ClockThứ Sáu, 04/03/2016 14:36

Ngăn chặn từ gốc

TTH - Tại hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp sáng 3/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát yêu cầu, năm 2016 phải tập trung triển khai quyết liệt và ngăn chặn căn bản tình trạng sử dụng kháng sinh trong các sản phẩm thực phẩm. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần ngăn chặn thực phẩm “bẩn” từ gốc.

Thời gian gần đây, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một trong những vấn đề lớn, bức xúc của cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Thực phẩm bẩn rất đa dạng về chủng loại, từ rau, củ, quả tồn dư quá mức thuốc bảo vệ thực vật đến thịt gia súc, gia cầm tươi sống được nuôi bằng thức ăn pha trộn chất tăng trọng, tạo nạc; sử dụng hóa chất, chất phụ gia trái quy định để biến thịt heo thành thịt bò, thịt thối thành tươi ngon... Thực phẩm “bẩn” không chỉ xuất hiện ở khâu chế biến, tiêu thụ mà còn xuất phát từ “gốc”- nơi sản xuất, chăn nuôi. Trong đó nổi cộm là tình trạng buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi còn ở mức cao gây bất an cho người tiêu dùng. Trong đợt triển khai cao điểm Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm được phát động từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016, các cơ quan chức năng, các địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Thực tế, đa phần người sản xuất, buôn bán nhận thức rõ tác hại của thực phẩm bẩn, nhưng vì lợi nhuận, nên họ bất chấp hậu quả có thể xảy ra đối với người tiêu dùng; cũng có người vì chạy theo thị hiếu của người tiêu dùng hay do yêu cầu của các thương lái. Tuy nhiên, dù cố ý hay vô tình, trực tiếp hay gián tiếp, người sản xuất thực phẩm bẩn đang đầu độc cộng đồng. Hệ lụy của nó, không chỉ người tiêu dùng nơm nớp chuyện ăn gì, uống gì cũng sợ ngộ độc mà cả người sản xuất cũng thiệt hại do bị người tiêu dùng tẩy chay.

Trong hội nhập kinh tế hiện nay, vấn đề VSATTP càng được chú trọng hơn, nhất là các sản phẩm xuất khẩu. Thực tế, thời gian qua, không ít các lô hàng hoa quả, nông sản, thủy sản của nước ta bị các đối tác nước ngoài trả về do dư lượng chất bảo vệ thực vật, kháng sinh vượt mức cho phép; hoặc bị nước nhập khẩu tăng tỷ lệ kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ta. Điều này sẽ “giết” nền sản xuất trong nước bởi nguy cơ mất thị trường, hoặc giá cả thấp. Đơn cử như hạt tiêu. Nước ta chiếm 50% sản lượng hồ tiêu đen xuất khẩu trên thế giới, nhưng xuất khẩu bếp bênh, bởi nhiều lô hàng dư lượng chất bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.

Để ngăn chặn thực phẩm bẩn, không an toàn trước hết cần bắt đầu từ gốc- nơi sản xuất, chế biến thông qua việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, lợi ích của người sản xuất, kinh doanh về VSATTP; phổ biến, hướng dẫn người tiêu dùng hiểu biết và ủng hộ sản phẩm an toàn. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngoài việc phát hiện, xử lý những trường hợp vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm bẩn trên thị trường, cần chú trọng phát hiện ngăn chặn thực phẩm bẩn ngay từ nơi sản xuất bằng việc tăng cường kiểm tra các cơ sở, hộ nông dân trồng rau xanh, chăn nuôi; các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm…

Hoàng Giang

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức cho cộng đồng

Hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm đã và đang được kiểm tra, nhắc nhở dịp tết. Bên cạnh ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng, cơ quan chức năng còn chú trọng nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm cho người kinh doanh, người dân…

Kiểm soát an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức cho cộng đồng
Return to top