ClockThứ Năm, 24/06/2010 06:48

Nẻo về nhà vườn thôn Vỹ

TTH - Từ trung tâm TP Huế xuống Vỹ Dạ chỉ dăm phút chạy xe. Qua Đập Đá là bắt đầu nhận diện ra dấu chân của Hàn thi sĩ trong những khu vườn xanh mướt màu ngọc. Dĩ nhiên đó là thôn Vỹ xưa lắm, còn nay phường Vỹ Dạ rộng lớn gấp nhiều lần, và khó ai còn tìm ra vườn ai với khuôn mặt chữ điền khiến văn đàn tốn quá nhiều giấy mực hay một mảnh vườn tương tự để mà đón nắng.

Tôi vẫn thường xuống thôn Vỹ, nhìn gái Huế xuýt xoa bên tô cơm hến bốc khói như một sự nuối tiếc rất thực về nỗi niềm khá mơ hồ đã lặng đi trong chiều thời gian màu tím. Hoàng hôn tại đây cũng là một đặc sản tinh thần chỉ dành cho những kẻ lỡ nhuốm chân vào biển thi ca lai láng. Rồi khi bầu trời đã hoàn toàn tắt lịm cái cảm giác ồn ào phố thị, thôn Vỹ mới thật sự hiện ra với mảnh trăng non gác trên một số ngôi nhà rường cổ kính sót lại từ một thời đế đô.

Ngoài những trầm tích văn hóa có khu vườn của Hàn thi sĩ, thiết nghĩ cái hiện hữu còn lại của Vỹ Dạ là nhà rường mà nếu như một mai tự dưng thay vào đó là những khối bê tông cốt thép, hẳn nhiên bóng dáng thôn Vỹ chỉ còn lại trong hoài niệm, trong tranh ảnh thơ nhạc được quy vào một dạng văn hóa phi vật thể không ai còn cơ hội chạm tay vào nó nữa. Điều đó khiến mỗi lần về Vỹ Dạ, có đoạn đường ngắn thôi, tôi thường nhìn vô mấy ngôi nhà mình đã từng ghé thăm, từng chuyện trò với gia chủ xem nó còn hay đã bị bê đi đặt chỗ khác kiểu như thay một bình hoa mới.  
 
 Ngôi nhà tôi từng lưu lại lâu nhất là của ông Vĩnh Cường đã gần 100 năm, 3 gian 2 chái, trên 50 cột chạm rồng, đòn tay có hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Nguyên gốc của nó là căn nhà của Thượng thư bộ lễ có tên húy Ưng Đồng. Nhà còn giữ được bức hoành: Hoàng gia vũ lộ - Bảo Đại nguyên niên - vật mừng tân gia của vua năm 1926. Ông Vĩnh Cường, một con người hoài cổ, tâm hồn đẫm chất nghệ sĩ, mới gặp lần đầu, ngồi chơi xơi nước dăm ba phút là quý mến ngay. Ông mời khách ngồi trên bộ sập gỗ lâu đời đen nhánh, nói không biết chán về những ngôi nhà rường Vỹ Dạ, riêng ngôi nhà của ông thì chỉ có khen, mà không phô. Ông bảo hiện thành phố Huế có hàng trăm ngôi nhà cổ, nhà ông thuộc hạng một với hai nhẽ: nguyên gốc và cao tuổi.
 
Ông Vĩnh Cường nói nhiều, trình bày nhiều thể như chính tôi là nhân viên của một tổ chức quản lý văn hóa vật thể, rằng quần thể nhà vườn ở Huế là rất sống động, vô cùng quý báu. Từ chung ông chuyển liền qua riêng: khách du lịch ai cũng tỏ luyến lưu khi rời ngôi nhà của tôi. Ai cũng biết nó đẹp, và khi tôi chỉ cho họ xem một vài chỗ bị thời gian bào mòn, họ thấu hiểu, họ chặc lưỡi tiếc nuối, bảo điều này cần báo động... Tôi nhận ra niềm say mê ngôi nhà cổ qua cách dẫn chuyện, qua lời giới thiệu về các hoa văn kèo cột, về một vài tư liệu gốc và nhất là niềm tự hào dòng dõi hoàng tộc. Đấy là hình ảnh còn lưu lại trong trí nhớ tôi sau chừng tám năm. Hồi đó râu tóc ông đã bạc, chỉ đôi mắt sáng và vui như nụ cười luôn cởi mở của ông. Thời gian đáng sợ. Ông không níu giữ được dẫu ngôi nhà cứ già đi, yếu đi, thần sắc cũng bợt đi trong nắng trong mưa. Ngay chính ông cũng cảm nhận được điều gì đó thật bất ổn…
 
Tôi từng đến nhiều nơi của Huế để tìm lại cái không gian xưa còn vương trong những khu vườn mướt xanh cây trái, giữa là một ngôi nhà rường mà chỉ có các bậc chức sắc triều chính hay tư gia giàu có bậc nhất vùng mới đủ tiền gây dựng.
 
