Điệp khúc ấy khiến ông nhàm chán. Lúc đầu vẫn còn thói cũ, ăn sáng xong, ông đóng bộ nghiêm chỉnh ngồi nơi phòng khách. Khi đồng hồ thong thả báo bảy giờ, nhìn ra đường chẳng thấy xe đến đón, ông sực tỉnh, cười chua chát. Lắm lúc ông cảm thấy trống rỗng, vô vị, chán chính mình và buồn đến se lòng khi mơ hồ thấy cái mốc giới hạn của cuộc đời đang lửng lơ đâu đó, rất gần.

Mấy vị cán bộ mặt trận phường đến mời ông tham gia tổ giám sát các công trình xây dựng do dân đóng góp nhưng bị ông từ chối thẳng - nghỉ là nghỉ! Ngày còn đương chức, mỗi lời nói hay quyết định của ông kéo theo sự lo lắng, niềm vui hoặc nỗi buồn của bao người. Chỉ mỗi việc ông đến dự tiệc, lắm lúc được hiểu là sự hạ cố, đem niềm vui đến cho gia chủ, thuộc cấp. Dư vị ngọt ngào ấy lởn vởn trong ông, cứ như níu lại, không cho ông ra gánh vác những việc công bình thường như người đời vẫn nói “vác tù và hàng tổng”. Nhưng không làm gì cũng khổ - ông nghiệm ra điều ấy khi đời đã xế bóng.

Nắng chiều đã tắt. Bóng đêm loang ra, giăng giăng khắp nẻo. Ngọn đèn cao áp dưới đường rực sáng. Ông thôi miên man khi nghe vợ gọi xuống ăn cơm.

Không giống ông, khi rời chiếc áo blue cùng những y cụ quen thuộc của một bác sĩ trong bệnh viện, bà về nghỉ và lao vào công tác xã hội. Bà tham gia ban hòa giải khu phố, có mặt trong hội Chữ thập đỏ phường; lại có tên trong hội bảo trợ trẻ em lang thang đường phố, trẻ em nhiễm H. Những việc ấy đã hút khá nhiều thời gian của bà. Hết đi vận động sinh đẻ có kế hoạch, lại tuyên truyền chống ma túy, hết quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt, bà lại vào vai “thuyết khách” vãn hồi “hòa bình” khi nhà ai đó xảy ra “chiến sự”.

Ngày còn đương chức, ông chẳng để ý về cái sự “đi nhiều” của bà nhưng giờ thì khác. Có khi cả ngày ông chỉ nghe tiếng người qua ti-vi; rồi những bữa cơm muộn hoặc không có những món ông thích; cả tiếng đẩy cổng rèn rẹt mỗi khi bà đi họp về trễ hoặc những cú điện thoại gọi tới khi đang ngủ… đều khiến ông bực mình. Ông có lời xa xôi khuyên bà “giảm tải” những công việc không lương ấy nhưng không ngờ bà quay lại vận động ông cùng tham gia. Tất nhiên, ông xua tay lắc đầu. Sự lặng lẽ vốn có của đôi vợ chồng già như nhân lên vì những chuyện ấy.

3 - Ông vừa buông đũa, ngó ra đã thấy chị hội trưởng phụ nữ phường tươi cười chào từ cửa. Không muốn lên phòng khách, chị ngồi trò chuyện ngay nơi bàn ăn. Hai bà bàn chuyện làm mái ấm tình thương cho các cháu lang thang cơ nhỡ. Ông lấy nước mời khách rồi lên phòng trên xem ti vi. “Chủ thầu tính sao mà nhiều dữ vậy?”; “Nhà cấp bốn mà có cả chi phí bản vẽ?”…ông loáng thoáng nghe lời hai bà từ bên kia tường vọng sang, kèm theo những tiếng xuýt xoa. “Giờ tính sao?”, sau tự vấn ấy là khoảng lặng kéo dài. Ông tưởng tượng hai người đàn bà nhìn nhau, lắc đầu bế tắc. Tiếp theo là tiếng rầm rì, không phải rời rạc đứt quãng mà dồn dập như reo; cứ như họ vừa phát kiến được điều gì hay lắm. Bà này nói chưa dứt, bà kia đã chen vào “đúng rồi”, “đúng rồi” và kết thúc là tiếng cười, vẻ đắc ý.

“Ông ơi!”, ông giật mình, ngoái lại. Hai người đàn bà bước lên, nhìn ông với nụ cười rụt rè của người đi xin việc. Ông với tay, lấy cái điều khiển từ xa cho âm lượng ti-vi nhỏ lại. Chị hội trưởng phụ nữ vừa ngồi xuống đối diện ông đã vào đề luôn: “Anh ạ, chị em chúng tôi định xây mái ấm cho các cháu bất hạnh nhưng chẳng có người dự toán, trông coi. Anh cố gắng giúp chúng tôi, đúng hơn là giúp các cháu”. Như sợ ông từ chối, bà nhà tiếp luôn: “Nhìn các cháu, thương lắm ông ạ!” Hai bà ngước nhìn ông chờ đợi. Ai nỡ khép lòng ngoảnh mặt trước những lời như khẩn cầu ấy. Ông tươi cười hỏi lại rồi hồ hởi trao đổi. Hai bà lặng nghe, chốc chốc gật đầu tán đồng trước những gợi ý, đề xuất của ông. Cái bắt tay rất chặt cùng tiếng cười phấn chấn của hai người đàn bà lúc tiễn khách khiến ông vui lây.

