ClockThứ Năm, 20/08/2015 21:04

Ngẫm từ ký sự của Lê Khai

TTH - “Bỗng nhiên tôi cụt hứng” là tên ký sự in trong cuốn sách “Nỗi nhớ” của Lê Khai xuất bản cách đây 21 năm (tháng 11/ 1994). Bài viết tuy ngắn, nhưng vấn đề được tác giả nêu ra (đúng hơn là kể lại) thì lại rất dài và chưa hề cũ đối với những gì đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay. Cảm nhận ấy chợt đến với tôi khi tình cờ được đọc “Bỗng nhiên tôi cụt hứng” trong một lần lục tìm tư liệu gần đây.

 

Bài viết đưa người đọc ngược trở về 32 năm trước ở một làng quê thuần nông cách trung tâm thành phố Huế không xa. “Nghe xã ấy chuẩn bị gặt chiêm, làm nghĩa vụ lương thực, thuế nông nghiệp vụ hè thu 1983 sớm hơn các nơi khác, tôi cùng hai cán bộ cơ quan đi về đấy rút kinh nghiệm để có kế hoạch tuyên truyền cho sát thực tế. Chuyến đi có tôi, Hòa và Minh, một già hai trẻ. Kẹp xắc vào “poóc ba ga” ngồi trên “ngựa sắt” xăm lốp tốt, phanh rất ăn, chúng tôi thong dong lên đường. Buổi sáng mùa hè ở Huế đẹp và mát. Ra vùng nông thôn, khí trời, hương cỏ cây và gió mơn man càng làm con người khoan khoái hơn” (1). Mở đầu bài ký sự tác giả đã cho biết lý do, thời gian, số lượng người, đặc biệt là phương tiện sử dụng là “ngựa sắt” chứ không phải là “xe con” của một chuyến đi thực tế về một cơ sở điển hình nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền.

 

Ba “thầy trò” đạp xe tới nơi, thì được biết xã này đang họp HĐND, nên lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban và Ban quản trị đều bận dự họp. Đã quen với tình huống như thế, tác giả và hai đồng nghiệp tranh thủ tiếp cận với cán bộ văn phòng, kế toán, kế hoạch…rồi đi thăm đồng, hỏi han một số bà con xã viên đang canh tác “nghe chuyện làm phân, việc khoanh bảy vùng chống úng để đem giống lúa mới vào, rồi chuyện đời sống, lương thực, thuế nông nghiệp, tận mắt quan sát lúa cao sản, ruộng thanh niên, kênh mương thủy lợi… nhiều cái gây cho chúng tôi ấn tượng thích thú về con người, cuộc sống đang lên ở nơi này” (2). Đang trong tâm trạng vui và phấn khích ấy, họ trở lại trụ sở hợp tác xã vào tầm gần trưa. Gặp anh C, cán bộ văn phòng, cho biết Đảng ủy và Ban quản trị còn bận chưa gặp được. Không bỏ phí thời gian chờ trình diện lãnh đạo, họ kéo nhau đi xem nhà kho, sân phơi…, rồi mới vào nhà. Người tiếp họ là anh P cán bộ kế hoạch của HTX cũng vừa mới đi thăm đồng về. Lúc đầu có vẻ ngại ngần, anh nói: “Em là người ngoài Đảng giúp việc về kế hoạch, không có quyền hạn được báo cáo”, nhưng sau khi nghe nói rõ là không hỏi vấn đề gì về Đảng, hay những chủ trương, nhận định của cấp ủy và ban quản trị, chỉ muốn anh nói về những điều anh biết trong việc chuẩn bị vụ hè thu. Như khơi đúng mạch, anh kể thật tự nhiên, mộc mạc, vừa vui vẻ, vừa chân chất. Nhờ thế, mà họ được biết thêm nhiều thông tin nóng hổi và sinh động đang diễn ra nơi đây.

 

Lúc 12 giờ trưa mà các phòng ở trụ sở xã vẫn còn ăn uống rôm rả. Sốt ruột, tác giả bước vào một căn phòng (có trang bị xa lông, quạt bàn) gần đó. Được một người chỉ chỗ Bí thư Đảng ủy xã đang ngồi. “Đồng chí ấy trạc trên 50 tuổi, tóc hoa râm, cắt ngắn, mặc áo sơ mi cộc để lộ đôi bắp tay tròn to như bắp chuối mật. Hai khuy áo phía trên mở để lộ bộ ngực khá vạm vỡ, màu da thắm như mào gà. Một chiếc quạt bàn chạy rất êm cứ làm áo bay lất phất. Anh ngồi điềm nhiên, không cười, không chào lại cũng không mời tôi ngồi. Vừa xỉa răng, vừa hất hàm sang phía tôi, anh hỏi:

 

- Gì thế anh?

