ClockThứ Tư, 28/08/2019 05:15

Ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em - Bài 1: Khi phố Tây lên đèn

TTH - Không phải là điểm nóng nhưng Thừa Thiên Huế cũng là địa phương có nhiều trẻ em bị bóc lột sức lao động hoặc bỏ học giữa chừng, có nguy cơ lao động sớm.

Phong Điền: Tập huấn công tác bảo vệ chăm sóc trẻ emHỗ trợ trẻ em lao động đường phốHỗ trợ ngăn chặn trẻ em di cư tự do

Qua nhiều đêm “đeo bám”, chúng tôi nhận thấy một thực tế khá đau lòng, chính người lớn đã “cướp” đi sự hồn nhiên của những đứa trẻ khi đêm đêm chúng phải vật lộn mưu sinh ở chốn đông người – bán hàng rong nơi khu phố Tây.

 Sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giúp các em học sinh khó khăn yên tâm đến trường

Trẻ em làm việc, người lớn ngồi chơi

20 giờ 30 phút tối 20/8, tại đường Chu Văn An, một thanh niên điều khiển chiếc xe mô tô Wave cũ kỹ chở theo người phụ nữ to béo, ở giữa là đứa trẻ chừng 6 - 7 tuổi. Đến góc đường Võ Thị Sáu – Đội Cung, xe dừng lại. Sau trao đổi chớp nhoáng của những người lớn, đứa trẻ bắt đầu công việc bán dạo tại phố Tây.

Đứa trẻ đi bộ từ đường này qua đường nọ của khu phố với lời mời chào thực khách mua đậu phộng, kẹo cao su… Thấy đứa trẻ nhỏ thó, tội nghiệp, một số thực khách thương tình mua giúp. Cầm những tờ tiền lẻ trong tay, đứa trẻ đi nhanh về góc phố, nơi có người thanh niên và người phụ nữ lúc nãy đợi sẵn.

Hơn 21 giờ, tại tuyến đường Võ Thị Sáu, một phụ nữ đứng tuổi điều khiển xe Dream BKS H2 – 71... đứng đợi ở góc cua Võ Thị Sáu – Đội Cung. Chừng 5 phút, một đứa trẻ khoảng 4 – 5 tuổi chạy từ trong quán ra. Người phụ nữ lớn tiếng: “Lên xe mau!”. Đứa trẻ im lặng nhảy lên, chiếc xe phóng đi trong đêm.

Lân la nhiều đêm ở khu phố Tây, chúng tôi nhận thấy, càng về khuya, hoạt động bán hàng rong ngày càng đông. Em V.T.N.A – bán đậu phộng ở đây cho biết: “Nhà em ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, ba mẹ làm nghề buôn đồng nát. Đêm nào, mẹ cũng chở em lên khu phố Tây để bán hàng. Mỗi đêm, em cũng kiếm được hơn 100 ngàn đồng, đến khuya mới được mẹ chở về nhà ngủ”.

Một đứa trẻ khác kể: “Em tên T., năm nay 7 tuổi, nhà ở phường Hương Sơ, TP. Huế. Ba mẹ làm nghề thợ hồ. Đêm nào mẹ cũng chở em và hai chị đến đây để bán hàng rong”. Nói rồi, T. chỉ cho chúng tôi thấy các chị của mình. Người phụ nữ to béo ngồi trên mô tô BKS 43K9 – 85... chờ ở góc phố kia chính là mẹ của em.

Góc đường Võ Thị Sáu – Đội Cung (bên cạnh nhà thuốc Minh Trâm) là điểm hẹn của những người lớn thường xuyên chở trẻ em đến bán hàng rong ở khu phố Tây. Nhóm người này chỉ việc ngồi chơi, tán chuyện và chờ đợi. Mỗi khi các em bán xong hàng, lại chạy nhanh đến điểm hẹn này đưa tiền cho người lớn.

Một người chạy xe xích lô tại khu phố Tây kể: “Thương cho các em nhỏ hằng đêm phải nghe và làm theo lệnh của người lớn. Tôi tin rằng, trong số đó, có người là cha mẹ chúng, nhưng cũng có người không phải. Dù gì, người lớn không nên lợi dụng sức lao động của con trẻ bằng chính sự ngây thơ, khờ dại của chúng”.

Một trong những đứa trẻ được người lớn chở về khu phố Tây bán hàng rong

Liệu có phải đội quân “chăn dắt” trẻ em?

Theo quan sát của chúng tôi, tại khu phố Tây thường có 5 – 6 người, cả phụ nữ và đàn ông. Người phụ nữ nào cũng to béo, có người còn xăm trổ đầy mình. Đàn ông thì ốm yếu, đen thui. Theo một số khách quen ở đây, đó là những “cò mồi” chuyên “chăn dắt” trẻ em hàng đêm.

Tuy nhiên, qua trao đổi với lãnh đạo Công an địa phương, hiện chưa phát hiện ra đối tượng cò mồi, chăn dắt trẻ em nào ở khu phố Tây. Thực tế, việc người lớn lợi dụng trẻ em để bán hàng rong ở đây là có. Phần lớn, đây là những trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ công việc không ổn định. Chính người lớn đưa trẻ nhỏ đi bán hàng để dễ khiến khách rủ lòng thương.

