ClockThứ Sáu, 07/04/2017 06:01

Nặng lòng với Ma Nê

TTH - Gắn bó với thôn Ma Nê (Phong Chương, Phong Điền) từ những ngày sau giải phóng, ông Trần Văn Bác là người có nhiều đóng góp xây dựng thôn Ma Nê phát triển như ngày hôm nay…

Ông Bác ra đồng hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa

Ma Nê được thành lập cách đây gần 500 năm. Ma có nghĩa là mè (cồn mè), Nê có nghĩa là bùn (vùng thấp trũng, bùn lầy). Ma Nê luôn ghi nhớ và tự hào khi đóng góp một phần không nhỏ cho những chiến công của quê hương. Vùng đất giàu truyền thống cách mạng này có 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 29 liệt sĩ.

Sau ngày quê hương thống nhất, người dân Ma Nê vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo đói thuộc loại bậc nhất ở Phong Điền. Sống chủ yếu dựa vào cây lúa, nhưng người dân chỉ gieo cấy được 1 vụ do đất ngập lụt triền miên. Vì cái khó ấy, nhiều hộ lần lượt bỏ thôn đi nơi khác lập nghiệp. Từ 44 hộ sau ngày giải phóng, năm 1977, Ma Nê chỉ còn 35 hộ với khoảng 150 khẩu. Khi ấy, ông Trần Văn Bác vừa là Trưởng ban Mặt trận, vừa là Đội trưởng đội sản xuất thôn, đồng thời cũng là công an viên. Năm 1979-1980, HTX Phú Lương được thành lập bao gồm thôn Ma Nê, Phú Lộc và Lương Mai, ông nằm trong Ban quản lý HTX.

Ngồi với chúng tôi bên ấm trà nóng, ông Bác kể lại chuyện Ma Nê ngày trước, rồi chuyện cơn lũ lịch sử năm 1999 đã cuốn sạch nhà cửa, ruộng vườn, tài sản của người dân trong thôn. Sau cơn lũ đó, nhờ sự kêu gọi của ông Bác, sự vận động của xã, huyện, tỉnh, tổ chức CRS đã hỗ trợ 34 hộ dân Ma Nê 34 căn nhà và 1 ngôi trường 2 tầng vừa để con em trong thôn được đi học, vừa là nơi tránh lũ cho người dân. Nhà nước đầu tư và nhiều tổ chức đã quyên góp, giúp đỡ người dân trong thôn ổn định cuộc sống. Điện, nước được đưa về thôn Ma Nê. Đê Tây sông Ô Lâu bằng đất và 2 bộ máy tiêu úng cũng được đầu tư xây dựng, nhờ đó, Ma Nê đã làm được lúa 2 vụ.

Năm 2001, ông Bác vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và là đảng viên duy nhất của thôn lúc đó. Ông được người dân trong thôn tín nhiệm bầu là thôn trưởng kiêm đội trưởng đội sản xuất thôn Ma Nê. Tất cả các lĩnh vực đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trong thôn đều do ông Bác quán xuyến, đưa Ma Nê ngày càng phát triển. Công tác phát triển đảng viên rất được ông quan tâm. Năm 2010, Ma Nê có 3 đảng viên và chính thức thành lập chi bộ. Năm 2011, ông Bác được bầu làm Bí thư chi bộ thôn.

Năm 2010, ông Trần Văn Bác được Tỉnh ủy tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong 3 năm (2007-2009) thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; năm 2012, được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhiều năm liền, ông được Đảng bộ xã Phong Chương công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng nhiều giấy khen của UBND huyện trao tặng.

Đến Ma Nê ngày nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rất rõ rệt của vùng quê này. Đường làng, ngõ xóm đều được bê tông, thuận tiện cho người dân đi lại. Hiện, toàn thôn có 61 hộ với 257 khẩu. Ma Nê không còn độc canh cây lúa nữa mà người dân còn làm nghề đan lưới, nuôi cá, chăn nuôi trâu, bò, heo, gia cầm…

Ông Trần Văn Trường, Trưởng thôn Ma Nê, người gắn bó với thôn từ nhỏ đến nay khẳng định: Ma Nê có được như ngày hôm nay là phần lớn do công lao của ông Bác. Trong công việc, ông Bác luôn “chí công, vô tư” và rất năng nổ. Bao giờ ông cũng đặt lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân, gia đình. Ông còn chú tâm vận động Nhân dân hiến đất, hiến tài sản trên đất để mở rộng đường giao thông. Từ chỗ chỉ có 1 vụ lúa với năng suất khoảng 1,8 tạ/ha thì đến nay, Ma Nê đã có 2 vụ lúa, năng suất bình quân 65 tạ/ha. Đàn bò và trâu phát triển lên gần 80 con, cùng với phát triển đàn heo, gia cầm. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 20 triệu đồng/năm. 100% hộ có nhà ở kiên cố và được sử dụng điện, nước sạch; 80% hộ có phương tiện nghe nhìn, 70% hộ có xe máy. Từ 20 hộ nghèo năm 1999 nay giảm xuống còn 11 hộ, chiếm tỷ lệ 17,74%...Thôn đã quy hoạch 45ha ao hồ nuôi cá nước ngọt với 26 hộ tham gia. Chi bộ thôn cũng đã phát triển lên 5 đảng viên chính thức và 1 đảng viên dự bị…

Bí thư Đảng ủy xã Phong Chương Nguyễn Thế Giáp đánh giá: Ông Bác là người năng động, tích cực trong công tác lãnh đạo chi bộ, đưa đời sống Nhân dân Ma Nê ngày càng đi lên. Từ một thôn nghèo nhất của xã, đến nay, Ma Nê đã là thôn khá của xã Phong Chương, góp phần cùng xã trong việc xây dựng nông thôn mới.

Chia tay Ma Nê, ông Bác không quên dặn chúng tôi: “Nếu nhà báo viết về thôn thì cũng mong các cấp chính quyền quan tâm thêm đời sống của người dân Ma Nê. Trong đó, đầu tư xây dựng bờ kè cao lên, kiên cố hơn để triều cường, lũ lụt không đe dọa đến đời sống, sản xuất của bà con trong thôn; nâng cấp trạm bơm lên 2 tầng để thuận lợi hơn trong tưới tiêu đồng ruộng; nghiên cứu những giống cá phù hợp với nguồn nước sông Ô Lâu để người dân phát triển hơn trong nghề nuôi trồng thủy sản… Đó là mong ước không chỉ của riêng tôi mà của cả những người Ma Nê trong phát triển kinh tế, đưa thôn phát triển bền vững”...

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top