ClockChủ Nhật, 27/11/2016 06:13

Nàng Mỵ của A Lưới

TTH - 50 năm trước bị gả bán cho nhà giàu, nàng Cả Chàng xinh đẹp ở thôn A Đeeng, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới từng ăn lá ngón để giải thoát bế tắc. Đi theo cách mạng, cuộc đời “Mỵ của A Lưới” lật sang trang mới. Tình yêu của cô thanh niên xung phong Cả Chàng và anh bộ đội Cu Rải đơm hoa kết trái, cùng nhau lo việc nước, việc nhà. Đến bây giờ, hai mái đầu đã bạc...

Cùng nhau làm vườn

 

Ăn lá ngón… giải thoát

Nhà vợ chồng bà Cả Chàng sau con ngõ dài hiền lành với những bờ rào hoa râm bụt. Trước thềm, cụ ông chặt cây mía ra từng đốt ngắn đưa cho cụ bà xếp vào rổ. Hình ảnh đó tạo nên bức tranh yên bình nơi góc thôn A Đeeng. Người phụ nữ ở cái tuổi xưa nay hiếm bảo câu chuyện buồn ngày xưa càng khiến bà quý giá và trân trọng cuộc sống hôm nay. 50 năm trước, Cả Chàng là cô thiếu nữ Pa Cô xinh đẹp chưa đầy 17 tuổi, được rất nhiều chàng trai trong vùng yêu mến. Một người đàn ông giàu có dù đã già và nhiều vợ nhưng vẫn si mê Cả Chàng, đem vô số lễ vật quý đến xin cưới. Vì muốn số lễ vật nên dù Cả Chàng dứt khoát không đồng ý, cha mẹ vẫn ép gả. Năm lần bảy lượt Cả Chàng bỏ trốn, nhưng lần nào cô cũng bị nhà chồng tìm bắt lại. “Ba năm ở với họ, tôi chạy trốn suốt. Chạy vào rừng có, chạy về nhà cha mẹ đẻ có. Họ đi bắt tôi hàng chục lần”, bà Cả Chàng nhớ lại.

Để Cả Chàng sợ mà từ bỏ ý nghĩ bỏ trốn, người đàn ông đó đưa cô vào nhà chòi nằm trong rừng sâu, cùm hai chân bằng chiếc cùm gỗ, trói hai tay ra sau lưng và thả cả đàn kiến vàng lên người cô. Kiến đốt sưng vù mặt mũi, đến nỗi mắt không nhìn thấy gì. Da thịt đau đớn đến nỗi tê dại. Cả Chàng phải giả vờ chấp thuận không bỏ trốn nữa, ngoan ngoãn ở lại cùng “chồng”. Bà Cả Chàng bảo, phải nói như vậy để tìm cách trốn tiếp, chứ làm sao có thể sống với một người mình không yêu, lại đã có nhiều vợ. Vậy là khi “chồng” đưa Cả Chàng về thăm cha mẹ vợ, cô nhất quyết không theo về cùng. “Ông ta dẫn tám người đàn ông đi bắt trong lúc tôi đang ngủ. Lúc thấy tay chân bị trói, bị khênh đi như người ta khênh lợn tôi vẫn cứ tưởng đang ngủ mơ. Cầm tóc mình giật xem là mơ hay thật, thấy mặt ông ta tôi mới hiểu hóa ra là một sự thật hãi hùng”, bà Cả Chàng nhớ lại.

Đó là một đêm tháng 11 lạnh buốt. Những người bắt Cả Chàng khênh cô đi đường rừng để người trong làng không nhìn thấy. Không thể nhắm mắt sống với người mình không yêu, cũng không thể trốn thoát, Cả Chàng quyết định tự giải thoát bằng lá ngón. Lúc những người khiêng đặt cô xuống để nghỉ, hai tay bị trói nên Cả Chàng dùng miệng rứt lá ngón mọc um tùm ven đường nhai. Phát hiện Cả Chàng trúng độc lá ngón mê man bất tỉnh, mọi người nhúng cô xuống suối lạnh buốt, đổ nước phân heo, phân bò vào miệng để cô nôn lá ngón ra. Sợ Cả Chàng chết sẽ bị phạt heo, bò, lễ vật..., “chồng” mang trả cô về nhà cha mẹ đẻ. Chết thì thôi. Nếu cô sống, nhà chồng sẽ lại sang bắt. May mà Cả Chàng tỉnh lại. Cô chạy trốn vào rừng sâu, qua vực cao, đến một làng khác. Bà con trong làng thương tình che giấu. Nhân lúc người nhà “chồng” chưa kịp bắt lại, Cả Chàng đi theo cách mạng, gia nhập đội nữ thanh niên xung phong.

