ClockThứ Bảy, 16/10/2021 12:34

Nếu đánh đổi, con đường ra “biển lớn” của doanh nghiệp sẽ chông chênh

TTH - Khi đã bị phạt hành chính như bị rút “thẻ vàng”, chắc chắn hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thương trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng và con đường vươn mình ra “biển lớn” thật sự chông chênh.

Doanh nghiệp vi phạm bảo vệ môi trường bị phạt 240 triệu đồng

Trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường là yêu cầu tiên quyết - Ảnh minh họa (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

UBND tỉnh vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với một doanh nghiệp ở lĩnh vực chế biến thủy sản 640 triệu đồng vì nguồn nước thải từ nhà máy này ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép.

Điều đáng bàn ở đây là sau khi cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính (chưa có quyết định xử phạt), doanh nghiệp có đơn gửi UBND tỉnh và các cấp bày tỏ mong muốn hình thức xử phạt là nhắc nhở thay vì xử phạt hành chính. Doanh nghiệp này phân trần, đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, nên đòi hỏi cao về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và đảm bảo về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các lĩnh vực môi trường rất nhạy cảm và dễ gây bất lợi cho doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Xử phạt hành chính thể hiện rõ quan điểm của tỉnh là luôn tạo mọi điều kiện tối đa về cơ chế, thủ tục, pháp lý… song, quá trình hoạt động phải tuân thủ các quy định hiện hành, nhất là yếu tố bảo vệ môi trường. Mặt khác, nếu tạo điều kiện cho một doanh nghiệp, khó tránh khỏi doanh nghiệp khác sẽ nhìn vào đó để vi phạm...

Việc xả thải ra môi trường vượt quy chuẩn không thể nói là không do chủ quan. Quá trình sản xuất đòi hỏi phải có hệ thống xử lý nước thải, nước thải trước khi ra môi trường phải được quan trắc. Đó là chưa kể hệ thống xử lý nước thải phải được bảo trì, nâng cấp thường xuyên. Đối với nhà máy trên, sau khi xử phạt, các cơ quan chức năng đã yêu cầu phải xây dựng hồ sự cố chứa nước thải và gấp rút lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Do đó, dư luận đặt câu hỏi, liệu chăng có sự lơ là, đánh đổi của doanh nghiệp?

Môi trường chính là cuộc sống. Bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh được cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đặc biệt chú trọng. Điều này được thể hiện rất rõ trong Luật Bảo vệ môi trường, các nghị định, thông tư, mức xử phạt rất cao đối với các nhà máy, doanh nghiệp nếu để xảy ra các vi phạm làm ô nhiễm môi trường.

Trở lại với doanh nghiệp trên, vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp còn bởi họ đang kinh doanh ở lĩnh vực chế biến thực phẩm, liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng. Liệu chăng ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp đã đủ lớn để bảo vệ sức khỏe của toàn cộng đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu sang những thị trường rất khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn không chỉ dừng lại ở bảo vệ môi trường, mà môi trường làm việc, đời sống người lao động, trách nhiệm với cộng đồng… Bản thân doanh nghiệp chắc chắn hiểu điều này.

Mở rộng ra một sự việc liên quan, tháng 10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo bằng “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện các giải pháp, ngành thủy sản đạt được một số kết quả, song mục tiêu lớn nhất là gỡ “thẻ vàng” chưa đạt được. Ảnh hưởng từ “thẻ vàng” là điều đã được chứng minh, xuất khẩu hải sản của Việt Nam thời gian gần đây vào châu Âu giảm 35% so với năm 2017 và 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường này.

Trong trường hợp nếu bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Đây còn là thị trường “tín chỉ” nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Muốn tham gia sân chơi lớn, rộng hơn thì doanh nghiệp phải tuân thủ tất cả các quy định hiện hành. Khi thế giới dần chuyển sang đánh giá chất lượng, hiệu quả kinh doanh không chỉ ở sản phẩm mà cả uy tín, đời sống người lao động, bảo vệ môi trường… thì doanh nghiệp cần nắm rõ và chuẩn bị những “kịch bản” tốt cho chiến lược kinh doanh của mình.

Đã đến lúc cần có tư duy, chiến lược kinh doanh vươn tầm. Khi đó con đường để doanh nghiệp tiến ra thị trường quốc tế mới rộng mở và hanh thông.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới
Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn

Nhà máy xử lý rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, TX. Hương Thủy) do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB đầu tư xây dựng, với kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 1/2024, góp phần rất quan trọng giải bài toán đầu ra cho việc xử lý rác thải hiệu quả và đảm bảo môi trường ở Thừa Thiên Huế - vấn đề nhức nhối của địa phương khi các bãi chôn lấp rác ở Thủy Phương đã đầy và cuộc sống người dân bị đảo lộn bởi mùi hôi thối từ các hố chôn lấp.

Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn

TIN MỚI

Return to top