ClockThứ Năm, 15/05/2014 05:23

Ngàn năm biển vọng

TTH - 1. Cha bạn thân tôi là một người làm nghề khí tượng thủy văn từng làm việc ở quần đảo Hoàng Sa. Bây giờ đã vào tuổi bát tuần nhưng ký ức về những ngày ở đảo của ông hầu như vẫn còn nguyên vẹn để mỗi lần nhắc đến biển đảo, giọng ông cứ nghèn nghẹn: “Khi ra làm việc ở đảo, công việc chính của tui là thả bong bóng để đo tọa độ. Là nông dân, vốn quen trồng trọt nên tui mang theo cả những thứ giống rau như cải, ngò... ra gieo ở đảo để cải thiện bữa ăn. Những giống rau này đều đâm chồi, xanh lá rất tốt... Ở đảo còn có một ngôi miếu thờ một nữ thần giống Phật Bà Quan Âm. Cứ đến đêm rằm và mồng một hàng tháng anh em tui đều nấu chè, xôi để cúng ở ngôi miếu này một cách thành kính...”

Những thế hệ người Việt Nam đã đến sống và làm việc trên vùng đảo này. Trong số đó có những người đã mãi mãi nằm lại trên đảo. Theo trí nhớ của ông cụ thì có đến gần 30 ngôi mộ trên đảo mà ông và các đồng sự vẫn thường hương khói. Ông cụ nói: “Không biết họ mất từ năm nào? Những tấm bia bằng đá cũng không ghi rõ họ tên của người mất...”

2. Đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Trần Văn Thủy kể rằng: người nuôi dạy anh em ông là một bà vú nuôi không biết chữ. Trong một đêm dưới vòm trời bí ẩn đầy những vì sao lấp lánh, cậu bé Thủy bỗng nảy ra một dấu hỏi to tướng về sự hữu hạn và vô hạn về làng quê của mình, những làng quê bên cạnh và biển. Bà vú nuôi chỉ trả lời cho cậu bé đến biển và nếu đi hết biển thì bà không biết đến đâu? Câu hỏi này đã được đạo diễn tài ba Trần Văn Thủy trả lời: “Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình thím ạ!”. Với người Việt, biển mênh mông dường nào nhưng lại gắn bó với từng tên đất tên làng từ bao đời này như huyền thoại vợ chồng Mai An Tiêm tìm được màu xanh và vị ngọt của quả dưa hấu trên đảo hoang; như câu chuyện của quan Dinh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ đã quai đê, lấn biển, mở mang bờ cõi. Nếu đi hết biển là về đến làng; nếu đi hết làng thì gặp được biển...

3. Cách đây 2 năm, tôi đã từng tận mắt xem văn bản gốc liên quan đến Hoàng Sa của làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc). Ngôi làng ven biển nổi tiếng không chỉ với những vườn rau quanh năm xanh tốt hay với bề dày lịch sử, văn hóa mà ở đây còn là nơi lưu giữ văn bản liên quan Hoàng Sa được lập cách đây 250 năm, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Văn bản do làng Mỹ Lợi lưu giữ có từ năm Quý Hợi (1743), dưới thời nhà Lê, được viết bằng chữ Hán trên giấy dó, có nội dung xử lý một vụ kiện giữa phường Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi) và phường An Bằng (làng An Bằng) về việc nộp thuế vỏ tàu khai thác sản vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa. Có một Hoàng Sa đã được lưu giữ trong đình làng cũng là lưu giữ giữa lòng người dân như thế

Là câu chuyện của một người làm nghề khí tượng thủy văn trên đảo Hoàng Sa; là triết lý về biển về làng nước Việt của một đạo diễn tài ba Trần Văn Thủy luôn trăn trở suy tư với vận nước; là tấm lòng kính cẩn của những người dân làng Mỹ Lợi đối với cha ông, với biển đảo… Trong trái tim mỗi người Việt Nam những ngày này, tiếng biển từ mấy ngàn năm đang vọng về: “Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh” (Phạm Duy)…

Thanh An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top