ClockChủ Nhật, 27/01/2019 12:09

Nặng lòng với làng quê xứ Huế

TTH - Tiếp nối sách Làng Văn vật Thừa Thiên Huế tập 1, do Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hóa ấn hành đã ra mắt bạn đọc trong năm 2017, nay Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế lại tiếp tục biên soạn Làng Văn vật Thừa Thiên Huế tập 2, do nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (chủ biên) cùng các tác giả Nguyễn Văn Cương, Trần Văn Dũng, Đỗ Minh Điền, Mai Văn Được, Lê Vũ Trường Giang, Thành Phiên, Trần Nguyễn Khánh Phong, Nguyễn Thế thực hiện.

Đất trời xứ Huế nhớ Thi ông

Bìa sách “Làng Văn vật Thừa Thiên Huế”

Sách dày 300 trang, khổ 16x24cm, cùng 101 ảnh minh họa được trình bày rất trang trọng, rất đẹp mắt. Có 33 làng được đề cập đến trong tập sách này gồm: An Cư Tây, An Dương, An Lưu, An Nông, An Quán, Bàn Môn, Chí Long, Chiết Bi Thượng - Hạ, Đồng Di, Hà Cảng, Hạ Lang, Hiền Sĩ, Hòa An, Hòa Duân, Kế Võ, La Vân Thượng - Hạ, Lại Ân, Lại Thế, Mỹ Lợi, Mỹ Xuyên, Niêm Phò, Ngọc Anh, Phò Ninh, Phú Lương, Phước Tích, Quảng Mai, Sơn Tùng, Thần Phù, Trạch Phổ, Vân Trình, Vân Dương, Vân Thê, Xuân Dương.

Trong lời nói đầu, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh tâm sự: “Tất cả bài viết, dù còn có nhược điểm ở mặt này, hay mặt khác, dài ngắn khác nhau nhưng đã là nỗ lực thể hiện tấm lòng của con dân ở Thừa Thiên Huế hoài vọng về các thế hệ lưu dân đã theo tiếng gọi của các vương triều Hồ, Lê, Nguyễn mở cõi về châu Hóa, nhằm tăng cường tiềm lực bảo vệ cho trọng trấn này. Và, cũng là món quà tinh thần dành cho những ai yêu mến, nặng lòng với làng quê xứ Huế”.

Như vậy, cùng các làng được giới thiệu trong ấn phẩm Làng Văn vật Thừa Thiên Huế tập 1 thì 33 làng trong tập 2 này sẽ góp phần làm nên những nét nổi bật và đặc sắc nhất của vùng văn hóa xứ Huế là văn hóa làng xã. Tập 2 cũng có những làng ở ven biển, ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, có những làng ở đồng bằng, có làng ở miền núi, có làng khoa bảng, có làng nghề truyền thống đều tạo nên diện mạo mới cho tập sách.

Cầm quyển sách trên tay, mới hiểu được hết những tâm tư, tình cảm của những người yêu làng quê xứ Huế, những tác giả đã cất công tìm hiểu về làng của mình ngay chính nơi mình sinh ra và lớn lên, như nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh luôn trăn trở: “Viết về làng quê cặn kẽ nhất phải là những người đã sinh trưởng ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đã trải qua bao nhiêu năm tháng gắn bó với làng, và còn đọng lại biết bao kỷ niệm khắc sâu trong trí tưởng. Nhưng viết về làng quê lại đòi hỏi phải tiếp cận được các tư liệu lịch sử của làng, mà hầu hết viết bằng chữ Hán và qua bao biến cố làm cho nơi mất, nơi còn không nguyên vẹn. Dù yêu quê hương sâu nặng nhưng trước nay vẫn hiếm những bài viết về làng quê đáp ứng được mọi yêu cầu. Chính vì thế, làng quê của Thừa Thiên Huế tuy có một lịch sử dày dặn bốn, năm trăm năm, nhưng chưa có công trình nào tập trung giới thiệu. Thường chỉ là những hoài niệm, những cảm nhận của người xa quê trên vài khía cạnh nào đó”.

