ClockThứ Tư, 22/07/2015 09:53

Nên coi như trách nhiệm

TTH - Việc thu phí bảo trì đường bộ áp dụng đối với mô tô, xe gắn máy theo tinh thần Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện từ hơn 2 năm nay. Trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc nên hiệu quả kinh tế cũng như xã hội đạt được rất thấp. Mới đây, một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Khánh Hòa... đã mạnh dạn ngừng thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe gắn máy và Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ có ý kiến đề xuất với Chính phủ tạm dừng thu phí đối với loại xe 2 bánh này.

Duy tu, bảo trì đường bộ là là việc làm cần thiết, nhằm kéo dài tuổi thọ cho công trình, hạn chế sự hư hỏng, xuống cấp, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông; đồng thời, tránh tình trạng công trình bị hư hỏng nặng, phải đầu tư làm lại từ đầu gây tốn kém lớn. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn khó khăn, việc huy động các chủ phương tiện đóng góp một phần kinh phí, chung tay bảo trì đường sá cũng là hợp lý. Song, trong quá trình thực hiện đã gặp phải nhiều khó khăn mà một trong những khó khăn lớn nhất là người dân vẫn chưa tự nguyện; tạo ra sự mất công bằng giữa người nộp và người chưa nộp.

Với mức thu 50.000 đồng/xe/năm ở vùng nông thôn; 70.000 đồng/xe/năm ở vùng thành thị đối với xe 100 phân khối trở xuống và 100.000 đồng/xe/năm ở vùng nông thôn; 120.000 đồng/xe/năm ở vùng thành thị đối với xe trên 100 phân khối là vừa phải. Nếu chia đều cho 12 tháng thì hàng tháng, mỗi chủ phương tiện phải chịu phí bảo trì đường bộ là không đáng kể, nhưng tại sao lại khó thu? Phải chăng, do cách tuyên truyền cũng như hình thức thu thiếu khoa học. Đối với người có thu nhập ổn định thì việc đóng 100.000 hay 120.000 đồng là chuyện đơn giản nhưng đối với những trường hợp khó khăn thì đóng cùng lúc 100.000 đồng là điều trăn trở. Có nhiều gia đình tuy phương tiện trên 100 phân khối nhưng thực chất thì rất tàn tạ nên khi phải chịu đóng ở mức cao, đã nảy sinh xót xa, không muốn đóng. Hoặc có người vì “mê” xe cùng lúc sở hữu cả chục phương tiện; nếu để họ đóng phí cùng lúc thì rất lớn trong lúc mỗi lần họ tham gia giao thông chỉ một chiếc mà thôi!...
Đó là thực tế đang đặt ra trong thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe máy, cần được cân nhắc hợp lý nhằm tạo sự đồng thuận cao trong người dân. Điều quan trọng là không nên coi biên lai thu tiền phí sử dụng đường bộ như là một loại giấy tờ bắt buộc khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, gắn máy mà hãy coi như là trách nhiệm của người tham gia giao thông đối với hạ tầng đường bộ. Từ đó, có thể phân thành nhiều kỳ trong năm để thu đối với những trường hợp khó khăn. Bên cạnh đó, vấn đề tuổi đời phương tiện gắn với chất lượng phương tiện, số lượng phương tiện trên một chủ sở hữu cũng cần phải được tính toán hợp lý, để tạo sự công bằng cho người nộp phí. Một số hình thức thu khác như thu qua xăng hoặc thu ngay từ khi đăng ký chủ sở hữu phương tiện... cũng cần phải được nghiên cứu, để có thể triển khai, nhằm mang lại hiệu quả trong việc thu phí bảo trì đường bộ!
Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top