ClockThứ Tư, 13/07/2011 08:46

Nắng nóng, phòng chống bệnh đột qụy

TTH - Đột qụy là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau ung thư và bệnh tim mạch; cũng là nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ nhất. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng gần 800.000 người mới mắc và tái phát đột qụy, trong đó có 1/3 người tử vong. Ở Việt Nam, tỷ lệ hiện mắc là 45-85/100.000 dân và tỷ lệ mới mắc là 20-35/100.000 dân. Ở Huế, tỷ lệ hiện mắc là 61,6/100.000 dân và tỷ lệ mới mắc là 27,71/100.000 dân. Tiên lượng của bệnh phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện sớm và điều trị sớm. Đặc biệt thời tiết biến đổi, quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể làm cho tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng lên.Để hiểu hơn vấn đề này, Báo Thừa Thiên Huế đã phỏng vấn GSTS, Bác sĩ Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch Thừa Thiên Huế.

Xin GS cho biết như thế nào gọi là đột quỵ?

Đột qụy hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một bệnh lý của hệ thống mạch máu não, xảy ra khi một động mạch cung cấp máu, ôxy và chất dinh dưỡng cho một vùng não bị vỡ hoặc tắc đột ngột bởi cục máu đông. Hậu quả của hiện tượng này là phần não được cấp máu bởi động mạch rơi vào tình trạng thiếu ôxy và tế bào não sẽ chết chỉ sau vài phút. Bệnh nhân có thể bị liệt, hôn mê thậm chí tử vong tuỳ thuộc vào diện não bị ảnh hưởng và mức độ trầm trọng của tổn thương. Đó là lý do tại sao việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo và xử trí sớm là rất quan trọng
 
Có hai hình thái đột quỵ: đột quỵ nhồi máu não (do tắc mạch) và đột quỵ xuất huyết não (do vỡ mạch).
 
Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến đột qụy, thưa GS?
 
Nghiên cứu của các nhà khoa học Canada đã phân tích 5 yếu tố giải thích cho 80% trường hợp đột quỵ là: Huyết áp cao, hút thuốc, béo bụng, chế độ dinh dưỡng kém và thiếu luyện tập. Khi các nhà nghiên cứu thêm 5 yếu tố khác là tiểu đường, uống rượu, stress và trầm cảm, rối loạn nhịp tim và mỡ máu, họ nhận thấy chúng có thể giải thích cho 90% các trường hợp đột qụy.
 
Trong số các yếu tố liên quan với đột qụy, huyết áp cao được xem là tác nhân quan trọng nhất, giải thích cho 1/3 số trường hợp đột qụy. Những người có tiền sử huyết áp cao sẽ có nguy cơ bị đột qụy cao gấp 2,5 lần so với những người không có bệnh. Hút thuốc cũng được xem là một tác nhân quan trọng khác bởi cứ 5 người bị đột quỵ thì có 1 người liên quan đến thuốc lá. Có 2 thể đột quỵ là nhồi máu não và xuất huyết não.
 
Đột quỵ do nhồi máu não thường là hậu quả của huyết khối do xơ vữa động mạch và do các huyết khối từ tim. Khi có một mảng xơ vữa trong một động mạch não bị vỡ ra và tại chỗ vỡ xuất hiện cục máu đông gây tắc động mạch, vùng não tương ứng không được tưới máu và sẽ chết. Đôi khi cục máu đông không gây tắc hoàn toàn động mạch não nhưng các mảnh nhỏ từ cục máu đông hoặc từ mảng xơ vữa bong ra, đi theo dòng máu và gây tắc những động mạch nhỏ ở xa trong não. Cục máu đông gây tắc mạch não cũng có thể xuất phát từ tim theo dòng máu lên não gây tắc một động mạch ở não do các bệnh lý tại tim như bệnh van tim (chủ yếu là hẹp van 2 lá), rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, u nhầy nhĩ trái, bóc tách động mạch chủ...
 
Đột quỵ do xuất huyết não: Trong dạng này, tổn thương não xảy ra là do vỡ một mạch máu trong não, máu tràn ra bên ngoài và chèn ép vào mô não chung quanh. Đột quỵ dạng xuất huyết não thường có biểu hiện nặng hơn đột quỵ dạng nhồi máu não. Đột quỵ dạng xuất huyết não thường gặp ở người bệnh tăng huyết áp không được điều trị hoặc được điều trị không đúng. Tăng huyết áp lâu ngày sẽ làm cho thành mạch máu não yếu đi và dễ vỡ. Ngoài ra đột quỵ dạng xuất huyết não còn có thể gặp ở những người có dị dạng bẩm sinh của mạch máu não (là nguyên nhân gây xuất huyết não thường gặp ở người trẻ).
 
Thưa GS, ông có thể cho biết diễn biến của đột quỵ xảy ra như thế nào?
 
Đột qụy thường xảy ra đột ngột với rất ít dấu hiệu báo trước:
 
Đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, mất tri giác, ngủ gà hoặc hôn mê, gặp khó khăn trong nói hoặc hiểu người khác; bị yếu đột ngột ở một phần cơ thể; bị méo miệng đột ngột; đột nhiên nhìn mờ hoặc nhìn nhòe, có thể chỉ bị ở một bên mắt; tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu hoàn toàn.
 
