ClockThứ Hai, 09/05/2016 14:21

Nên có bia chiến tích ở dốc Ông Ầm

TTH - Trong những lần gặp mặt, cán bộ là con em Hương Trà tham gia kháng chiến chống Mỹ có ý kiến đề nghị dựng Bia chiến tích tại cửa rừng dốc Ông Ầm (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà) hiện nay.

Cửa rừng này là tuyến hành lang quan trọng của Hương Trà và cánh Bắc TP. Huế trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ở đây chỉ cách trung tâm TP. Huế khoảng 10km đường chim bay. Đứng  ở đỉnh dốc nhìn về hướng Đông Nam thấy rõ Quốc lộ 1A đoạn từ km11 đến An Hòa – Bạch Hổ và dọc sông Hương lên Văn Thánh – Hương Hồ.

Trong hai cuộc kháng chiến, ta đã dùng nơi đây làm vị trí quan sát, theo dõi các hoạt động của địch từ Hương Trà vào Huế và là điểm hẹn đặt các hộp thư bí mật để liên lạc, móc nối với cơ sở, xây dựng phong trào cách mạng. Đây cũng là nơi xuất phát về đồng bằng hoạt động xây dựng cơ sở, đánh địch, diệt ác trừ gian.

Đối với địch, chúng coi đây là vị trí rất lợi hại nên thường xuyên đưa quân đến phục kích, ngăn chặn ta về hoạt động, trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.

Tôi sinh ra, lớn lên đã tham gia cơ sở từ năm 1961, sau đó thoát ly lên chiến khu, được bổ sung vào lực lượng An ninh huyện, liên tục hoạt động trên địa bàn này nên có biết, chứng kiến và tham gia một số trận đánh ở đây. Tôi xin ghi lại có tính khái quát về hoạt động của các lực lượng cách mạng ở Hương Trà và quận Thành Nội (Quận 1) Huế tại cửa rừng này.

Từ năm 1961 – 1962, lực lượng ta đã nhiều lần về vũ trang tuyên truyền ở các thôn thuộc xã Hương Thái (Hương Chữ và Hương An hiện nay) rút thanh niên lên bổ sung cho lực lượng cách mạng. Năm 1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, lực lượng vũ trang Hương Trà và đội công tác Hương Thái đã đột nhập vào Ấp Bồn Trì (Hương An) diệt các tên ác ôn và đưa một số thanh niên lên bổ sung cho lực lượng. Năm 1964, hưởng ứng phong trào Đồng khởi lực lượng của tỉnh, huyện Hương Trà đã đưa hai đại đội về trụ lại ban ngày ở hai ấp Bồn Trì (Hương An) và An Đô (Hương Chữ), đánh địch hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, đã tiêu diệt nhiều tên địch và bắn cháy hai xe tăng của địch. Năm 1965, chúng tăng cường ngăn chặn ta ở cửa rừng này. Chúng thay đổi chiến thật phục kích, không chặn ta khi về mà theo dõi ta về hoạt động khi đi lên. Chúng bí mật đưa một Đại đội Bảo an và hai trung đội Dân vệ mai phục đánh tập hậu. Đúng như ý đồ của chúng, khi ta về vũ trang tuyên truyền ở thôn La Chữ lên, chúng đã phục kích sẵn ở giữa dốc và chủ động nổ súng. Ta bất ngờ nên bị động lúng túng. Nhưng nhờ sự bình tĩnh, mưu trí của đồng chí chỉ huy, ta đã tổ chức đánh phản kích, ào ạt xông lên tiến công tiêu diệt được nhiều tên, dập tắt ổ đề kháng. Ta tiếp tục truy kích, kiểm soát trận địa và giành chiến thắng. Sau trận đánh này, địch khiếp đảm không dám đưa quân đến phục kích nữa. Ta kiểm soát cửa rừng này ban ngày, làm chủ hoàn toàn ban đêm, tạo được thuận lợi cho các năm về sau.

Năm 1966, các hoạt động của ta thuận lợi hơn, đã tổ chức nhiều lần vũ trang tuyên truyền ở xã Hương Thái (Hương Chữ hiện nay) và Hương Bình (Kim Long – Hương Long, TP. Huế) đưa một đại đội vũ trang huyện và đội công tác Hương Bình về trụ lại ban ngày ở thôn Trúc Lâm (Hương Long) chiến đấu 1 ngày, diệt nhiều tên địch, bắn cháy 2 xe tăng. Đến tối, ta rút lui an toàn. Trận đánh gây tiếng vang lớn vào Huế. Năm 1967, ta tiếp tục pháo kích sân bay Tây Lộc. Trận địa cối 81 ly được đặt tại bến đò Ba Bến – Kim Long, hậu thôn Hương Long, tập kích đồn văn Thánh. Đội biệt động Quận 1 hóa trang thành lính Ngụy, diệt bọn bình định ở chợ Thông (Hương Long), đánh cầu An Hòa, diệt ác, trừ gian ở Hương Chữ và chuẩn bị tuyến hành lang cho chiến dịch Xuân 1968.

Chiến dịch Xuân 1968 – cửa rừng này là một hướng xuất phát của cánh quân về hai xã Hương Thái, Hương Bình (Hương Long, Kim Long Huế) vào cửa Chánh Tây – cánh Bắc Huế, chốt ngã ba An Hòa – Bao Vinh, ngã ba Bạch Hổ - Văn Thánh.