Hiện trạng “chảy máu” nhà cổ ở Huế đã được báo động lâu lắm. Nếu có văn bản nào đó liên quan còn lưu giữ ở cơ quan chức trách, hẳn nét mực đã phai nhạt. Tôi nhớ mãi lần cuối cùng ngồi với ông Vĩnh Cường. Sau khi nắm trường hợp con cháu thờ ơ với ngôi nhà của ông cha để lại, chỉ chằm hăm vô mấy món đồ cổ trong ngôi nhà đã bệ rạc, ông Vĩnh Cường cũng thẳng thắn nhắc tới trường hợp buồn hơn về một ngôi nhà cổ bị “dắt” đi như một con trâu già tội nghiệp.
 
Nói chi đến thành phố du lịch như Huế, hệ thống nhà rường là điểm thu hút rất lớn khách tham quan. Không như khu nhà vườn ở Kim Long - ở đấy có một tour du lịch gần chục nhà, gia chủ đón khách, có thu nhập, còn Vỹ Dạ số phận những ngôi nhà rường hẩm hiu hơn nhiều. Họ đã cố gắng gìn giữ ngôi nhà, nhưng thời gian thì không chờ. Nên phương pháp hữu hiệu cuối cùng vẫn là bán đi, dùng tiền đó dựng lại y nguyên bằng xi măng theo lối giả cổ như đã dẫn chứng ở trên. Ngay người tâm huyết như ông Vĩnh Cường, nhà đất mênh mông, nay cũng bán phần nhiều, dành ra chút ít tu sửa. Đất sẽ hết, niềm hy vọng từ một tổ chức nào đó xem ra thật ảo tưởng, những linh hồn trú ngụ trong ngôi nhà cổ có nguy cơ tùy nghi di tản đến một nơi khác cao ráo hơn, điều hòa nhiệt độ lạnh cả xương sống… 
 

Đêm Thôn Vỹ
 
Hẳn tôi là một vị khách đặc biệt, không với bất cứ gia chủ nào mà với một ai đó có một khuôn mặt thật viên mãn như vầng trăng từng trôi qua thôn Vỹ trong phút chốc rồi chìm xuống đáy sông một ngày tuyệt nhiên không sương khói.
 
Trăng thôn Vỹ còn đó, hình bóng Hàn thi sĩ còn đó trong vườn trăng, chơi trăng, mê đắm, điên loạn cùng trăng... Mông lung vậy chứng tỏ tôi vẫn còn loanh quanh trong quá khứ của thôn Vỹ nhỏ xinh như bàn tay thiếu nữ xa xăm. Giờ người thiếu nữ đã lớn tuổi và bàn tay nuột nà kia qua bao lụy phiền duyên nợ cũng thô ráp. Dăm năm trước tôi có thấy một hàng tít trên báo “Thôn Vỹ bây giờ...”; chỉ liếc qua vậy thôi cũng đủ biết bài báo muốn nói lên băn khoăn trăn trở gì. Khó tả được tâm trạng một ai đó từng đắm đuối trong không gian Đây thôn Vỹ Dạ một chiều ngả nắng hôm nay.
 
Riêng tôi sau khi ghé thăm lại một số ngôi nhà rường, đã vội tách mình khỏi phố xá Vỹ Dạ dạo một vòng quanh cồn Hến hứng gió từ sông Hương lùa vào dịu nhẹ. Hay tôi sẽ đứng trên cầu chợ Dinh vào một sớm tinh mơ, nhìn xa thấy cồn Hến mù sương giăng phủ. Một con thuyền nặng nỗi mưu sinh từ nghìn vạn kiếp hến xuôi về như đang kéo theo mảng bè hình tam giác xanh thẫm bồng bềnh. Có như vậy tôi mới có thể quên đi sự thật là ông Vĩnh Cường nay đã thành thiên cổ, đã thành một linh hồn trong ngôi nhà ông từng nâng niu theo đúng nghĩa báu vật truyền đời.
 
Hơn thế tôi cũng không nghĩ ngợi chi nhiều đến việc biết đâu chẳng bao lâu nữa Vỹ Dạ sẽ không còn một ngôi nhà vườn theo như “yêu cầu” của Hàn thi sĩ ngày xưa.
Nhụy Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trưng bày tranh khắc gỗ từ hình mẫu trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn

Gần 60 tác phẩm tranh khắc gỗ được sáng tác lấy cảm hứng từ hình mẫu trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn bên trong Hoàng cung Huế đã được nhóm các họa sĩ trưng bày, giới thiệu đến công chúng vào sáng 19/3 tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (Bảo tàng Mỹ thuật Huế, 15 Lê Lợi, TP. Huế).

Trưng bày tranh khắc gỗ từ hình mẫu trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn
Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”

Chiều 17/3, tại Công viên 3/2, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phối hợp Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đêm nhạc không thu phí “Nhớ Trịnh Công Sơn”.

Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”
Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương

TIN MỚI

Return to top