ClockThứ Tư, 27/03/2019 11:24

Nên tin tưởng thịt lợn sạch

TTH.VN - Từ khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra trên địa bàn xã Phong Sơn (Phong Điền) đến nay, mặc dù quy mô ổ dịch không lớn, chỉ vài chục con nhưng khiến nhiều hộ chăn nuôi và người tiêu dùng lo ngại.

Chôn hủy thêm 38 con lợn rừngXuất khẩu gặp khó vì dịch tả lợn châu PhiĐàn lợn rừng ở khu nghỉ dưỡng dương tính với dịch tả lợn châu PhiPhong Điền: Tiếp tục giám sát dịch tả lợn châu Phi

Thịt lợn được bán ở chợ An Cựu (TP. Huế)

Các quầy bán thịt lợn ở các chợ trên địa bàn TP. Huế rơi vào tình trạng ế ẩm. Một số hàng quán ăn sáng không còn bán thịt lợn như mọi khi…

Chủ một quầy bán thịt lợn tại chợ Tây Lộc- Lê Thị Vân than thở: “Từ khi DTLCP xuất hiện tại một số tỉnh, thành trên cả nước, lượng thịt lợn bán hằng ngày bắt đầu sút giảm. Ế ẩm hơn kể từ khi DTLCP xảy ra trên địa bàn tỉnh, trước đây bình quân mỗi ngày tui bán khoảng 1 tạ thịt lợn, nay lượng bán ra chỉ còn một nửa”.

Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ quán bún phở ăn sáng trên đường Phan Bội Châu nói: “Hơn tuần nay, hầu hết khách vào ăn sáng không gọi món bún giò lợn như mọi khi. Thời điểm này tui phải tạm thời chuyển sang bán bún bò, chả cua để đáp ứng nhu cầu “thực khách”, vừa tránh ế hàng”.

Cán bộ thú y tiêm vắc xin cho lợn tại Quảng Điền

Chi cục Chăn nuôi-Thú y (CNTY) tỉnh xác nhận, tình hình tiêu thụ sản phẩm thịt lợn trên địa bàn tỉnh trong những ngày này khá “ảm đạm”. Thông thường bình quân mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 90-95 tấn thịt lợn thì nay chỉ còn khoảng 50 tấn. Điều này cho thấy người dân rất lo ngại cũng như chưa hiểu biết nhiều về DTLCP nên rất e dè trong việc lựa chọn thực phẩm.

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CNTY tỉnh khẳng định, DTLCP tuy là loại dịch nguy hiểm, khi lợn mắc bệnh thì tỷ lệ lợn chết rất cao; nhưng dịch hoàn toàn không lây sang người, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Vì vậy mặc dù thời điểm đang xảy ra dịch, người dân cũng không nên ngại sử dụng sản phẩm thịt lợn. Điều quan trọng là phải biết chọn mua sản phẩm đã được kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng tại các quầy uy tín, các siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Hầu hết trong số 1.200 quầy bán sản phẩm thịt lợn trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Số lượng thịt bán mỗi ngày khoảng 90-95 tấn đều lấy từ các lò giết mổ tập trung tại các địa phương. Lợn trước khi đưa vào giết mổ đều qua khâu kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ, đảm bảo không có dấu hiệu dịch bệnh. Thịt lợn trước khi vận chuyển, phân phối đến các quầy hàng tiêu thụ đều được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng dấu kiểm dịch.

Lãnh đạo Chi cục CNTY tỉnh trực tiếp tuyên truyền về DTLCP

Ông Hưng khuyến cáo, mặc dù sản phẩm thịt lợn được mua tại các cơ sở uy tín, có kiểm dịch, nguồn gốc rõ ràng nhưng khi mua về ăn, người dân phải nấu chín, không nên chế biến các loại thực phẩm tươi sống chưa được đun sôi 100oC. Người dân không nên ăn tiết canh lợn, tránh các loại dịch bệnh nguy hiểm đáng tiếc có thể xảy ra. DTLCP không chỉ xảy ra trên đàn lợn nuôi truyền thống mà cả lợn rừng nuôi tại các hộ dân. Trong khi nhiều người vẫn cho rằng lợn rừng an toàn nên có thể ăn được tiết canh. Điều này sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hai ổ dịch tại xã Phong Sơn (Phong Điền), chôn hủy 52 con lợn, trong đó có 5 con lợn nái và 47 con lợn rừng. DTLCP hiện đang diễn biến phức tạp, khó lường, ở đâu nên người chăn nuôi cần đề cao cảnh giác, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không nên chủ quan, cần thường xuyên chủ động rải vôi, phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, tiêm vắc xin đầy đủ. Chuồng nuôi phải xây dựng thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Đối với các trang trại, gia trại ở các vùng rú cát, giữa núi rừng cần có biện pháp xua đuổi các loại chim di trú-là một trong những tác nhân mang mầm bệnh từ nơi khác đến...

Chi cục CN-TY tỉnh đang triển khai các biện pháp kiểm tra chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch. Các phương tiện vận chuyển lợn, gia súc, gia cầm đi qua chốt đều được kiểm tra nguồn gốc, thủ tục kiểm dịch, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Tại các ổ dịch ở Phong Sơn được khoanh vùng nghiêm ngặt, lợn và sản phẩm thịt lợn ở đây không được đưa đến nơi khác tiêu thụ.

Trên địa bàn tỉnh tạm thời không nhập lợn giống, lợn thịt ở các tỉnh có DTLCP. Chi cục phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn đàn lợn, tránh nguy cơ xảy ra dịch gây thiệt hại.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Để chiến sĩ mới yên tâm vững vàng

Ngày 26/2, tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (HLCĐ), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, rộn ràng bước chân của 115 chiến sĩ mới (CSM). Trong những nụ cười, xen lẫn rất nhiều bỡ ngỡ. Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, phụ trách Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trực tiếp cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động (HLCĐ) khích lệ, để CSM ổn định, yên tâm, vững vàng bước vào huấn luyện.

Để chiến sĩ mới yên tâm vững vàng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top