ClockThứ Bảy, 07/10/2017 14:44

Ngành bán lẻ đối mặt với thách thức "giữ chân" nhân lực

Ngành bán lẻ từ trước đến nay vẫn có sức hút lớn đối với các ứng viên do tính chất công việc đòi hỏi sáng tạo và năng động, tuy nhiên thách thức lớn mà doanh nghiệp trong ngành này đang đối mặt là tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao.

Một gian hàng của Saigon Co.op. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Ngoài ra, một số khó khăn về nguồn nhân lực mà ngành bán lẻ đang phải giải quyết là ứng viên không cam kết lâu dài và thường xuyên thay đổi công việc; trong đó, thời gian làm việc trung bình tại một công ty của họ chỉ kéo dài từ 2 - 3 năm.

Khó giữ chân nguồn nhân lực

Theo báo cáo của Navigos Group - Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam vừa công bố, có 28% nhà tuyển dụng cho rằng ứng viên không cam kết lâu dài, 49% nhà tuyển dụng cho biết ứng viên thường xuyên thay đổi công việc. Bên cạnh đó, các ứng viên trong ngành này còn hay dao động khi đối thủ cùng ngành tiếp cận và mời họ làm việc.

Dẫn chứng cụ thể, theo các chuyên gia, sự dịch chuyển lao động trong khu vực dẫn đến sự cạnh trạnh mạnh mẽ hơn từ ứng viên nước ngoài. Trong đó, có 50% nhà tuyển dụng cho biết hiện nay họ có chính sách tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao nước ngoài. Đặc biệt, xu hướng số hóa trong các hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ cũng ảnh hưởng đến mức độ chênh lệch trong việc trả lương cho ứng viên. Nhà tuyển dụng cho rằng họ sẵn sàng trả lương cho ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce) cao hơn ứng viên không có kinh nghiệm trong mảng này.

Mặt khác, kết quả khảo sát cũng cho thấy sự tương đồng với những thách thức của nhà tuyển dụng phản ánh, khi có 60% ứng viên tham gia khảo sát chia sẻ, thời gian làm việc trung bình tại một công ty của họ chỉ từ 2 – 3 năm. Ngoài ra, khoảng cách giữa nhà tuyển dụng và ứng viên trong mối quan tâm về văn hóa doanh nghiệp, chính khoảng cách này là một trong những yếu tố ảnh hưởng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bán lẻ khó giữ chân được nguồn nhân lực.

Trước những thách thức về nguồn nhân lực của ngành bán lẻ, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search thuộc tập đoàn Navigos Group, cho hay, mỗi doanh nghiệp đều có nét văn hóa riêng, nhưng để xây dựng văn hóa hiệu quả nên xuất phát từ những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Nhằm giảm thiểu tỷ lệ chuyển việc, doanh nghiệp cần chú trọng vào hai yếu tố gồm: phát triển một đội ngũ lãnh đạo với kỹ năng quản lý con người và thường xuyên cung cấp những khóa đào tạo để phát triển nguồn nhân lực.

Theo ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2025, định hướng 2030 của Saigon Co.op, tiếp tục giữ vững vai trò là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu trong nước và mở rộng hoạt động tại các thị trường xuất khẩu. Để thực hiện được mục tiêu này, Saigon Co.op tập trung vào năm giải pháp dựa trên một trong những nền tảng cơ bản là đội ngũ quản lý và nguồn lực.

Đây cũng là một trong những giải pháp giúp Saigon Co.op giữ ổn định nguồn nhân lực và phát triển đội ngũ quản lý, trong bối cảnh tại Việt Nam chưa có nhiều đơn vị đào tạo chuyên ngành bán lẻ. Song song đó, Saigon Co.op đa dạng hình thức tổ chức và tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ quản lý, nguồn nhân lực, xem đây là vấn đề quan trọng để phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững.

Tương tự, nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ cho sự phát triển của ngành bán lẻ, Tập đoàn LOTTE cùng Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Viện Phát triển và Cải cách Hàn Quốc (ReDI) và Trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (IUH) đã tiến hành ký kết hợp tác và thành lập Trung tâm đào tạo LOTTE-KOICA-IUH Service Training Center (gọi tắt là LKIC).

Trung tâm này, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2017, tập trung đào tạo cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn và trung hạn cho ba nhóm đối tượng gồm: người tìm việc, sinh viên, người cần bổ túc nghiệp vụ và thương nhân buôn bán nhỏ. Từ đó, hướng đến triển khai hiệu quả các mục đích đáp ứng được một phần nhu cầu nhân sự ngày càng tăng của thị trường bán lẻ  và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam trong tương lai.

