ClockThứ Hai, 19/07/2010 21:40

Nếu một ngày nào đó, người Huế không còn gọi Mạ...

TTH -   “ Thực ra thì anh em chúng tôi đều luôn nghĩ về Huế và tâm niệm làm được một việc gì đó cho quê nhà. Đội ngũ KTS người Huế mình ở TP Hồ Chí Minh đông lắm. Đôi khi cũng muốn đóng góp, muốn tham gia vào một vấn đề cụ thể nào đó về kiến trúc. Tiếc là lâu nay, chúng tôi chưa nhận được một lời mời nào. Có thể chỉ là một lời mời chung trên trang thông tin của báo Sài Gòn Giải phóng thôi chẳng hạn... “ TS- KTS Nguyễn Phước Thiện ( Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh ) đã nói như thế trong một lần gặp gỡ vào một tối Huế mưa ...


Tôi gửi cho anh vài câu hỏi về dấu ấn của kiến trúc Huế trong hoài niệm của anh, về sự thay đổi nào đó và những đề nghị, theo cách nhìn nhận của anh cho trang báo Thừa Thiên Huế...Nguyễn Phước Thiện đã nhận lời, nhưng sau đó, thay cho câu trả lời , anh mail lại cho tôi bài viết này. Ở đó, bạn đọc sẽ nhận ra tình yêu và nỗi nhớ Huế nhưng nhức đằng sau những con chữ...

                                                                         Hạnh Nhi
 
Nếu một ngày nào đó, người Huế không còn gọi Mạ...
 
 
Tôi và gia đình xa Huế lúc tôi đang học trung học. Với lứa tuổi đó thì chuyến ly hương đối với tôi không hề có một chút buồn bã nào, chỉ háo hức. Những năm tháng sống ở Sài Gòn, nỗi háo hức của tuổi trẻ trước những cái mới sẽ hoàn toàn hơn nếu mỗi bữa cơm, tôi không phải nghe những lời than vãn của ba mạ tôi.
 
Ba tôi thì cứ than vãn mãi về cách xưng hô của người Sài Gòn. Cháu chắt gì mà cứ gọi ông bà trống không, “Nội ơi, Ngọai ơi”. Mạ tôi thì cứ buồn bã vì không thể có được con cá nục chuối của Huế để kho cho đúng hương vị Huế, không có trái dưa gang để chấm với ruốc cho chồng con ngon miệng. Lúc đó, tôi tự nhủ rằng, ba mạ tôi quá địa phương chủ nghĩa. “Nội ơi, Ngọai ơi” thì khác gì “Thưa ôn, Thưa mệ”, miễn là tấm lòng thôi chứ. Cá nục Huế và cá nục Vũng Tàu thì khác gì nhau? Môn vạn vật tôi học chỉ có cá nục mà thôi, làm gì có sự khác nhau giữa con cá nục Huế và con cá nục Vũng Tàu...?
 
 

Hoài nhớ
 
Nhưng rồi cũng đến lúc tôi bắt đầu so sánh Huế và Sài Gòn. Huế của tôi đi chơi không tốn tiền nhiều ,thậm chí không có tiền cũng được. Chỉ cần một chiếc xe đạp là tôi có thể lên Thiên An, xa hơn chút nữa thì lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức . . . còn gần hơn thì Đại Nội. Có chút tiền thì chè Cồn Hến. Thậm chí không có xe đạp thì cứ lang thang trên đường Lê Lợi mà mỗi lần đi, tôi đều có một cảm nhận khác nhau. Ở Sài Gòn thì cái gì cũng cần có tiền. Thế là tôi bắt đầu nhớ Huế. Nhớ đến da diết, nhớ đến khóc được. Nhưng tiền đâu mà về Huế, dù chỉ đi xe đò! Thế là cứ mỗi buổi sáng, tôi gắng dậy sớm lúc 5 giờ để đi bộ ra bến xe Lê Hồng Phong (Sài Gòn), tìm bến xe đi Huế ở đâu để nghe được giọng Huế, thấy được những người Huế, thấy họ được về Huế, nghe được những chuyện đang xảy ra ở Huế. Cái ước mong về thăm Huế không khi nào nguôi ngoai trong tôi.
 
Khi đã có được nghề nghiệp ổn định, kinh tế có khá lên, tôi về Huế. Chuyến về Huế thứ nhất vào mùa hè năm 1994. Tôi vui sướng vì được nói tiếng Huế suốt ngày, ăn cơm với cá nục, dưa gang . . . và tôi thấy mạ tôi nói đúng. Huế lúc đó cũng đã thay đổi nhiều, nhưng tôi chỉ cảm nhận một cách cảm tính. Tôi vui chơi và nghiên cứu kiến trúc – quy họach nơi chôn nhau cắt rốn của tôi trong 15 ngày. Khi tổng hợp tư liệu để báo cáo nghiên cứu của mình, tôi phát hiện ra môt vài quy luật của kiến trúc và quy họach của Huế. Nhưng để vận dụng những quy luật đó vào cuộc sống thì không có điều kiện áp dụng. Tuy vậy tôi vẫn âm thầm nghiên cứu với hy vọng rằng, sẽ có cơ hội trình bày với những đồng nghiệp về những phát hiện của mình. Nhưng rồi cơ hội vẫn ở phía trước và thời gian cứ thế mà trôi. Nỗi mong ước muốn làm một cái gì đó cho Huế vẫn cứ đau đáu trong tôi. Gặp bạn bè, đồng nghiệp gốc Huế và yêu Huế, tôi phần nào nguôi ngoai vì rất nhiều người cũng có ước muốn như mình. Nhưng đôi lúc chính họ cũng làm tôi buồn. Họ cho rằng đối với Huế thì người Huế chỉ yêu được từ xa mà thôi. Thật vậy sao ?
 