Trong suốt quá trình ta giữ Huế có hàng ngàn lượt người qua cửa rừng này, gồm: các lực lượng chi viện cho Huế, các đơn vị chủ lực của quân khu, Bộ Quốc phòng trong đó có Trung đoàn 9 do đồng chí Lê Khả Phiêu (Nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng) làm trung đoàn trưởng, đón các lực lượng từ Huế ra như các Đoàn dân công vận tải, cáng thương binh, học sinh, sinh viên, thanh niên lên tham gia cách mạng. Đặc biệt, đêm 26/2/1968, ta rút khỏi Huế, đã có hàng ngàn người cùng một lúc rút lui đã qua đây.

Sau năm 1968, tuy địch có tăng cường lực lượng, đóng chốt các cao điểm sâu hơn trong hậu cứ của Hương Trà, nhưng lực lượng các đội công tác các xã và vũ trang huyện Hương Trà, Đội công tác Quận 1 Huế vẫn bám cửa rừng này về đồng bằng hoạt động củng cố lực lượng bên trong, tổ chức đánh vào các khu tập trung, ấp chiến lược dọc Quốc lộ 1 và các xã vùng ven như An Hòa, Hương Sơ, Kim Long, Hương Long. Năm 1969, tổ chức đánh căn cứ Am Cây sen, tập kích đồn Văn Thánh lần hai. Năm 1970, tổ chức nhiều trận thóc sâu diệt ác trừ gian ở khu vực xã Hương Sơ. Đáng chú ý, đêm 25/3/1970, đã đột nhập vào thôn Đức Bưu xã Hương Sơ bắt gọn toàn bộ ngụy quyền xã Hương Sơ. Năm 1971, tiếp tục các trận đánh vào các khu tập trung, hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy đấu tranh đòi về làng cũ, đánh chi khu Hương Trà ở Km9, đánh cắt đường giao thông Quốc lộ 1 để ngăn chặn quân tiếp viện từ Huế ra trong chiến dịch 1972. Đêm 26/1/1973, lực lượng vũ trang Hương Trà và đội công tác xã Hương Thái đã đưa một đại đội về bám trụ tại thôn An Đô chiến đấu suốt ngày, diệt được nhiều tên, bắn cháy 1 xe tăng. Do địch tăng cường lực lượng nên ta phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Tiếp theo các trận đánh lấn chiếm vùng giải phóng, ta đã cắm cờ, giành đất, giành dân ở một số thôn. Năm 1974, tiếp tục đánh lấn chiếm, xây dựng, củng cố cơ sở, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh thực hiện Hiệp định Paris và chuẩn bị cho chiến dịch Xuân 1975. Đầu xuân 1975, đã chuẩn bị lực lượng bên trong, xây dựng một số địa bàn lõm như ở Phụ Ổ Hương chữ, Thanh Lương, Hương Xuân. Đến giữa tháng 2/1975, ta đã đưa một số lực lượng về bám trước ở Thanh Lương. Đêm 8/3/1975, tổ chức đánh phân chi khu Hương Xuân, sau đó đánh các phân chi khu Hương Toàn, Hương Chữ, đánh chi khu Hương Trà ở Km9 và tổ chức lực lượng giải phóng Hương Trà ngày 24/3/1975.

Cửa rừng dốc Ông Ầm ở Hương Chữ suốt cả quá trình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Nếu ai đã công tác, chiến đấu trên địa bàn Hương Trà, đi qua cửa rừng này chắc không thể nào quên được những vị trí, tầm quan trọng ở cửa rừng này. Vì vậy, nếu dựng được một bia chiến tích ở đây sẽ góp phần vào lịch sử oanh liệt của Hương Trà.

Hoàng Thế Đoàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Khoe” chiến tích cùng trào lưu “flex”

Những ngày gần đây, “flex” trở thành từ hot trên các mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ sử dụng trào lưu này để khoe thành tích hay những điều tốt mà mình đã làm được.

“Khoe” chiến tích cùng trào lưu “flex”
SEA Games 32: Chiến tích từ sự chuẩn bị công phu

SEA Games 32 đã chính thức khép lại sau lễ bế mạc tối 17/5. Tại kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 này, Thể thao Việt Nam đã đạt được nhiều thành công hơn mong đợi và được đánh giá là có kỳ đại hội thành công nhất trong lịch sử khi Thể thao Việt Nam thi đấu ở nước ngoài.

SEA Games 32 Chiến tích từ sự chuẩn bị công phu
Tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”

Tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (TGGT) vi phạm nồng độ cồn không chỉ nhằm mục đích giảm tai nạn giao thông, mà dần xây dựng ý thức, tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”.

Tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”
Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu:
Các hợp chất gây ung thư được tìm thấy trong thực phẩm hàng ngày

Hãng thông tấn AFP ngày 29/3 cho biết Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) vừa lên tiếng cảnh báo rằng các hợp chất hóa học gây ung thư có tên nitrosamine đã được phát hiện trong nhiều loại thực phẩm hàng ngày và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Các hợp chất gây ung thư được tìm thấy trong thực phẩm hàng ngày

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top