Dành ngọt ngào cho con cháu

Sống cuộc đời mình

Ông Cu Rải vừa rót nước cho vợ, thỉnh thoảng xen lời Cả Chàng khi bà quên một chi tiết nào đó. Ông bảo, chuyện cô thiếu nữ Cả Chàng xinh đẹp bị ép bán vào nhà giàu, năm lần bảy lượt trốn không thành, bị hành hạ, bế tắc phải ăn lá ngón tự giải thoát, cả vùng này ai cũng biết. Nhưng thời đó theo phong tục, cha mẹ đã nhận lễ vật của người ta, con gái đã là “của” người ta, nên không ai làm gì được. “Nhiều cô gái cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy, nhưng cam phận. Vậy mà Cả Chàng thà chết không chịu khuất phục nên tôi thương, khâm phục lắm”. Năm 1962, đang là Bí thư Huyện đoàn A Lưới, gặp lại Cả Chàng, lúc này đã trở thành cô thanh niên xung phong, dốc sức cùng đồng đội tải đạn dược, lương thực cho bộ đội, trái tim ông Cu Rải rung lên những nhịp yêu thương. Do ông Cu Rải làm việc ở huyện, cách nơi bà Cả Chàng công tác bốn, năm ngày đường nên bao nhiêu tình cảm, tâm sự ông bà chỉ biết gửi qua những cánh thư nguệch ngoạc con chữ.

“Trong mấy năm yêu nhau, chúng tôi ít khi thấy mặt nhau. Bà ấy có nhiều người theo đuổi. Tôi cũng được không ít cô thương. Nhưng tôi một lòng một dạ với bà ấy. Cả Chàng cũng chỉ chờ tôi”. Cụ ông cụ bà nhìn nhau, nụ cười trong mắt mang tên yêu thương, không tuổi tác. Ông Cu Rải bảo, hồi ấy càng xa nhau, nhớ nhau, cả hai càng cố gắng công tác thật tốt. Năm 1965, anh Cu Rải, chính trị viên huyện đội A Lưới về chung một nhà với cô thanh niên xung phong Cả Chàng. Lễ cưới đơn sơ nhưng hạnh phúc. Bà Cả Chàng chia sẻ, nhờ đi theo cách mạng, bà mới được sống cuộc đời của mình, được cùng người chồng yêu thương đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập tự do cho đất nước, quê hương. Vậy nên, sau ngày đất nước độc lập, bà vừa công tác phụ nữ ở địa phương, vừa chăm sóc các con, là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm gánh vác, đảm nhiệm tốt các vị trí công tác Bí thư huyện ủy A Lưới, Trưởng ban kiểm tra huyện ủy A Lưới, Chủ tịch mặt trận huyện... Căn nhà ba gian đơn sơ của ông bà “dày đặc” bằng khen, huân chương, huy chương...

Bây giờ ở tuổi 75, ông Cu Rải cũng đâu đã nghỉ ngơi. Ông là già làng (xã Bắc Sơn), một “chức vụ” chỉ dành cho người thực sự có uy tín lớn đối với cộng đồng, được bà con tin tưởng. “Nhưng đi đâu thì đi, làm gì thì làm, khi tôi ốm không bao giờ thiếu lời động viên của ông ấy. Bây giờ có thời gian ở cạnh nhau, lúc ông ốm tôi chăm sóc, khi tôi mệt, ông chăm. Khỏe thì cùng nhau chăm mấy bụi mía, bụi chuối trong vườn để dành cái ngọt ngào cho con cháu, hàng xóm láng giềng...”, “Nàng Mỵ của A Lưới” năm nào cười hạnh phúc.      

Không hẳn bởi con ngõ dài với hàng rào hoa râm bụt hiền lành, không hẳn bởi những khóm mía ngọt ngào bên hông nhà..., mà yêu thương đôi vợ chồng già dành cho nhau, dành cho cuộc đời đã “họa” nên bức tranh yên bình nơi mảnh đất biên cương.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” trên địa bàn huyện miền núi A Lưới đã nhanh chóng lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, làng bản vùng biên giới; nâng cao ý thức của người dân, đồng bào thiểu số trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.

A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh
A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững

A Lưới tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối vùng phục vụ dân sinh, sản xuất. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống của người dân.

A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững
Return to top