Sau khi xem mảnh đất định xây nhà, ông hí hoáy kẻ, vẽ rồi lật đật ra các đại lý vật liệu xây dựng khảo giá, lại cộng trừ nhân chia rồi ngẩn người, tư lự. Ông đến công ty xây dựng, nơi ông một thời là sếp. Đã lâu lắm bà mới thấy nét mặt ông rạng rỡ; ấy là khi ông báo tin tiền công xây dựng với giá hữu nghị nên được giảm hơn nửa. Thiếu tiền, ông lại đưa chị hội trưởng phụ nữ đến các cơ quan, doanh nghiệp ông quen biết kêu gọi ủng hộ. Khi mái ấm dành cho các cháu dần hình thành, ông mát lòng trước những lời trầm trồ của mọi người. Hơn một tháng, ông ở lại đêm trong chiếc lều bạt chứa xi măng sắt thép để thu dọn, che đậy công trình phòng khi trời mưa. Thấy ông lọ mọ, làm không ngơi tay, người ngoài nhìn vào, tưởng ông xây nhà riêng.

4 - Hôm khánh thành mái ấm, ngồi trên hàng ghế đầu, ông lặng đi trong xúc động, chẳng phải vì những lời tốt đẹp mọi người dành cho mình mà chính là hình ảnh các cháu. Những đứa trẻ lem luốc, da tóc nhuộm màu nắng, ngơ ngác đôi mắt tròn đen khiến ông ngỡ như những dấu hỏi lớn. Niềm vui vỡ òa khi các cháu tung tăng chạy đi nhận phòng. Có đứa sướng quá, nằm dang tay trên nền gạch bông; có đứa lăng xăng chạy hết phòng này đến phòng kia nghiêng ngó, mắt chớp chớp, tưởng mơ. Khi khách đã vãn, bọn trẻ vây lấy ông. Đứa giành đánh giày cho ông; đứa rút một tờ trong tập vé số đang bán nhét vào túi áo ông; đứa đi lấy báo cho ông xem. Bị khoát tay từ chối nhưng bọn trẻ mặc kệ, vẫn làm theo ý mình. Trong bỗng chốc ông thấy thân thương những đứa trẻ chưa kịp nhớ tên. Vui và xúc động, nỗi niềm ấy lâng lâng trong ông suốt chặng về; nơi ấy thành thân quen với ông từ đó.

Ông bệnh nặng, vào viện được năm ngày thì bọn trẻ tới thăm. Những khuôn mặt phờ phạc, mồ hôi đẫm áo sau một ngày nhọc nhằn mưu sinh trên hè phố. Chúng mang theo luôn những chồng báo, hộp đựng đồ nghề đánh giày, có đứa lặc lè vác theo cả bao phế liệu nhặt được ở bãi rác. Ông ứa nước mắt, đưa tay run run đỡ mấy trái cam cùng bó hoa toàn những bông vạn thọ. Đã bao lần được nhận quà, tặng hoa nhưng chưa bao giờ ông thấy xúc động đến nghẹn lời như thế. Bọn trẻ đứng im nhìn ông. Anh thanh niên nằm cùng phòng nhìn bó hoa rồi tươi cười, lên tiếng: “Sao mấy đứa không mua thêm… thẻ hương cho đồng bộ?”. Chúng trố mắt. Khi ông giải thích hoa vạn thọ thường chỉ dùng để cúng, cả bọn hốt hoảng, đồng thanh: “Tụi cháu đâu biết!”. Rồi tất cả cười vang, tiếng cười hiếm hoi trong phòng bệnh.

Bọn trẻ đã về. Ông ngồi lặng ngắm hoàng hôn ngoài vuông cửa. Trước khi giã biệt vạn vật, ánh ngày bỗng bịn rịn, bừng lên tha thiết.

NGUYỄN CẢNH TƯỜNG

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đừng vội người ơi

Lão lom lom nhìn hai thanh niên, cũng quần áo xanh lem nhem vôi vữa, cả giày bảo hộ lao động; rõ là công nhân rồi.

Đừng vội người ơi
Người phía sau

Chị Ba tôi có chồng sớm, đó là hậu quả của điều mà ngày nay người ta hay nói là thiếu hiểu biết để phòng vệ trong quan hệ lứa đôi.

Người phía sau
Mẹ

Cậu Hai và cô Ba ở thành phố nhiều lần đánh xe về tận ngõ mời mẹ lên ở cùng nhưng bà nhất quyết “bám trụ” ở quê cùng cậu Út. Anh chị đều thành đạt nhưng Út thì ngược lại. Di chứng của những trận đau dặt dẹo ngày bé khiến chân phải cậu co rút và teo như ống tre, giọng thì méo như nói qua chiếc loa rè. Đã thế, vợ lại chẳng mấy nhanh nhẹn cùng đàn con ba đứa lút chút khiến Út càng lam lũ. Bà ở cùng, lặng lẽ chia sẻ những cực nhọc của đứa con không may mắn. Ngoài bảy mươi, bà vẫn lội đồng cấy hái. Rời cái liềm cái cuốc, lại chăm heo gà hay quét dọn cửa nhà. Trừ những lúc ốm mệt, bà ít khi ngơi tay.

Mẹ
Return to top