ClockThứ Hai, 01/12/2014 14:35

Nền nã một giọng thơ

TTH - Trong khoảng lặng của đêm, tôi rón rén lật mở từng trang của tập Lạc mất mùa xưa của nhà thơ nữ Hạ Nhiên Thảo, một thi phẩm vừa được tủ sách Văn Tuyển (TP Hồ Chí Minh) in ấn và cho ra mắt trong những ngày cuối thu ở Huế.

Sự cảm nhận đầu tiên trên từng trang giấy còn thơm mùi mực là tác giả đã tỷ mỉ trau chuốc những vần thơ của mình bằng sự nền nã dịu mềm vốn có của một người con gái Huế.

Trong hình thái một phụ nữ Huế với đầy đủ nền nếp của vùng đất nổi tiếng nghiêm khắc, dĩ nhiên cõi thơ của chị cũng nghiêng hẳn về phía bên trong. Hầu như những vần thơ của Hạ Nhiên Thảo là sự trầm tư chiêm nghiệm pha quyện một chút lãng mạn:

Mời em 

          nhấp chén rượu nồng

Gọi trăm nỗi nhớ 

          cho lòng phôi phai

Mời em hát khúc tháng hai

Cho ngày rực rỡ 

             ban mai thêm hồng.

(Mời Em)

Suốt chín mươi ba bài trong tập Lạc mất mùa xưa là một chuỗi hạt thủy tinh trong veo, kết nối từ nội tâm của chị, nó dung dị nhưng không đơn điệu. Người đọc nhiều lúc cũng bị vấp chân bới những suy nghiệm thẳm sâu đến lạ lùng:

Ta về núi vớt khói sương

đem về phố đứng bên đường 

                         bán rong

Chút tình mây nước 

                        hư không

men theo lối gió 

                 bên song tìm về…

(Đóa Trăng Mơ)

 Với thơ Hạ Nhiên Thảo, như lời bạt của nhà thơ Cao Thoại Châu “…với tôi, thơ Hạ Nhiên Thảo tràn đầy nữ tính, thứ nữ tính chân thật, hồn nhiên chứ không cố làm ra duyên con gái…”. Là vậy nhưng vẫn không ít lần chị thả cương cho ngôn ngữ, ý tứ mặc tình quẫy động tự do chạy nhảy trên trang thơ, bứt phá mọi câu thức, đào thoát khỏi khuôn hình mặc định để trở thành những dòng thơ khắc khoải trong lòng người đọc.

Cũng có lẽ chính những nhịp rung chân thực từ trái tim ấy, mà thơ chị dễ tìm thấy tần sóng giao thoa với tâm hồn những người yêu thơ.

Nguyên Quân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top