Các làng ở trong tập 2 hầu hết được viết theo một bố cục thống nhất với các nội dung: Thời điểm lập làng; truyền thống yêu nước; các công trình kiến trúc cộng đồng; nghề nghiệp mưu sinh. Bên cạnh đó có một số tác giả, như Đỗ Minh Điền, Mai Văn Được, Trần Văn Dũng, Nguyễn Văn Cương, Lê Vũ Trường Giang đã có sự đầu tư về thời gian và công sức điền dã cho nên khi viết về các làng Hà Cảng, Hạ Lang, An Dương, An Quán, Xuân Dương, Hiền Sĩ, Thần Phù đã cung cấp cho độc giả nhiều thông tin bổ ích từ các văn bản Hán - Nôm, các sự tích lập làng, các nghề truyền thống của làng cũng như những di tích, di vật mà các làng còn lưu giữ được.

Ngày xưa, triều Nguyễn đã ban cho làng Thai Dương Hạ biển ngạch “Văn vật danh hương” có thể bởi nhiều giá trị của ngôi làng trấn giữ cửa ngõ kinh đô Huế. Ngày nay, những làng văn vật xứ Huế lại được tỏa sáng qua những bài viết nặng tình làng quê. Cũng như những công trình khác trong lĩnh vực văn hóa dân gian làng xã thì mọi sự khó khăn trong việc tiếp cận các tư liệu của làng, mà hầu hết viết bằng chữ Hán, nay hoặc đã tán lạc, hoặc đã bị hủy hoại qua thời gian, đã làm nhiều người nghiên cứu không thực hiện được ước vọng tìm hiểu của mình. Cho nên, trong sách cũng có đôi lời phi lộ để gửi tấm lòng của các tác giả đến các cụ ở các làng quê đã cho tiếp cận tư liệu của làng để các tác giả và các hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế thực hiện công trình này.

Đó là một thử thách lớn mà Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế quyết phải vượt qua, để sang năm 2019 sẽ tiếp tục biên soạn và ấn hành Làng Văn vật Thừa Thiên Huế tập 3, để khép lại dự án viết về những làng quê văn vật của tỉnh. Tập sách này tiếp tục được sự tán trợ của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, sự hỗ trợ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018.

Bài, ảnh: KHÁNH PHONG

(Nhân đọc “Làng Văn vật Thừa Thiên Huế” tập 2)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Đằm bụng" với bánh gói đậu xanh xứ Huế

Những hàng nậm, lọc ở Huế thường bán kèm một loại bánh cũng rất thơm ngon và hấp dẫn, chỉ là hơi kém tiếng một chút: bánh gói đậu xanh. Bánh có thể xem như một phiên bản chay của bánh nậm với cùng nguyên liệu chính là bột gạo và mùi vị khá tương đồng, nhưng săn hơn và được gói thuôn thuôn như bánh lọc.

Đằm bụng với bánh gói đậu xanh xứ Huế
Nỗi thương món Huế

Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Nỗi thương món Huế
Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở thị trấn Sịa (Quảng Điền), Lê Phước Long (sinh năm 1996) mê bộ môn vật ngay từ lúc nhỏ. Chính thức bước lên sới vật để thi đấu năm 16 tuổi, đến nay Long đã đạt được những thành tích đáng kể với bộ môn thể thao truyền thống này.

Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống
Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Đua trên đồng làng

Mới xong trận lụt to, vào "phây" của chú em đã thấy rộn ràng khi được biết chủ nhật đến quê tôi tổ chức đua ghe. Bao ký ức một thuở lại ùa về. Vậy là, dù bận rộn bao công việc phải lo và phải làm, cũng vội vàng sắp xếp để chủ nhật về làng coi… đua.

Đua trên đồng làng
Return to top