Rồi thời gian cứ trôi, cuộc sống cứ kéo tôi theo và đôi lúc ước muốn chìm sâu đâu đó. Nhưng mỗi lần có cái gì đó liên quan đến Huế xuất hiện thì nỗi mong ước lại trỗi dậy mãnh liệt.
 
Khi học về phát triển đô thị, tôi thấy có những điều lý thú bên cạnh nhưng nghiên cứu của tôi, nhưng vẫn chưa tìm được những lý luận gốc rễ để vận dụng cho Huế. Về nước, tôi đi Huế một lần nữa và vỡ ra một điều rằng : buớc đầu hình thành một đô thị thường tuân theo tư tưởng chủ quan của người lãnh đạo, nhưng yếu tố quan trọng bậc nhất để phát triển một đô thị thì hoàn toàn do phong cách của người bản địa quyết định. Nếu như Huế chỉ có thành quách, lăng tẩm thì liệu Huế có phải là Huế trong tâm tưởng của chúng ta hay không? Bên cạnh cái lạnh thấu xương thấu tủy của mùa đông Huế, tôi còn nhớ đến tiếng rao “lộôn” của người bán hột vịt lộn ban đêm. . . Biết bao cái nữa không sờ mó được nhưng làm cho mình ”lòng cuồng điên vì nhớ”...
 
Tôi nghĩ rằng, đó là chất Huế mà văn hoa một tí gọi là phong cách Huế. Nhưng cái gì sinh ra phong cách Huế? Người ta vẫn nói đến văn hóa Huế, nhưng văn hóa Huế có phải là phong cách Huế hay không? Mối tác động qua lại giữa phong cách và đô thị ở Huế xảy ra như thế nào? Đó là những câu hỏi mà tôi chưa thể giải đáp được vào thời điểm nói trên, nhưng tôi vẫn đi tìm. Tôi tìm ra rằng, Huế thiếu một cái gì đó để phát triển đúng phong cách Huế. Có người (cũng là người Huế) bảo với tôi rằng, Huế được tóm gọm trong 3 điều đáng yêu và 3 điều đáng ghét : đáng yêu thứ nhất là phong cảnh Huế, đáng yêu thứ hai là món ăn Huế, đáng yêu thứ ba là phụ nữ Huế; đáng ghét thứ nhất là thời tiết Huế; đáng ghét thứ hai là dư luận Huế và đáng ghét thứ ba là đàn ông Huế. Không biết các bạn nghĩ như thế nào nhưng riêng tôi thì cho rằng, đây là một khái quát tốt nhất để hiểu Huế của chúng ta.
 
Trong chương trình học quy hoạch du lịch, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra rằng cái Huế thiếu (và cũng không riêng gì Huế mà cả nước đang thiếu) là một khâu quan trọng khi tiến hành xây dựng cơ sở vật chất cho cuộc sống. Đó là thiết kế đô thị. Khi nghiên cứu sâu về môn học này, tôi đem so sánh với Huế trong tâm khảm của tôi thì tôi nhận thấy rằng, trong quá khứ, Huế được xây dựng trên lý thuyết phong thủy của Trung Quốc nhưng những gì còn lại của Huế rất đúng với lý thuyết thiết kế đô thị của phương Tây mà cao trào nhất là Mỹ. Thiết kế đô thị là một khâu bắt buộc phải tiến hành sau khi quy họach đô thị và trước khi xây dựng công trình. Thiết kế đô thị không chỉ giúp cho chúng ta trong việc định dạng diện mạo của đô thị mà còn là một công cụ quản lý trong quá trình phát triển đô thị. Tôi rất mừng vì gần như những hướng đi để trả lời những câu hỏi mà tôi vẫn đau đáu về Huế đã được xác định.
 
Tháng 12 năm 2000, tôi về Huế. Tôi đối chiếu những gì mà tôi biết được với thực trạng quy họach - kiến trúc của Huế và biết rằng, mình đã có hướng đi đúng. Tôi chủ động liên lạc với Khoa Kiến trúc của Đại học Huế để đề nghị cho tôi giảng dạy một buổi. Đề nghị này nhằm hai mục đích : để kiểm tra “đối với Huế thì người Huế chỉ yêu được từ xa mà thôi” có đúng hay không? Câu trả lời là : với cả tình yêu Huế và lòng trung thực thì có thể yêu được. Mục đích thứ hai là xem thử phản ứng của những kiến trúc sư tương lai đối với một vấn đề mới như thế nào. Trong buổi đó, bên cạnh về đề tài máy tính, tôi đã thử đưa ra một số ý kiến về thiết kế đô thị. Tôi nhận được sự hưởng ứng một cách nồng nhiệt. Nhân đây, tôi xin gởi lới cám ơn thầy Tịnh của khoa Kiến trúc đã tạo cho tôi một cơ hội để tỏ tình với Huế.
 
