Thế giới

Nga đề xuất quá trình cải cách 18 tháng cho Syria

ClockThứ Tư, 11/11/2015 07:23
TTH.VN - Nga muốn Chính phủ Syria và phe đối lập đồng ý thực hiện quá trình cải cách hiến pháp trong vòng 18 tháng, tiếp sau đó là cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn, theo một bản dự thảo do tờ Reuters độc quyền có được hôm 10/11.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay với người đồng cấp Syria Bashar al-Assad trong một cuộc hội đàm tại điện Kremlin ở Moscow, Nga ngày 20/10. Ảnh: Reuters

Văn bản đề nghị gồm 8 điểm do Moscow vạch ra trước thềm cuộc đàm phán quốc tế về Syria sắp diễn ra cho biết: “Tổng thống do dân bầu của Syria sẽ có chức năng làm tư lệnh trưởng của các lực lượng vũ trang, kiểm soát những hoạt động đặc biệt và quản lý chính sách đối ngoại”.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng phủ nhận sự tồn tại của tài liệu này. “Thông tin không tương ứng với thực tế”, người phát ngôn Maria Zakharova nói.

Theo tài liệu trên, các bên liên quan tại Syria phải đồng ý những bước cải cách trong một cuộc họp tương lai do Liên Hợp Quốc (LHQ) chủ trì. Bên cạnh đó, quá trình cải cách sẽ không do ông Bashar al-Assad dẫn dắt, mà do một ứng cử viên được tất cả các bên nhất trí.

Nga và Iran là đồng minh hàng đầu của ông Assad trong cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm tại Syria. Trong khi đó, Mỹ, các nước đồng minh vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết khẳng định ông Assad phải từ bỏ quyền lực để Syria có được hòa bình.

Thời gian gần đây, Moscow tăng cường các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải mất nhà cửa. Tại vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ở Vienna (Áo) cuối tháng trước, Nga muốn các nhóm đối lập Syria tham gia vào cuộc thảo luận trong tương lai, cũng như có được danh sách những lực lượng này.

Phản đối gay gắt

Quan điểm rõ ràng của phương Tây về quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho thấy, đề xuất của Nga đang đứng trước nguy cơ bị phản đối gay gắt.

“Làm thế nào chúng ta có thể mang lại hòa bình cho một quốc gia đã trải qua cuộc chiến tranh dân sự luẩn quẩn mà không loại bỏ nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng này?”, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond hôm 9/11 phát biểu.

“Chúng tôi không tin rằng chúng tôi có thể đưa các nhóm đối lập tham gia vào tiến trình chính trị và đạt được lệnh ngừng bắn có hiệu lực, cho đến khi chúng tôi có thể biết rõ thời điểm mà Tổng thống Assad phải ra đi trong tiến trình chuyển giao quyền lực”, ông Hammond nói với các phóng viên tại LHQ.

Trước đó, ông Assad đã thắng áp đảo cuộc bầu cử với nhiệm kỳ mới kéo dài 7 năm hồi tháng 6/2014. Tuy nhiên, đối thủ của ông lập tức bác bỏ kết quả này và xem những lá phiếu là “một trò hề”, đồng thời khẳng định Quốc hội 4 năm của Syria sẽ chính thức hết hiệu lực vào tháng 5 tới đây.

Tài liệu do Reuters có được cũng cho biết rằng, phe đối lập Syria giữ một phần quan trọng trong tiến trình chuyển đổi chính trị và họ phải tạo lập một “phái đoàn thống nhất”. Trong đó, “họ nên chia sẻ những mục tiêu của việc ngăn chặn khủng bố, cũng như bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị cho Syria”, tài liệu nói thêm.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, dự thảo đề xuất của Nga sẽ gặp nhiều khó khăn để nhận được sự nhất trí của các nước đang phản đối chính quyền Assad.

“Tài liệu này không phù hợp với rất nhiều người”, một nhà ngoại giao phương Tây nhận định và nói rằng những người không đồng ý với cách giải quyết của Nga đang thực hiện các công việc cần thiết nhằm đảm bảo nội dung của văn bản không thể trở thành cơ sở của các cuộc đàm phán.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova cho hay, Nga sẽ tập trung vào hai vấn đề chính tại cuộc họp Vienna: “đầu tiên là tìm hiểu và hệ thống hóa những lực lượng mà chúng ta xem là khủng bố ở Syria cũng như trong khu vực. Thứ hai là thiết lập một danh sách các phe đối lập Syria để có thể tiến hành các cuộc đàm phán với Damascus”.

Cũng theo tài liệu do Reuters nhận được, “hoạt động chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố khác chắc chắn phải được loại trừ”.

Lê Thảo (lược dịch từ Reuters & RT)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các tổ chức nhân đạo cảnh báo về nắng nóng khi mùa hè đến gần

Theo Hãng Thông tấn The Straits Times ngày hôm nay (29/3), hai tổ chức nhân đạo hàng đầu thế giới vừa lên tiếng cảnh báo, nắng nóng khắc nghiệt là một trong những vấn đề gây nguy hiểm nhất do biến đổi khí hậu; mặc dù vậy, vấn đề này ít được quan tâm hơn so với các tác động dây chuyền khác, chẳng hạn như bão và lũ lụt.

Các tổ chức nhân đạo cảnh báo về nắng nóng khi mùa hè đến gần
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu để theo dõi các chủng virus corona

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra mắt một mạng lưới mới về các chủng virus corona, CoViNet, để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm và chính xác về SARS-CoV-2, MERS-CoV, cũng như các chủng virus corona mới, có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu để theo dõi các chủng virus corona
1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói

Theo một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố ngày 27/3, trong khi 2,4 tỷ người trên thế giới (tương đương 1/3 nhân loại) phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng hoặc vừa phải và 783 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói, thì hơn 1 tỷ bữa ăn đang bị lãng phí mỗi ngày.

1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói
Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon

Hãng Thông tấn Reuters ngày 27/3 đưa tin, Brazil và Pháp vừa khởi động một chương trình đầu tư, nhằm mục tiêu bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil và Guyana, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ euro (tương đương 1,1 tỷ USD) từ các nguồn quỹ công và tư nhân trong vòng 4 năm tới.

Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon
Return to top