ClockThứ Tư, 14/12/2016 05:06

Năng suất cao nhưng chất lượng thấp

TTH - Trong khi tổng diện tích cây gieo trồng trong năm 2016 đạt 77.732 ha, giảm 0,4% thì riêng diện tích lúa lại đạt 54.491 ha, tăng 40 ha.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năng suất lúa ước đạt 59,5 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha. Tổng sản lượng lúa ước đạt 324,2 ngàn tấn, tăng 1,56%. Trong diễn tiến chung, mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa được mở rộng với diện tích 3.287 ha, tăng 872 ha.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mặc dù có những bước phát triển nhưng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn còn thấp. Những con số mà Giám đốc Sở NN&PTNT đưa ra quả là đáng phải suy nghĩ khi tính thu nhập trên 1ha (kể cả công lao động) thì ở lúa là 42 triệu đồng; lạc 29,2 triệu đồng. Đối với sắn, với thu nhập theo cách tính trên ở con số 23 triệu/ha thì hoàn toàn không có lãi, trong khi diện tích sắn trên địa bàn hiện có 7.500 ha. Vẫn cách tính này, trung bình một ha đất ở Thừa Thiên Huế chỉ vào khoảng 36 triệu và theo ông Nguyên, đây là mức thấp trong sản xuất nông nghiệp trên bình diện chung và cũng rất thấp nếu so với các tỉnh trong khu vực miền Trung.

Trong trồng rừng, ông Nguyên cho hay, chúng ta có một diện tích rất lớn, vào khoảng 140.000ha nhưng cả một thời gian dài không tập trung đầu tư mà đi vào trồng rừng quảng canh, mật độ dày; chu kỳ 4-5 năm bán gỗ dăm và giá trị chỉ vào khoảng 15 triệu đồng/ha, trong khi thu nhập từ các tỉnh lân cận đã gần gấp đôi.

Trong một phân tích khác, mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa được mở rộng với diện tích 3.287 ha, tăng 872 ha nhưng tỷ lệ giống lúa xác nhận vẫn ở tỷ lệ cao, đến 94,3% diện tích. Phần còn lại là giống lúa chất lượng cao với tỷ lệ 23,7% diện tích. Chỉ tính riêng vụ hè thu, tỷ lệ giống lúa xác nhận cũng ở con số 91%. Như vậy, có thể nhận thấy, dù đã được triển khai trong nhiều năm, song cho đến nay, giống lúa chủ lực của chúng ta vẫn là giống lúa xác nhận. Ghi nhận qua thực tế tiếp xúc với cử tri, điều mà bà con phản ảnh là lúa gạo trên địa bàn ít được lựa chọn vào bữa cơm hàng ngày mà dùng để chế biến ra các sản phẩm từ gạo và do vậy mà giá trị không cao, hay nói một cách khác là chưa trở thành sản phẩm có chất lượng được người dân ưa chuộng.

Nhìn từ một khía cạnh khác, có thể nhận thấy, cho đến bây giờ, mô hình cánh đồng mẫu vẫn được gọi là mô hình. Điều ấy cũng có nghĩa là cũng đang ở mức độ thử nghiệm. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao và bao giờ mô hình mới được khảo sát, đánh giá, nghiệm thu để triển khai ra diện rộng? Ngay cả việc bao giờ và khi nào giống lúa chất lượng cao sẽ chiếm vị trí áp đảo so với giống lúa xác nhận, từ đó tăng hiệu suất giá trị lúa gạo thương phẩm có lẽ cũng vẫn là câu hỏi.

Dễ nhận ra việc cần có một sự thay đổi trong cơ cấu giống, cả ở lúa, ở các loại cây lương thực và rau màu khác. Nhưng để xác định việc thay đổi như thế nào lại không hề dễ...

Lê Nguyễn An Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thanh trà Nam Đông bội thu

Hiện nay, cây thanh trà của huyện Nam Đông đang bước vào thời kỳ thu hoạch đại trà. Theo đánh giá của bà con nông dân, cây thanh trà năm nay được mùa và giá bán cao hơn so với các năm trước.

Thanh trà Nam Đông bội thu
Khảo nghiệm thành công giống Thiên Ưu 8

Việc khảo nghiệm thành công giống Thiên Ưu 8 trên địa bàn thị xã Hương Trà đã mở ra triển vọng mới về hạt lúa mang tính hàng hóa cho người nông dân.

Khảo nghiệm thành công giống Thiên Ưu 8
Return to top