ClockThứ Hai, 25/05/2015 10:03

“Ngẫm cảnh mình buồn thúi ruột...”

TTH - Căn nhà trống tuềnh trống toàng. Những bức tường bằng bờ lô không tô trát đã rêu mốc. Ngồi trên chiếc giường cũ kê tựa vào tường, bà Lê Thị Mỳ (81 tuổi, cô đơn không chồng con, trú tại xóm Cát, tổ 5, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà) đang cố gắng “chống chọi” lại những cơn run ở chân -căn bệnh bà mắc phải nhiều năm nay.

Thấy có khách đến, bất giác những giọt nước mắt từ đôi mắt già nua ứa ra, lăn xuống gương mặt nhợt nhạt của bà lão sống một mình trong cô quạnh, bệnh tật. Đưa ống tay áo lau nước mắt tủi phận, bà Mỳ ngậm ngùi kể hồi còn trẻ, cũng như bao người khác, bà mong muốn có chồng con, có gia đình để nương tựa vào nhau, vui vầy đầm ấm. Nhưng số phận bà kém may mắn. Mong ước rất đỗi bình thường đó đã không thành hiện thực. Phụ giúp cha mẹ nuôi em. Rồi mẹ mất. Cha bệnh nằm một chỗ suốt bốn năm trời, bà lại là người vừa lao động kiếm tiền vừa chăm sóc cha cho đến lúc cụ xuôi tay nhắm mắt. Ngày nối ngày, năm qua năm, bao nỗi vất vả chất chồng khiến tuổi xuân của một đời người qua đi lúc nào chẳng hay.

Bà Mỳ khóc nghẹn ngào, tủi phận già cả cô đơn bệnh tật
Thèm được làm mẹ, thèm nghe tiếng trẻ bi bô cho cuộc sống bớt cô quạnh, bà Mỳ đem con trai của người anh ruột, mới 2 tuổi về nuôi nấng. Người phụ nữ tuổi xế chiều lại cố sức làm lụng gấp hai, gấp ba, chẳng quản cực nhọc, chăm bẵm, dồn hết mọi yêu thương, coi cháu như con đẻ. Nhưng hạnh phúc không mỉm cười với bà Mỳ. “Chị tui nuôi cháu lớn khôn, dựng vợ gả chồng cho hắn, nhưng khi già yếu, bệnh tật, chị lại chưa từng được cháu quan tâm” - Bà lão tóc bạc phơ, em gái ruột của bà Mỳ buồn rầu. Nước mắt lăn dài, bà Mỳ liên tục vuốt ngực, chừng để vơi bớt nghẹn ngào, run run bảo em đừng nhắc đến chuyện buồn, chuyện tủi…
Chiều đã muộn, bà Mỳ vẫn chẳng “động tĩnh” gì chuyện cơm cháo. Góc nhà chỏng chơ những cành cây khô cạnh ba hòn gạch (có lẽ dùng làm bếp) lạnh ngơ lạnh ngắt. Như đọc được suy nghĩ của khách, người em gái ruột phân trần, trước đây nhà bà Mỳ bằng tre tạm bợ. Bếp chính là mấy viên gạch nơi góc nhà. Cách đây mấy năm, từ số tiền 15 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng và cho mượn 8 triệu không tính lãi, đối với hộ nghèo), bà Mỳ xây được ngôi nhà tường bờ lô như bây giờ, bớt đi nỗi lo mưa bão. Hai năm trước, khi bệnh run chân chưa nặng, bà Mỳ vẫn gắng ra ruộng mót lúa, lượm củi khô, nhóm lửa nấu chút thức ăn đạm bạc. Suốt hai năm nay, tuổi già và bệnh tật khiến bà hầu như quanh quẩn trong nhà, cuộc sống càng khó khăn hơn. Năm 80 tuổi, bà bắt đầu được hưởng chính sách đối với người già cô đơn, mỗi tháng 180 nghìn đồng. Cũng có những người tốt bụng thi thoảng mang đến cho bà Mỳ ít gạo, chút tiền. Hai bà lão tóc bạc kể về nghĩa cử đó với tình cảm biết ơn, trân trọng. Tuy nhiên, khó khăn và thiếu thốn vẫn là một “thách thức” với một người già bệnh tật và neo đơn như hoàn cảnh bà Mỳ. “Chị tui vừa bị bệnh run chân, vừa cao huyết áp. Ngồi một lúc, lên cơn chóng mặt nhức đầu phải nằm xuống. Lúc nào khỏe lắm mới lần được ra ngõ. Mỗi ngày chị chỉ ăn nửa lon gạo. Khi khỏe chị tự găm nồi cơm điện, lúc chị yếu quá, tui bưng cho miếng canh hoặc bát cháo qua bữa, nên lâu lắm rồi bếp chị chẳng nhóm lửa”- em gái bà Mỳ kể.
Mọi sự hỗ trợ xin gửi về bà Lê Thị Mỳ (trú tại xóm Cát, tổ 5, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP Huế.
Nơi nương tựa của bà Mỳ cũng “chênh vênh” lắm, vì người em gái tuổi gần 80 nhưng vẫn còn phải đi giúp việc nhà cho người ta để kiếm chút tiền mưu sinh. Người em ngậm ngùi: “Tui già lắm rồi, cũng khó khăn nhưng may mắn hơn chị. Còn chị suốt tuổi trẻ hết làm lụng phụ giúp cha mẹ nuôi em, nuôi cha bệnh, nuôi cháu… Đến cuối cuộc đời lại cô đơn, bệnh tật. May Nhà nước hỗ trợ cho làm ngôi nhà, không còn phải sống cảnh tạm bợ. Nhưng tiền không đủ nên không làm được nhà vệ sinh. Chị già yếu bệnh tật, không người nương tựa, không có nhà vệ sinh… bất tiện, nan giải quá. Nhất là những lúc đêm hôm mưa gió”.
“Đêm năm canh dài đằng đẵng, càng ngẫm cảnh mình càng buồn thúi ruột. Phải chi…”. Câu nói giữa chừng chợt nghẹn, bà Mỳ lại ứa nước mắt. Theo ông Lê Văn Cưỡng, tổ trưởng tổ dân phố, hoàn cảnh của bà Mỳ thực sự rất đáng thương, cần lắm sự sẻ chia, giúp đỡ.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xin giữ lại tương lai cho Hải bằng máy hỗ trợ nhịp tim