Trở lại với công việc thường ngày nhưng tôi vẫn không quên những nghiên cứu của tôi về Huế và mong đợi một ngày nào đó sẽ có cơ hội trình bày. Vào tháng 10 năm 2002, một sinh viên đã tặng tôi một tập kỷ yếu của hội thảo “Tạo lập diện mạo kiến trúc đô thị đặc trưng cho thành phố Huế”. Chỉ đọc chủ đề, tôi đã thấy có một cái gì đó không ổn. Tôi cố gắng đọc 3 lần và rút ra được một nhận xét : Huế không biết mình đang có cái gì một cách cụ thể. Theo tôi, chủ đề của hội thảo nên là : “ Đặc trưng của kiến trúc đô thị Huế, kế thừa và phát huy”. Tôi đề nghị như vậy bởi nguyên nhân : Huế đã từng có một diện mạo đô thị, chúng ta cần phải hiểu một cách cụ thể nhưng yếu tố và quy luật phối hợp các yếu tố đó. Từ những kết quả chúng ta mới ứng dụng cho ngày hôm nay.
 
Năm 2003, tôi và gia đình về thăm Huế. Tôi làm hướng dẫn viên cho vợ (cũng là KTS ) và hai con tôi thăm Huế. Đồng thời nêu ra một số suy nghĩ trong nghiên cứu của tôi. Gia đình khuyên tôi không nên nói những điều này ra một cách rộng rãi. Gia đình tôi cho rằng, giá trị của nghiên cứu thì họ chỉ nắm được một phần và đồng ý với những gì tôi nêu ra, nhưng nội dung quá thẳng thắng thì có nên hay không? Tôi suy nghĩ rất kỹ và lại chập chờn câu nói “đối với Huế thì người Huế chỉ yêu được từ xa mà thôi”.
 
Thời gian không chờ đợi một ai cả. Cứ chập chờn đi.
 

Mạ!
 
Năm 2005, tôi lại về Huế. Lần này thì tôi gần như hoàn toàn sống (ngọai trừ một buổi giảng bài ở Khoa Kiến Trúc) với Huế và tôi đã thấy hai hiện tượng phổ biến làm tôi lo ngại cho phát triển của đô thị Huế cả về kiến trúc lẫn quy họach :
·        Hiện tượng thứ nhất là đang giờ làm việc mà ở trong quán cà phê, nhiều bàn chỉ có phụ nữ.
·        Hiện tượng thứ hai trẻ em ở Huế hình như không còn gọi là MẠ nữa mà chỉ gọi là Me hay Mẹ.
 
Không biết tôi quá khắt khe khi nhận xét hiện tượng thứ nhất hay không, nhưng hiện trượng thứ hai thì tôi thật sự lo ngại. Tôi cho rằng, hiện tượng tiếng MẠ mất dần là một dấu hiệu khởi đầu cho sự thay đổi của phong cách sống của Huế. Tôi chỉ dám dùng từ thay đổi thay vì từ suy thóai bởi tôi không biết được điều đó tốt hay xấu, nhưng chắc chắn một điều : nếu không còn giữ được phong cách Huế thì đô thị Huế sẽ không còn như ta mong ước nữa.
 
Như tôi đã nói ở trên, yếu tố quan trọng bậc nhất để phát triển một đô thị thì hoàn toàn do phong cách của người bản địa quyết định. Điều này có nghĩa là phong cách thay đổi thì đô thị thay đổi. Vấn đề đặt ra là : nếu cần thiết phải thay đổi một số yếu tố trong phong cách Huế để phát triển thì chúng ta chấp nhận những yếu tố nào ? Để giải quyết vấn đề này, tôi đề ra một số câu hỏi như sau :
 
1.      Ai cũng bảo Huế đẹp, nhưng cụ thể (hết sức cụ thể từ con đường, gốc cây, cột đèn, . . .) là cái gì đẹp ?
2.      Giữa những cái đẹp đó và phong cách Huế có mối liên hệ nào không ?
3.      Những cái đẹp nằm cạnh nhau chưa chắc đã tạo ra một tổ hợp đẹp, vậy thì quy luật nào chi phối sự kết nối giữa các yếu tố để có tổ hợp đẹp ?
4.      Có thật sự tồn tại một kiến trúc Huế hay không ? Hay chỉ tồn tại kiến trúc cho người Huế mà thôi.
 
Không thể trong một thời gian ngắn để trả lời được những câu hỏi trên. Theo kế họach tôi sẽ cố gắng hoàn tất nó. Rất mong cơm áo gạo tiền không ảnh hường đến kế họach này. Lúc đó tôi sẽ gởi những câu trả lời cho những người mà tôi luôn yêu mến.
KTS Nguyễn Phước Thiện
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Return to top