ClockThứ Năm, 10/12/2015 13:39

Ngân hàng Việt: Lo gì khi hội nhập?

Gia nhập cộng đồng ASEAN, ngân hàng phải xử lý khối lượng lớn vốn lưu chuyển. Ảnh: P.V.

Ra ngoài - Lo đạt chuẩn

Theo cam kết về tự do hóa dịch vụ trong AEC (cộng đồng chung ASEAN), đến hết năm 2015, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ và nhà đầu tư trong khối có thể tham gia tới mức 70% vốn tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng của từng nước thành viên. Có thể nói, AEC đã là bước tiến đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa hơn nữa đối với lĩnh vực tài chính so với cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong nội dung về cam kết hội nhập tài chính, các nước ASEAN đã xây dựng kế hoạch tổng thể chi tiết (AEC Blueprint) để hỗ trợ và nâng cao nhận thức cho các NHTM và các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính trong khu vực nhằm đạt được bốn mục tiêu: (i) tự do hoá dịch vụ tài chính, (ii) tự do hoá tài khoản vốn, (iii) phát triển và hội nhập các thị trường vốn và (iv) phát triển các dịch vụ thanh toán. Trong đó, các nước ASEAN đang nỗ lực tìm ra một khuôn khổ chung cho các ngân hàng đạt chuẩn ASEAN (Qualified ASEAN Banks – QABs).

Theo đó, chỉ những ngân hàng đạt tiêu chuẩn ASEAN mới được phép mở rộng hoạt động tại các nước thành viên khác và được đối xử như ngân hàng trong nước của nước đó. Trong số các tiêu chí để được cấp chứng nhận QABs có hai yêu cầu bắt buộc là mức vốn đủ lớn và quản lý tốt. Như vậy, để có thể thực sự tận dụng được sân chơi chung do cộng đồng AEC tạo ra nói riêng và vươn ra các thị trường rộng lớn hơn để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước khi gia nhập thị trường quốc tế, bản thân các ngân hàng Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định mà QABs tạo ra cũng như phải ngày càng tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế nói chung trong hoạt động ngân hàng. 

TPP - cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà

Thêm vào đó, TPP sẽ là bước ngoặt đòi hỏi Việt Nam và các nước tham gia phải cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài bán dịch vụ của mình sang thị trường các quốc gia thành viên khác mà không cần phải thành lập chi nhánh tại đó nếu các công ty trong nước tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó. Điều này đồng nghĩa với việc không cần phải có thủ tục cho phép các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con (có vốn 100% nước ngoài) như theo thỏa thuận trong WTO, khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm đa dạng hơn của các ngân hàng nước ngoài trên thị trường trong nước mà không cần nhìn thấy cơ sở hoạt động của họ tại Việt Nam. Như vậy, khi TPP được ký kết, rõ ràng người tiêu dùng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn bởi tính đa dạng của sản phẩm dịch vụ tài chính và ngân hàng. Tuy nhiên, bối cảnh mới này đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải sẵn sàng và chủ động tham gia vào quá trình hội nhập vì khi đó thị trường trong nước không còn mức bảo hộ cao như trước, các NHTM sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn không chỉ trên sân nhà mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Nhà điều hành: phải thích nghi

Theo đó, NHNN khẳng định việc đầu tiên cần làm là phải xác lập mục tiêu và khuôn khổ chính sách tiền tệ phù hợp cho từng giai đoạn. Khả năng kiểm soát lạm phát của ngân hàng trung ương chịu ảnh hưởng bởi độ mở của quốc gia. Điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong xu thế hội nhập rõ ràng phải tính đến tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước, mức độ ảnh hưởng của chính sách tiền tệ các nước lớn đến chính sách tiền tệ của nước nhỏ như Việt Nam để từ đó lựa chọn quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp.

Tuy nhiên, sự kiểm soát đối với tỷ giá và dòng vốn ở mức độ nhất định vẫn cần thiết để hạn chế những tác động từ kinh tế quốc tế đến thị trường trong nước trước khi thực hiện tự do hóa hoàn toàn. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng để đảm bảo sự độc lập này là khả năng chống đỡ của dự trữ ngoại hối đối với các biến động trên thị trường. Cần tiếp tục thực thi các chính sách hạn chế đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giảm dần mức độ đô la hóa nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò ổn định tài chính, đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh tiền tệ. Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc nhận diện và giám sát rủi ro hệ thống tài chính là yêu cầu thiết yếu đối với mọi quốc gia. Ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần tăng cường chuẩn hoá và tiếp cận chuẩn mực quốc tế về an toàn tài chính; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cấu trúc thể chế và đẩy mạnh sự phối hợp hoạt động của các cơ quan giám sát tài chính nhằm ngày càng cải thiện chất lượng giám sát và giảm thiểu các rủi ro hệ thống tài chính.

Việc trở thành viên của AEC đồng nghĩa với việc hệ thống ngân hàng Việt Nam phải tham gia vào cơ sở hạ tầng hệ thống thanh toán khu vực ASEAN. Theo đó, chúng ta sẽ phải đối mặt và xử lý thanh toán một khối lượng lớn các luồng lưu chuyển vốn và hội nhập tài chính, tập trung vào cả các giao dịch giá trị lớn cũng như các giao dịch cá nhân, như: Thanh toán thương mại xuyên biên giới; Chuyển tiền xuyên biên giới; Hệ thống thanh toán bán lẻ xuyên biên giới; Thanh toán cho thị trường vốn. Vì vậy, định hướng đến năm 2020, việc củng cố cơ sở hạ tầng thanh toán để có thể kết nối với các ngân hàng khu vực là một nhiệm vụ trọng tâm cần được đặc biệt quan tâm. Đi kèm với việc gia tăng lưu chuyển vốn toàn khu vực, vấn đề an ninh tiền tệ cũng cần được nhấn mạnh hơn nữa.

Các NHTM phải được cải tổ

Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: cả AEC và TPP đều yêu cầu cao hơn về mức độ mở cửa và tự do hóa các giao dịch vốn, theo đó làm thay đổi đáng kể những yêu cầu đặt ra đối với việc ổn định hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung cho Việt Nam.

Theo NHNN, để chuẩn bị cho hội nhập, các NHTM phải được cải tổ về cách quản trị, điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế; Thứ nữa, phải tích cực chuyển dịch cơ cấu hoạt động và tìm cách xuất khẩu dịch vụ ngân hàng; Tăng tỷ trọng đóng góp của hoạt động bán lẻ, của thu nhập từ hoạt động dịch vụ nói riêng và thu nhập phi lãi nói chung trong cơ cấu thu nhập; Phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có khả năng cạnh tranh quốc tế. Với năng lực tài chính và quản trị hiện tại, hiện nay các NHTM Việt Nam mới chỉ tập trung phục vụ các doanh nghiệp trong nước hoạt động tại một số thị trường như Lào, Campuchia và Myanmar. 

KH

Theo Tiền Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top