Cần công nghệ quản trị doanh nghiệp

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nền tảng công nghệ số có thể tạo ra sức mạnh làm thay đổi cả cách tư duy và vận hành doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và môi trường thương mại tự do. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cũng đã chủ động có những thay đổi nhất định nhờ công nghệ nhưng chưa thực sự toàn diện. Đồng thời, các yếu tố văn hóa doanh nghiệp và vấn đề quản lý chưa tạo ra được môi trường làm việc linh hoạt như những công ty nước ngoài.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ rủi ro cao nhất từ công nghệ và tự động hóa lên đến 70%, trong khi mức trung bình trong ASEAN chỉ ở 56%. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ này, các chuyên gia cho rằng, do Việt Nam đang tận dụng nguồn nhân lực kỹ năng thấp nên ngại tự động hóa trong tương lai. Đồng thời, muốn chuyển hướng theo xu thế tự động hóa đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính để đầu tư máy móc thiết bị, nguồn nhân lực.

Theo bà Bùi Thy Hương, Giám đốc Nhân sự PwC Việt Nam (PwcC - Hãng tư vấn và kiểm toán Price Waterhouse Coopers), không chỉ riêng trong ngành bán lẻ, mà hiện nay nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn về quản trị nhân lực trong thời đại công nghệ số. Bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm thay đổi mọi quy trình truyền thống và trong tương lai nhân viên có quyền chọn lãnh đạo. Do đó, chiến lược quả trị nguồn nhân lực phải linh hoạt để tận dụng sự thay đổi của công nghệ.

Đồng quan điểm, ông Debanjan Sen, Giám đốc Quản lý nguồn nhân lực của Hãng kiểm toán Deloitte tại Singapore, nhấn mạnh trong tương lai gần, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số sẽ tạo ra những chỗ làm mới với mức lương cao hơn cho người lao động. Điều quan trọng là bộ phận quản trị nhân sự của các doanh nghiệp phải nhận thức rõ những vị trí sẽ dôi dư ra khi áp dụng công nghệ sâu hơn trong quản trị nhân sự.

"Từ những thực tế này, doanh nghiệp triển khai chiến lược nhân sự cũng nhưng có quy hoạch phù hợp với lượng nhân sự. Những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào quản trị nhân sự thường luôn có tỷ lệ nghỉ việc rất thấp. Đơn cử, trong khi Tập đoàn HP chỉ có tỷ lệ "nhảy việc" là 10% thì tại các doanh nghiệp cùng ngành, con số này là 20%", ông Debanjan Sen, cho biết.

Ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều công ty, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp có không còn xu thế thành lập văn phòng lớn, không có nhiều nhân sự... nên họ có thể phá vỡ những giới hạn về không gian, địa lý và chủ yếu dùng công nghệ để tương tác với nhau. Trong đó, dựa vào các công cụ trên nền tảng công nghệ để tuyển dụng nhân sự khắp nơi, tăng hiệu suất làm việc của người lao động và sử dụng Big Data, IoT… để quản lý những công việc xung quanh công ty được đánh giá là xu hướng phát triển doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp trong tương lai.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành hàng không toàn cầu đối mặt nhiều thách thức về giá vé và nhân sự

Theo các chuyên gia trong ngành, ngành hàng không toàn cầu thời hậu đại dịch vẫn không thiếu những thách thức, từ việc giữ giá vé máy bay ở mức phải chăng – nhất là trong các mùa lễ hội khi tỷ suất lợi nhuận “mỏng như dao cạo”, cho đến việc có đủ lực lượng lao động tận tâm với nghề.

Ngành hàng không toàn cầu đối mặt nhiều thách thức về giá vé và nhân sự
Thách thức trong vụ nuôi thủy sản mới

Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Theo đó, môi trường vùng nuôi, ao nuôi cũng có nhiều biến động, thay đổi đặt ra yêu cầu với người nuôi thủy sản phải có những biện pháp thích ứng, phù hợp.

Thách thức trong vụ nuôi thủy sản mới
Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 1: Thách thức cho bài toán chống ngập

Thực trạng ngập úng tại các đô thị, nhất là đô thị mới, hay gần đây, việc thoát lũ tại các khu công nghiệp đặt ra bài toán cần lời giải từ hiện tại và cả trong tương lai. Các chuyên gia cũng nhiều lần chỉ rõ, biến đổi khí hậu sẽ tạo ra những thách thức không hề nhỏ cho khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 1 Thách thức cho bài toán chống ngập
Return to top