 

Giọng anh thong thả, âm điệu chữ sau hơi cao một chút. Tôi trả lời mềm mỏng:

 

- Báo cáo anh, tôi tranh thủ đến thăm và gặp anh buổi trưa thế này cũng phiền anh, nhưng vì có điều cần…

 

Tôi mới nói đến đó, anh đã trả lời giọng to hẳn lên:

 

- Tôi đã cho người báo cáo các anh là chúng tôi bận họp, chưa làm việc được, giờ là buổi trưa tôi nghỉ.

 

Vẫn giữ mức mềm mỏng của mình, tôi khẩn khoản:

 

- Chỉ muốn xin anh mười lăm phút thôi, anh cho cái hướng làm việc hoặc anh cho đồng chí nào nắm được vấn đề tuyên truyền vừa qua cho chúng tôi được trao đổi khoảng vài chục phút, hoặc trước giờ họp hoặc buổi tối cũng được.

 

Giọng đồng chí Bí thư càng to hơn:

 

- Giờ đang họp đây, không có thể làm việc với các anh được, mà báo cáo gì thì tôi cũng thông qua Đảng ủy, ít ra khi báo cáo cũng có hai người, mai thì chúng tôi bận khách Trung ương, ngày kia đoàn Đà Nẵng, các anh có làm thì ngày thứ tư.

 

- Anh thông cảm, ngày đó tôi lại phải về họp cơ quan, mà kế hoạch tuyên truyền lương thực, thuế, hè thu cũng gấp. Nguyên tắc làm việc như anh nói là chặt chẽ, song anh em chúng tôi chỉ xin các anh một số ý kiến về các việc trên, nhanh thôi. Sáng nay chúng tôi cũng có tìm hiểu, nghe một số anh em cán bộ và quần chúng được nhiều điều cụ thể.

 

- Ai báo cáo cho các anh?

 

- Số anh em ở chỗ làm việc và anh P cán bộ kế hoạch.

 

- Hứ! (Giọng anh trở nên gay gắt). Tôi đề nghị các anh xóa hết các điều ấy. Chúng tôi không công nhận những gì các anh lấy đó để tuyên truyền đâu đấy!

 

Một thắc mắc thoáng đến rất nhanh trong tôi. Không hiểu vì sao đồng chí Bí thư lại không tin cán bộ dưới hợp tác xã, sợ họ báo cáo sai chăng?

 

Cách nói của anh khá căng nên số người ngồi xung quanh cứ ngước nhìn rồi từ từ rút lui hết. Riêng tôi vẫn tự trấn tĩnh đáp:

 

- Không có gì không hay đâu, toàn chuyện tốt lành cả, anh đừng lo. Nhưng để cho chu đáo mà các anh lại bận thì chiều nay chúng tôi xin đi thăm đội 1 và đội 2, tối xin gặp các anh có được không?

 

- Chưa làm việc với xã thì chưa đi đội được.

 

Nén một nỗi bực tức đang muốn bung ra, tôi nhìn thẳng mặt anh, cố ghìm giọng nói ở mức bình thường:

 

- Đi về thăm đội sản xuất mà, mà…không được hở anh?

 

- Tôi không có thì giờ nói với anh nữa, tôi về.

 

Thế là anh đứng lên đeo xắc vào vai, đội mũ, không tắt quạt, không nhìn tôi, vừa xỉa răng, vừa đủng đỉnh đi ra cửa, không hề ngoái lại.” (3)

 

Giá mà sáng hôm ấy, tác giả không phi “ngựa sắt” mà ngồi trên xe con măng ca thì chắc sẽ được đón tiếp niềm nở và trọng thị.

 

Và nếu như ông tự giới thiệu mình với chức danh là “Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy” thì chắc chắn vị Bí thư Đảng ủy của một xã đang được tỉnh xây dựng điển hình kia sẽ có cách hành xử khác (thay vì ông phải “báo cáo” và “khẩn khoản xin” được làm việc thì tình thế sẽ ngược lại).

 

Câu chuyện trên đây của một thời “tỉnh dài, huyện rộng, xã to/ tỉnh lo việc tỉnh xã lo việc mình” đã lùi xa vào quá khứ. Tác giả Lê Khải khả kính đã đi xa gần mười năm hơn, không biết khi ra đi ông có còn mang theo nỗi nhớ này không. Và vị Bí thư Đảng ủy xã nọ, nếu còn sống thì năm nay đã gần tuổi “bát tuần”.

 


1,2,3 “Bỗng nhiên tôi cụt hứng” trong Nỗi nhớ, NXB Thuận Hóa 1994, Tr.64,66,67.

Lê Lan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top