ClockThứ Năm, 23/05/2013 16:59

Ngậm ngùi

TTH - Kết luận của cáo trạng: “Khoảng 10 giờ 30 phút, tại Trung tâm Nuôi dưỡng xã hội tỉnh, do nghi ngờ anh T trộm cắp máy lửa và thuốc lá của anh A nên A và K đã dùng tay chân, dép đánh nhiều cái vào vùng mặt, đầu, người anh T gây thương tích. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, anh T chết do chấn thương sọ não nặng...”

Tiếng lao xao trong đám đông những người tham dự phiên tòa: “Răng ác rứa? Dã man rứa? Chỉ vì nghi ngờ người ta chứ không biết người ta có lấy hay không?” “Chỉ vì cái bật lửa với mấy điều thuốc lá mà ra tay khiến một người mất mạng. Coi sức khỏe, tính mạng của người khác không ra chi cả”...

Các bị cáo cúi mặt!

Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, cả A và K đều khai nhận hành vi phạm tội. Theo đó, khoảng 9 giờ ngày 30/9/2012, sau khi uống rượu, nghe K nói “tau biết ai lấy đồ của mi. Tau thấy 2-3 đêm ni T có lửa và hút thuốc (trước đó A mất 1 máy lửa và 1 gói thuốc lá)”... A đến phòng anh T hỏi: “Chú T có lấy máy lửa và thuốc lá của cháu không?” Anh T trả lời không thì liền bị A đá, đấm liên tiếp vào vùng đầu, mặt. Vẫn chưa yên, anh T bị K dùng chân đá, đạp nhiều cái vào vùng đầu, ngực làm ngã đập đầu xuống phản (giường ván). Ra tay với nạn nhân xong, hai bị cáo, kẻ thì về giường nằm nghỉ, kẻ thản nhiên tiếp tục uống rượu. Khoảng 16 giờ cùng ngày, anh T bị nôn mửa. Thấy vậy, K xin A quả chanh và dầu rồi cùng A xoa bóp dầu lên khắp người anh T, pha nước chanh đường cho nạn nhân uống, nhưng anh T không uống được. 3 giờ đồng hồ sau, nạn nhân tử vong.

Không khí phòng xử án đang bức bối vì những ánh mắt, những lời nhận xét phẫn nộ, như “dãn” ra chút ít. Những con người hành xử với người khác bằng hành vi mang tính hung hãn, côn đồ ấy vẫn biết hối hận, muốn sửa sai (nhưng tất cả đã quá muộn)!

Câu cảm thán “bất hạnh quá” của nhiều người dự khán, có lẽ là để dành chung cho cả bị hại lẫn các bị cáo. Bởi lẽ, họ cùng chung cảnh đời lang thang, phải vào sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng xã hội. Trường hợp nạn nhân T, đến lúc đã mất đi cuộc sống, từ giã cõi đời, vẫn không có một người thân nào bên cạnh. Sau khi anh T chết, trung tâm hợp đồng với ông H trú tại phường Kim Long mai táng chôn cất với số tiền gần 9 triệu đồng, chi trong nguồn kinh phí Nhà nước. Các bị cáo A và K, người còn mẹ, người còn cả cha và mẹ, nhưng “vắng bóng” những hành động thường gặp ở các phiên tòa khác, là tình cảm yêu thương của cha mẹ, gia đình. Đó là sự lo lắng, chăm sóc của người thân bằng cách tranh thủ “tiếp tế” đồ ăn thức uống, đồ dùng cần thiết. Và xót xa hơn cả là vắng những lời động viên họ cố gắng cải tạo tốt để được sớm trở về.

Sau khi tòa tuyên án, phạt A 5 năm tù, K 6 năm 9 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”, phiên tòa kết thúc, không có cảnh người thân bị cáo hớt hải chạy hoặc ngóng theo chiếc “xe tù”.

Theo tài liệu trong hồ sơ vụ án, được hội đồng xét xử làm rõ tại phiên tòa, về nhân thân, hai bị cáo có quãng đời người đáng trách, kẻ đáng buồn. K đã từng có 1 tiền án về tội trộm cắp, có hành vi lừa đảo, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, bị phạt hành chính; sống lang thang nên Đội Quản lý đô thị cũng “thu gom”, bàn giao cho Trung tâm Nuôi dưỡng xã hội tỉnh. Đây cũng chính là nguyên nhân bị cáo này bị mẹ của mình... từ chối, thiếu vắng tình yêu thương.

Còn K, sau khi cha mẹ ly hôn, K lúc này mới 5 tuổi sống lang thang với mẹ tại gầm cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba. Không đi học văn hóa, lớn lên K làm nghề bốc vác, chở hàng thuê ở chợ Đông Ba. Cách đây 13 năm, người mẹ về ở thuê tại phường Phú Hiệp (TP Huế), riêng K sống lang thang cho đến năm 2012, Đội Quản lý đô thị TP Huế đưa về trung tâm nói trên.

Đáng lẽ, để được hòa nhập với cuộc sống bình thường, có những ngày tháng tốt đẹp hơn, những người như họ phải biết cố gắng vươn lên. Vậy nhưng, vì buông trôi, thiếu rèn luyện đến nỗi cả hai vi phạm pháp luật với tính chất nghiêm trọng dẫn đến làm người khác mất mạng. Cái “giá” mà họ phải “trả” là điều tất yếu. Hành vi của họ thật đáng trách, nhưng những người tham dự phiên tòa hôm ấy không ai không khỏi có chút ngậm ngùi.

Duy Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top