Nhiều người sinh sống ở khu phố Tây khẳng định, những người lớn này giám sát theo kiểu ép buộc trẻ khi lao động trên đường phố. Trước đó, dư luận chấn động khi một đứa trẻ 7 tuổi, bán kẹo cao su dạo bị anh rể là Lê Viết Cường, trú tại 64A Hàn Mặc Tử (phường Vỹ Dạ, TP. Huế) đánh chết. Trong khi “giám sát”, thấy em đùa giỡn và ăn đồ ăn của khách, lơ là công việc, anh ta tức giận nên trên đường về dừng lại ở công viên, đánh túi bụi khiến em ngã đập đầu, chấn thương sọ não và tử vong sau đó. Lê Viết Cường chính là đối tượng “chăn dắt” trẻ em để kiếm cơm qua ngày.

 Điểm hẹn của những người lớn chở trẻ em đến bán hàng rong ở khu phố Tây

Nguy cơ lao động sớm

Đang học lớp 8, N.H.Q. (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) bỗng dưng nghỉ học. Ba mẹ của Q. cùng thầy giáo chủ nhiệm khuyên răn hết lời nhưng Q. vẫn kiên quyết nghỉ học. Một ngày, Q. gói ghém quần áo định vào TP. Hồ Chí Minh làm nghề may nhưng gia đình phát hiện, kịp thời ngăn cản trước khi Q. lên xe. Q. bảo rằng em không thích đi học nữa, dù có học lực khá. Từ khi nghỉ học đến nay, Q. ở nhà, phụ ba làm thợ hồ.

Bà Trần Thị Ch., mẹ của Q. rơi nước mắt: “Gia đình tôi không khá giả gì, nhưng chưa khó khăn đến mức để con phải nghỉ học làm việc phụ giúp gia đình. Dù làm thuê, làm mướn cực khổ, tôi cũng muốn cho con đến trường, ít nhất phải tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) rồi đi học nghề nhưng khuyên mãi nó không nghe. Phận làm cha mẹ khổ tâm lắm nhưng chúng tôi cũng bất lực”.

Cùng khối với Q. ở Trường THCS Lộc Bổn, N.T.T.S cũng nghỉ học giữa năm lớp 8 sau kỳ nghỉ tết vừa qua. S. kể, cùng khối lớp 8 với em còn có 7 bạn khác nghỉ học, trong đó có hai bạn đã vào làm nghề may tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, S. học làm “nail” với dự định sẽ vào Đà Nẵng hoặc sang Lào làm việc.

Thấy con còn nhỏ, chị Trần Thị T., mẹ của N.T.T.S chưa dám để cho con bươn chải. Chị thở dài: “Trước bằng tuổi nó, tôi khao khát được đến trường nhưng gia đình đông con, nghèo khó nên phải nghỉ học. Giờ bạn bè cùng trang lứa đều thành đạt, nhìn lại mình tôi cũng chạnh lòng. Vậy mà, nó có điều kiện đi học lại bỏ, tôi buồn lắm!”.

Năm học 2018-2019, xã Phú Diên có 14 học sinh thuộc các khối lớp 6, 7 và 8 nghỉ học, trong đó một số em chuyển vào miền Nam theo cha mẹ. Dù nhà trường cùng địa phương đã đến từng nhà vận động, thuyết phục nhưng các em không trở lại trường. Ở Phú Diên, học sinh thường bỏ học vào dịp sau tết, đa phần bị rủ rê bởi những lao động của địa phương đi làm ăn xa về quê ăn tết. Một số em có học lực yếu không theo kịp chương trình nên lười học.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trên địa bàn tỉnh hiện có 147 trẻ em bỏ học giữa chừng ở bậc THCS. Đa số các em nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, cũng không ít trường hợp do học kém nên muốn tìm cơ hội nghề nghiệp khác. Số trẻ này đều có nguy cơ phải lao động sớm.

Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, trẻ lao động sớm ở Thừa Thiên Huế không làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, chủ yếu tham gia với gia đình buôn bán vỉa hè, bán hàng rong, vé số hoặc làm việc trong các làng nghề thủ công. Một số em di cư làm việc ở các tỉnh phía Nam. Trẻ bỏ học đi lao động sớm đối mặt với những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu làm việc quá sức, bị xâm hại, bị bạo lực, tai nạn thương tích… trong khi các em chưa đủ kiến thức, chưa được trang bị những kỹ năng phòng tránh.

Khoản 12, Điều 6 của Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 nghiêm cấm: Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi. Điểm C, Điều 17 Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 3/10/2006 quy định, người nào lợi dụng trẻ em vào mục đích trục lợi, bắt trẻ em đi ăn xin, cho thuê, cho mượn trẻ em… bị xử lý hành chính phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng, tuỳ theo lỗi nặng nhẹ mà xử lý nghiêm trước pháp luật.

Anh Phong - Minh Hiền

Bài 2: Ngăn chặn và phòng ngừa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Ngấm ngầm mua bán trái phép hóa đơn

Dù ngành chức năng đã có những giải pháp để ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép hóa đơn (HĐ), nhưng vấn nạn này vẫn âm ỉ xảy ra trong đời sống xã hội.

Ngấm ngầm mua bán trái phép hóa đơn
“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”

TIN MỚI

Return to top