ClockThứ Năm, 11/10/2012 13:35

Nét son bên dòng Ô Lâu

TTH - Suốt gần 150 năm qua, trên bầu trời danh nhân Thừa Thiên Huế, cái tên Nguyễn Tri Phương bật lên như một ngôi sao sáng lấp lánh mãi được người đời ngưỡng vọng.

Nguyễn Tri Phương tên cũ là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đồng Xuyên. Ông tuổi Canh Thân (1800)[, quê ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Tuy xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc, nhà nghèo, song nhờ ý chí tự lập ông đã làm nên công nghiệp lớn. Bước vào quan trường từ thời Minh Mạng qua đời Thiệu Trị, ông được tin dùng và được thăng giữ nhiều chức vụ quan trọng; được chép công trạng vào bia đá ở Võ miếu Huế. Khi vua Thiệu Trị băng hà, theo di chiếu ông được đình thần tôn làm Phụ chính Đại thần. Năm Mậu Thân (1848), ông được vua Tự Đức phong tước Tráng Liệt bá. Nguyễn Tri Phương là cái tên ông được vua Tự Đức ban tặng năm Canh Tuất (1850), lấy tứ từ câu “Dõng thả tri phương”, có nghĩa là dũng mãnh mà lắm mưu chước.

Đền thờ Nguyễn Tri Phương mới được tôn dựng và khánh thành năm 2010

Ông được biết đến như một dũng tướng mưu lược cuối thế kỷ 19, có công lớn trong việc khai hoang lập ấp ở Nam Bộ trong thời gian lĩnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ (1853). Năm 1858, ông thống lĩnh quân đội chặn được bước tiên của quân Pháp khi đánh vào Đà Nẵng, dù bị nhiều tổn thất do vũ khí tối tân vượt trội của giặc.

Trung Hiếu từ ngày trước vẫn được bảo tồn và tôn tạo

Đêm 19 rạng sáng 20 tháng 11 năm 1873, với trọng trách Tổng đốc Hà Nội, ông đã cùng quân binh anh dũng chống lại cuộc tấn công của quân Pháp với tàu đồng, đại bác tối tân. Thành vỡ, con trai ông là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Lính Pháp cứu chữa nhưng bị ông khảng khái từ chối và tuyệt thực cho đến chết. Ông mất vào ngày 20 tháng 12 năm 1873 (1 tháng 11 Âm lịch), thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Vua Tự Đức thân soạn bài văn tế cho ba vị công thần (Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy (em ruột Nguyễn Tri Phương, hy sinh trong trận đại đồn Chí Hoà 1861), Nguyễn Lâm) và cho lập Trung hiếu từ để thờ tại quê nhà. Vua Tự Đức phê “Nguyên tam - Tuyên quân thứ Khâm mạng đại thần Nguyễn Tri Phương tử tiết tại Hà Nội, em ruột là Tán lý Nguyễn Duy tử tiết tại Nam Kỳ, con là Phò mã Nguyễn Văn Lâm cũng tử tiết ở Hà Nội theo cha, người thì vì nước bỏ mình, kẻ thì vì cha tuẫn tiết, trung hiếu tiết nghĩa gồm ở một nhà, vậy Triều đình phải nên ưu đãi”.

Nội thất đền thờ

“Thương dân dân lập đền thờ”, ngoài đền thờ tại quê nhà, Nguyễn Tri Phương còn được nhân dân Biên Hòa lập đền thờ tại làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên (nay là phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa). Ngôi đền đã được Bộ VH-TT công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992.

Tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế, mộ và đền thờ Nguyễn Tri Phương-Nguyễn Duy-Nguyễn Lâm cũng đã được Bộ VH-TT &DL công nhận là Di tích Lịch sử- Văn hoá cấp Quốc gia vào năm 1990.

Bên cạnh cho trùng tu Trung Hiếu từ, Nhà nước còn đầu tư xây dựng mới khu nhà thờ Nguyễn Tri Phương, sửa chữa tượng đài Tam công trung liệt… Công trình xây mới nhà thờ Nguyễn Tri Phương được thiết kế theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống, do bàn tay thiện nghệ của những người thợ danh tiếng của làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên làm nên. Cụm công trình đã được khánh thành vào đầu năm 2010, tổng kinh phí đầu từ hơn 3,2 tỷ đồng. Đây thực sự là một nét son, một di tích lịch sử-văn hoá ý nghĩa đáng viếng thăm bên dòng Ô Lâu.

Diên Thống

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top