ClockThứ Tư, 23/06/2021 08:59

Nao nao nỗi nhớ đường làng

TTH - Rong ruổi trên những cung đường tấp nập, chiều nay, ngang miền đất lạ, gặp bóng râm cổ thụ ngoại ô thành phố có con đường nhỏ quanh co, bất chợt hình ảnh con đường làng quê tôi thuở ấu thơ lại hiện về.

Con đường làng soi bóng thời gian, in bao dấu chân kỷ niệm. Làng Trạch Phổ quê tôi uốn lượn quanh co theo lũy tre xanh. Dọc theo con đường từ xóm Đông An đến Tây Thuận là cánh đồng lúa. Những tháng năm chiến tranh, con đường làng in bước chân âm thầm, mang cơm trong tấm mo cau của các mệ, các o nuôi cán bộ cách mạng.

Nhớ lắm con đường làng gắn với kỷ niệm tuổi ấu thơ. Từ đầu đến cuối làng, con đường dài khoảng gần 2 cây số, bóng tre tỏa xuống, rợp mát cả ngày. Trên con đường quen thuộc này, trẻ con quê tôi tụm năm, tụm bảy bày đủ các trò chơi: trốn tìm, kéo co, nhảy lò cò, kéo mo cau, ô ăn quan… Tôi nhớ có một lần nơi ngã ba xóm Đông An gần nhà tôi trong đêm trăng sáng, chúng tôi rủ nhau chơi trò trốn tìm. Thằng Thạnh, thằng Nhơn, con Liên, con Ný đi trốn, còn tôi tù tì thua nên phải đi tìm. Lần lượt tôi tìm  ra được ba đứa, còn con Ný thì tìm mãi không thấy: Ný ơi, mi mô rồi, ra đi… Rồi, bất ngờ từ xa, thằng Nhơn la lên, con Ný đây rồi. Thì ra, Ný chạy vào bụi tre trước nhà bà Hẹ để trốn, không biết thế nào, nó bị gai tre móc vào áo, gỡ mãi không ra.

Con đường làng, nơi in dấu bước chân tuổi thơ đến trường. Ngôi trường tiểu học được xây bằng gạch không tô quét nằm phía bên phải cuối con đường làng. Mỗi ngày, chúng tôi dậy sớm, ăn vội mấy củ khoai lang mạ nấu rồi í ới gọi nhau đi bộ đến trường. Có mấy lần đi học muộn, tôi, thằng Bửu, thằng Tâm xách đôi dép lê bày trò thi chạy bộ.

Mùa gặt, đường làng rộn ràng tiếng nói cười của người dân quê khắp đầu làng, ngõ xóm. Đi giữa đường quê mùa gặt, mùi rơm vàng được nắng, mùi cơm gạo mới từ bếp nhà ai xộc vào mũi thơm nức thật dễ chịu. Giờ nghĩ lại, vẫn thấy nao nao, chợt nhớ hai câu thơ của Huy Cận, "Đường trong làng hoa dại với mùi rơm/Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm". Đi trên con đường làng, chúng tôi hít hà mùi lúa, mùi đất đai, mùi của những loài hoa trong vườn, mùi tre, mùi khoai nướng, mùi của những cơn mưa giông xối xả, mùi của bùn non, mùi phù sa màu mỡ sau những lần cơn lũ đi qua…

Đường làng, nơi những đứa trẻ quê tôi háo hức lon ton theo mạ đi chợ chiều. Trên con đường quen thuộc đó, đã bao lần mạ gánh đôi quang gánh nặng trĩu đôi vai, nào sắn, nào rau, nào lá trầu, lá chuối mang ra chợ bán. Anh em tôi vừa đi, vừa chạy sau lưng mạ. Từ nhà đến chợ phải 6 cây số, thế mà những đôi chân nhỏ xíu, đen gầy chạy theo mạ không biết mệt.

Đường làng là con đường đất, mùa nắng thả đôi chân trần nghe mát rượi; nhưng mùa mưa lũ thì lầy lội, bùn nhão nhoét. Vậy mà vẫn yêu vô cùng. Bùn đất như níu giữ bước chân người để xa thì lưu luyến, nhớ thương.

Về thăm quê, đi trên con đường xi măng không còn lầy lội vào mùa mưa, mừng vì nông thôn từng ngày đổi mới. Vui, nhưng không hiểu sao, lòng vẫn cứ bâng khuâng, hoài niệm. Da diết nhớ đường làng tuổi thơ năm xưa… nơi cất giữ khoảng trời kỷ niệm của một thời gian khổ.

Văn Toản

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đường làng - nơi ký ức tìm về

Rải bước trên con đường làng gắn bó với tuổi thơ, lòng tôi có chút nao nao như bước vào một thế giới bình an, đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu bên gia đình, bạn bè và người thân...

Đường làng - nơi ký ức tìm về
Nỗi nhớ giữa ngày đông

Hồi còn thơ bé, tôi thích những ngày đông rét mướt, cơn mưa đôi khi lê thê mấy ngày liền khiến bầu trời ướt sũng.

Nỗi nhớ giữa ngày đông
Bên hàng rào xanh

Bữa nọ, một người bạn facebook đăng bức ảnh những trái duối bé tròn bằng đầu ngón tay út chín vàng kèm lời khẳng định: “Dân quê thế hệ 8-9x trở về trước, ít ai không biết vị ngon huyền thoại này”. Ôi, trái duối thơm hương ký ức, gợi nhớ ngôi nhà xưa mấy mươi năm trước. Ngôi nhà có hàng rào làm bức tường phân chia địa giới, là đôi ba cây duối già cành lá lòa xòa và rặng râm bụt xanh mọng điểm xuyết những nụ hoa đỏ rói.

Bên hàng rào xanh
Lên độn mà chơi

Cuối tuần ghé trang phây của làng tôi - Dã Lê Thượng (Hương Thủy), bất ngờ bắt gặp chia sẻ như reo vui của chú em thúc bá: “Thế là khu vực từ độn (đồi) Sầm - làng Thanh Thủy Thượng xuống độn Chùa (độn Tây) - làng Dã Lê Thượng sẽ trở thành công viên cảnh quan thiên nhiên chứ không bị đưa vô dự án du lịch và nhà ở như trước nữa. Mừng cho không gian đẹp và đầy lưu luyến của người làng!”.

Lên độn mà chơi
Nỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”

Tập tản văn “Bên sông Ô Lâu” của nhà báo Phi Tân (công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) vừa được Công ty TNHH Văn hóa & truyền thông Lệ Chi (Chibooks) và NXB Lao Động ấn hành là tác phẩm được Chibooks lựa chọn đưa vào “Tủ sách Văn hóa Việt ra thế giới”, được dịch ra tiếng Trung và tiếng Anh.

Nỗi nhớ làng quê trong “Bên sông Ô Lâu”
Return to top