Khi thấy bất cứ dấu hiệu nào như kể trên, phải gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Việc thăm khám và điều trị cần hết sức khẩn trương, đặc biệt trong khoảng 3 giờ đầu tiên. Bệnh nhân có thể khởi phát triệu chứng rầm rộ ngay từ đầu như liệt toàn bộ 1/2 người, mất ngôn ngữ, liệt mặt, bí tiểu nhưng cũng có khi khởi phát với một vài triệu chứng kín đáo như yếu nhẹ vận động, tê đột ngột một chân hoặc tay, mờ mắt thoáng qua. Tiến triển sau đó là bệnh nhân triệu chứng nặng dần lên và có thể rơi vào hôn mê và tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
 
Không nên chủ quan với những triệu chứng trên, dù là nhẹ. Có trường hợp bệnh nhân chỉ ngã rất nhẹ, sau đó tự đứng dậy được, chỉ run nhẹ và vui vẻ dự tiệc trong suốt cả buổi. Sau đó, bệnh nhân đã vào cấp cứu ở bệnh viện và chết vì cú ngã trong bữa tiệc đó.
 
Thưa GS, trước khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu, người nhà phải xử lý ra sao?
 
Tai biến mạch máu não là một tình trạng khẩn cấp, cần gọi ngay xe cấp cứu. Trong khi chờ xe cấp cứu, người nhà cần để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân.
 
Nếu bệnh nhân co giật, cũng cần để bệnh nhân nằm nghiêng một bên và tuyệt đối không được đặt bất cứ vật gì vào miệng bệnh nhân (để tránh gây thương tổn thêm cho bệnh nhân). Cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng nhanh càng tốt vì trong điều trị đột quỵ, “thời gian là não - time is brain” nghĩa là bệnh nhân càng được điều trị sớm thì càng có nhiều tế bào não được cứu sống.
 
Cách phòng tránh đột qụy tốt nhất là gì, thưa GS?
 
Trong đa số các trường hợp, đột quỵ dạng nhồi máu não là hậu quả của huyết khối do xơ vữa động mạch nên phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch cũng chính là phòng ngừa đột quỵ.
 
- Điều trị bệnh tăng huyết áp (nếu có) để đưa huyết áp tâm thu xuống dưới 140 mm hg và huyết áp tâm trương xuống dưới 90 mm Hg, nhất là ở những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình cao áp huyết và bệnh tim mạch.
 
- Điều trị bệnh đái tháo đường (nếu có) để đưa mức đường huyết lúc đói xuống dưới 126 mg/dl.
 
- Điều trị bệnh tăng cholesterol máu để đưa cholesterol LDL (cholesterol có hại) xuống dưới 100 mg/dl ăn ít chất béo, giảm muối, ăn nhiều rau và hoa quả.
 
Cần giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch: Điều trị rối loạn nhịp tim. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu. Không dùng các chất kích thích hoặc ma túy. Thường xuyên vận động và tập luyện.
 
Ngoài ra, cần chú ý: Tránh tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa, đặc biệt với người cao huyết áp. Tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh. Tránh mất ngủ Tránh táo bón, đặc biệt với người già. Tránh vận động thể lực quá mức, như mang vác nặng, chơi thể thao quá sức.
 
Xin cám ơn GS.
 
Đinh Hoàng Xuân Hồng (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch

Can thiệp điều trị rối loạn nhịp, can thiệp mạch vành, bệnh tim bẩm sinh bằng dụng cụ, can thiệp điều trị suy tĩnh mạch... là một trong những kỹ thuật chuyên sâu được Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai thường quy trong thời gian vừa qua, đem đến cơ hội điều trị khỏi bệnh cho những người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch
Mẹ Xinh - Chăm sóc bằng cả trái tim

Mẹ Xinh Spa là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc mẹ và bé chất lượng, uy tín hàng đầu TP. Huế. Bằng việc kết hợp sử dụng các phương pháp chăm sóc truyền thống của các bà mụ Huế xưa cùng các phương pháp chăm sóc hiện đại, Mẹ Xinh Spa tự hào đã chăm sóc hơn 5.000 mẹ và bé trong vòng 5 năm qua.

Mẹ Xinh - Chăm sóc bằng cả trái tim
An toàn vệ sinh thực phẩm cho sinh viên

Không học bán trú như học sinh, song an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho sinh viên (SV) vẫn được các đơn vị, cơ sở đào tạo chú trọng, nhất là ở các căng tin.

An toàn vệ sinh thực phẩm cho sinh viên
Uống bia giải độc rượu: Nguy hiểm!

Giới chuyên môn đã phải lên tiếng cảnh báo sau khi dư luận đang rộ lên thông tin uống bia để giải độc rượu. Đây là cách hiểu sai và rất nguy hiểm.

Uống bia giải độc rượu Nguy hiểm
Trẻ được cấp cứu sớm, cơ hội sống càng cao

Nhóm tình nguyện viên Y học cộng đồng (dự án thiện nguyện ) gồm các bác sĩ, giảng viên bộ môn Nhi và các sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế tại Huế thường tổ chức các lớp tập huấn trao đổi kiến thức y học... Thừa Thiên Huế Online đã có cuộc trao đổi với TS. BS Nguyễn Hữu Châu Đức, giảng viên bộ môn Nhi; Th.S, Bs Nguyễn Duy Nam Anh, Trường ĐH Y Dược Huế về chủ đề sơ cấp cứu được nhiều phụ huynh quan tâm...

Trẻ được cấp cứu sớm, cơ hội sống càng cao
Return to top