Từ nhỏ, Phan Thị Hải đã bị bệnh tim bẩm sinh. Tưởng chừng tương lai tươi đẹp của em đã được mở ra khi em được phẫu thuật đặt máy hỗ trợ nhịp tim thành công lúc 9 tuổi và trở thành cô sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Nhưng khi cuộc sống vốn dĩ trôi qua bình thường, thì sóng gió ập tới, căn bệnh tim của em lại tái phát.

Xin giữ lại tương lai cho Hải bằng máy hỗ trợ nhịp tim
4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà

Khi màn đêm buông xuống, trong lúc ai nấy quây quần bên mâm cơm gia đình, thì có 4 đứa trẻ mồ côi (ở thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang), không nhà cửa, không bố, người mẹ vừa quẫn trí treo cổ tự tử, ngơ ngác trước bàn thờ mẹ bảng lảng khói hương. Chiếc bàn thờ cũng đặt nhờ trong căn nhà bé xíu của một người họ hàng.

4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà
Xin yêu thương đến với hoàn cảnh cháu Thanh Phúc

Gia đình anh Hồ Văn Sơn là hộ nghèo của xã Lâm Đớt, huyện A Lưới. Hai vợ chồng đi làm thuê thu nhập không được ổn định. Cuộc sống khốn khó như vậy nhưng vợ chồng anh Sơn vẫn luôn cố gắng, nhất là khi cách nay 2 năm chị sinh hạ được một bé trai. Đặt tên con là Hồ Thanh Phúc với mong muốn con lớn lên may mắn…

Xin yêu thương đến với hoàn cảnh cháu Thanh Phúc
Xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà chăm sóc bố mẹ

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến thăm gia đình cháu Nguyễn Đoàn Lan Anh (SN 2002) - sinh viên năm 3 Trường đại học Ngoại ngữ Huế, ở tổ dân phố Trạch Thượng 2, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), một gia đình có hoàn cảnh thật đáng thương.

Xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà chăm sóc bố mẹ
Return to top