ClockThứ Hai, 29/10/2018 14:32

“Nếu đã đi sau thì phải khác biệt”

TTH - Chia sẻ thông tin khởi nghiệp với sinh viên Đại học Huế, ông Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ) nhắn nhủ: Cuộc cách mạng 4.0 khiến cuộc sống phát triển ngày càng mạnh, việc kết nối dễ dàng hơn và đó là cơ hội lớn để thanh niên khởi nghiệp.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra các hạt nhân là doanh nhân khởi nghiệp”Tự tin khởi nghiệp

Thông điệp đầu tiên ông Nguyễn Văn Trúc nói với người trẻ ở Đại học Huế: Tại sao hạt mít có giá 200.000đ/kg, một tàu lá chuối có giá 500.000đ tại Nhật Bản?

Hạt mít và thân chuối ở thị trường Nhật Bản. Ảnh: Internet

Cả hạt mít và lá chuối đều đã quá quen với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, ở đất nước chúng ta, dù mít có thơm ngon, chuối có dẻo ngọt đến mấy, hạt mít và lá chuối cũng chưa bao giờ được “ra thị trường” với giá đó. Trong ký ức của tôi, cả hạt mít và lá chuối đều là những “thứ dùng được” khi cuộc sống còn quá khó khăn. Hạt mít thì được bà nội luộc chín, phơi khô, để dành ngày thiếu gạo độn chung với khoai, ăn thay cơm. Còn lá chuối thì được ông nội róc gọn, hơ sơ qua lửa, xếp gọn từng xấp, bỏ mối cho các bà bán hàng ngoài chợ. Cuộc sống ngày càng khá lên, gạo đủ loại thơm ngon mềm dẻo, không lo thiếu. Lá chuối chỉ còn được dùng để gói một số loại bánh, chứ các bà hàng vặt ngoài chợ ít mua dùng hơn, vì đã có đủ thứ loại túi ni lông.

Và không chỉ riêng hạt mít, lá chuối mà còn nhiều thứ nông sản “cho cũng không lấy” ở Việt Nam trở nên có giá trong nhu cầu của người Nhật, như: lá tía tô, thân chuối, bèo nước, tầm bóp… “Tại sao tôi lại nói đến vấn đề này?”, ông Trúc đặt câu hỏi. Rồi trả lời: “Vì Huế nói riêng, miền Trung nói chung có rất nhiều trường đại học. Đây cũng là khu vực có nền kinh tế rất gần gũi với nông nghiệp, nhưng tiếc là lại chưa có những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên biến những phế phẩm về nông nghiệp thành thứ sinh ra tiền”.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, quy định rõ những đối tượng được hỗ trợ và các hoạt động hỗ trợ. Trong nỗ lực nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chính phủ đã đưa chỉ số sáng tạo của Việt Nam xếp thứ 71 năm 2014, lên vị trí 45/126 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2018. “Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ rất cụ thể, nhưng không thể làm thay. Phần còn lại là của ai? Chính là của mỗi cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp và họ phải hành động. Nếu chúng ta không hành động, không thay đổi thì khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không có kết quả. Quan trọng nữa là trong mỗi người cần phải có niềm tin. Khi đã có niềm tin chiến thắng “thì dù có đá trận bóng dưới tuyết rơi”, chúng ta cũng đã chiến thắng”, ông Nguyễn Văn Trúc nhấn mạnh.

Trong bài chia sẻ của mình, ông Trúc lưu ý rằng các bạn trẻ nên bám sát điều kiện kinh tế - xã hội địa phương để phát triển ý tưởng khởi nghiệp thì tỉ lệ thành công sẽ lớn hơn. Các nhà khởi nghiệp không thể kỳ vọng việc khởi nghiệp ở Huế tương tự như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Tự mỗi người phải nhìn ra lợi thế cạnh tranh nơi vùng, miền mình đang sống và cần thiết hơn nữa là phải “bám sát” đời sống tâm linh, những các giá trị văn hóa tinh thần bản địa để phát triển sản phẩm. Hãy tự tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu từ cái nhỏ và chính sự khác biệt tạo nên giá trị.

…Có một ông vua, cả cuộc đời chinh chiến vì đất nước. Lúc về già, vì muốn để lại cho hậu thế hình ảnh của mình, nên nhà vua đã mời họa sĩ vào cung vẽ chân dung cho mình. Trong bức tranh của người họa sĩ sau khi được hoàn thiện, có một ông vua uy nghi đang điều hành triều chính. Nhưng sau khi xem bức tranh ấy, đức vua đã ra lệnh chém đầu họa sĩ. Số phận họa sĩ tiếp theo cũng vậy. Nỗi lo lắng trong giới họa sĩ càng tăng lên. Bỗng có một thanh niên trai trẻ xung phong thực hiện bức vẽ. Tác phẩm hoàn thiện, người thanh niên ấy đã làm nhà vua rất hài lòng. Bởi vì, trong những tháng năm chinh chiến, ông vua đã bị hư một bên mắt và bị teo một bên chân. Nếu vẽ thật thì không đẹp. Vẽ đẹp thì không đúng chân dung vị vua. Chàng trai bèn nghĩ cách vẽ một ông vua uy nghi lẫm liệt đang cưỡi trên một con tuấn mã. Khoảnh khắc đó, cái chân teo của nhà vua đã được lưng con tuấn mã che khuất, còn con mắt bị hư của nhà vua đang nhắm vào cung tên để bắn về phía kẻ thù. Và anh đã thực hiện bức chân dung nhà vua đảm bảo các yêu cầu: đúng, đủ và đẹp. Sự khác biệt ấy đã đem lại sự sống. “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng vậy. Chúng ta hãy hành động. Nếu không thể là người tiên phong đi trước, thì ngay cả trong hoàn cảnh đi sau, không làm những gì người khác đã có, mà phải tạo nên sự khác biệt. Chỉ có sự khác biệt mới vượt lên và tồn tại”, ông Trúc nhắn nhủ.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấn thân vào những việc mới, việc khó

Trong khuôn khổ Tháng Thanh niên năm 2024, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua tình nguyện, tham gia đảm nhận nhiều công trình, phần việc thanh niên, góp sức trẻ cùng hệ thống chính trị thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Dấn thân vào những việc mới, việc khó
Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu

Chiều 26/3, Tỉnh đoàn tổ chức chương trình thông tin chuyên đề về định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể liên quan.

Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Return to top