ClockThứ Hai, 02/06/2014 13:20

Nét đẹp văn hóa ở La Sơn

TTH - La Sơn là thôn văn hóa của xã Lộc Sơn (Phú Lộc) - nơi nhiều người biết đến là vùng đất hiền hòa, thắm tình đoàn kết, nhân ái, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng ấm no hạnh phúc.

Nhắc đến địa chỉ đỏ về văn hóa của xã Lộc Sơn phải kể đến thôn La Sơn, một trong những thôn luôn được vinh danh suốt hơn 10 năm nay. Anh Ngô Đức Bi, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn cởi mở: Để thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban Vận động đã được kiện toàn, củng cố và lấy những quy ước, tiêu chuẩn gia đình văn hóa làm nội dung sinh hoạt thường xuyên ở tổ dân cư. Điều đó có tác dụng tích cực trong các phong trào ở địa phương, từng bước nâng cao đời sống kinh tế văn hóa xã hội địa phương.

Đường giao thông ở La Sơn được đầu tư khang trang

La Sơn có 450 hộ dân, trong đó 80% sống dựa vào nông nghiệp, số còn lại là kinh doanh buôn bán nhỏ. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển cây lúa, người dân luôn nghiên cứu chuyển đổi xây dựng nhiều mô hình nuôi lợn, nuôi gà, làm vườn, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhanh các ngành nghề, dịch vụ buôn bán như cơ khí, cưa xẻ gỗ, mộc dân dụng... Những hộ làm kinh tế khá lại tư vấn giúp đỡ, chia sẻ cây con giống cho những hộ khác làm theo. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm dần. Trước năm 2003, số hộ nghèo ở La Sơn rất cao, nay chỉ còn khoảng 6%. Gần 100% gia đình đều có phương tiện đi lại, nghe nhìn, sử dụng nước sạch, điện lưới quốc gia.

Tại La Sơn, rất nhiều công trình hạ tầng dân sinh như trường học các cấp, trụ sở ủy ban, trạm xá được xây mới khang trang. Những chiếc cầu vững chãi vắt qua những con kênh dẫn nước hoặc đi vào những con đường mới mở liên thôn La Sơn - Xuân Sơn và dọc kênh La Sơn trông càng thoáng đãng, sạch sẽ, đang từng bước góp phần xây dựng xã Lộc Sơn sớm trở thành đô thị loại V trong thời gian đến. Thành quả đó nhờ phát huy quy chế dân chủ cơ sở và sự đồng tâm hiệp lực của người dân nơi đây luôn đặt lợi ích tập thể lên lợi ích cá nhân, sẵn sàng góp công, góp của khi các công trình dân sinh ở địa phương ra đời.
Thôn đã hình thành tổ dân phòng, với 6 thành viên hoạt động tuần tra, giữ bình yên thôn xóm. Hầu hết, các tệ nạn cờ bạc rượu chè không xảy ra. Số lao động đi làm ăn xa quê, thường trở về vào dịp lễ, tết vẫn tôn trọng, giữ gìn được những bản sắc, văn hóa của quê cha đất tổ. Những đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật đều được lãnh đạo và người dân trong thôn cưu mang, giúp đỡ tận tình. Ở La Sơn, nét đẹp văn hóa được thể hiện rất rõ trong từng gia đình, cộng đồng dân cư. Đến nay, La Sơn đã hơn 90% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; nhiều tổ dân cư đạt tiên tiến và toàn thôn đã được huyện công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa lần hai.
Ông Phan Viết Bôn - Trưởng thôn La Sơn cho biết, người dân La Sơn từ lâu đã có những tập tục về lễ cưới, lễ tang, cải táng phức tạp. Thế nhưng gần đây đã thay đổi với hình thức giản đơn ấm áp tình người. Khi trong làng có người qua đời, Ban Mặt trận thôn đứng ra tổ chức mọi lễ nghi từ việc khâm liệm đến mai táng. Với sự đồng thuận chung, thôn cũng đã đề ra quy định hỗ trợ “lon gạo nghĩa tình” cho những gia đình có người qua đời bằng tiền. Hễ mỗi người trong làng qua đời, ngoài sự thăm viếng chia sẻ, Ban chỉ đạo thôn hỗ trợ 600 nghìn đồng/trường hợp.
Chăm lo, vun đắp xây dựng nét đẹp văn hóa, La Sơn không ngừng quan tâm đến việc học của con em địa phương”. Hằng năm, thôn vận động, gây quỹ khuyến học tổ chức khen thưởng, trao quà động viên các em học giỏi, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Đáng mừng, gần đây số thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều, chiếm hơn 50% học sinh có kết quả thi đỗ cao trong xã. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm chú trọng, trẻ em được tiêm phòng, tiêm chủng đầy đủ. Người cao tuổi thường xuyên được kiểm tra, khám sức khỏe; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình do được tuyên truyền đến tận nhà, nên hầu hết số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều cam kết không sinh con thứ 3 trở lên.
Anh Võ Công Nhơn - Bí thư Đảng uỷ xã Lộc Sơn nói: “Tuy không có những nét văn hóa đặc trưng, dày truyền thống như làng Bàn Môn (Lộc An) hay Mỹ Lợi (Vinh Mỹ), nhưng La Sơn đã thể hiện được nét văn hóa mới trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư hôm nay. Chính yếu tố đó đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng, vốn có của một làng quê thanh bình, yên ả đang từng bước phát triển”.
Bài, ảnh: M.Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top