ClockThứ Sáu, 05/12/2014 08:14

Ngành dệt may: Nhập từ cái kim, cuộn chỉ

TTH - Với con số khoảng 40 doanh nghiệp (DN) sản xuất và gia công hàng dệt may (DM) xuất khẩu và cung ứng cho thị trường nội địa, song hiện trên địa bàn vẫn chưa có nhà máy hay dây chuyền sản xuất nguyên phụ liệu. Đây là khó khăn lớn đặt ra trong lộ trình đưa Huế trở thành trung tâm DM của khu vực và cả nước.

Xuất cao, nhập cũng cao

Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may đạt gần 400 triệu USD, chiếm khoảng 70% tổng KNXK của tỉnh. Trong khi đó, các DNDM lại bỏ ra 350 triệu USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Nhiều DN còn nhập nguyên phụ liệu từ các DN 100% vốn nước ngoài ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh với con số không nhỏ. Từ thực tế này, các DNDM trên địa bàn gần như chỉ làm khâu trung gian, nhập nguyên phụ liệu về và thuê nhân công “gia công” và đưa đi xuất khẩu.

Lương công nhân may còn thấp do các DN chủ yếu gia công chứ chưa làm hàng FOB

Tại Công ty CP Dệt may Huế, hơn 4 ngàn công nhân đang tất bật bên dây chuyền may công nghiệp. Là con chim đầu đàn của ngành DM tỉnh, mỗi năm đơn vị phải chi hàng trăm tỷ đồng để nhập nguyên phụ liệu sản xuất. “Những mặt hàng tưởng chừng đơn giản như tem nhãn, cúc, kim, chỉ, bao bì đóng gói song DN đều phải nhập từ các nước tiên tiến hay các tỉnh, thành khác như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh do các DN 100% vốn nước ngoài sản xuất. Không riêng gì hàng phụ trợ, hoạt động sản xuất dệt may luôn cần đến các dịch vụ như in và giặt là, song đến thời điểm này trên địa bàn vẫn chưa hình thành các nhà máy chuyên phục vụ các dịch vụ này nên các DN dệt may phải vận chuyển hàng vào tận Quảng Nam, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với cước phí vận chuyển cao, song DN lại không chủ động được nguồn hàng. Trong khi đó các sản phẩm này lại có giá trị gia tăng cao, rất có lợi cho DN và cả đội ngũ công nhân. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất và đời sống người lao động”, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế, ông Nguyễn Bá Quang nói.

Sản xuất sợi gặp nhiều khó khăn vì trên địa bàn chưa có nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu

Theo lãnh đạo các DNDM, gia công 1 chiếc áo chỉ có giá trên dưới 70 cent, trong khi đó tiền công trả cho dịch vụ in lại mất hơn 1 USD và phí các dịch vụ như giặt, hấp, thêu còn cao hơn, gấp 2 lần tiền công may sản phẩm. Song, vì trên địa bàn chưa có DN nhận thực hiện các công đoạn này nên thêm lần nữa, các DNDM phải cất công đưa hàng đi giặt, hấp, in và thuê xe vận chuyển ngược về Huế để đóng gói xuất khẩu. Không chỉ những tên tuổi lớn như Dệt may Huế, Scavi, HBI, Giày da mà những DN vừa và nhỏ cũng luôn “đau đầu” vì thiếu… nguyên phụ liệu sản xuất. - “Do trên địa bàn chưa có các DN sản xuất nguyên phụ liệu nên chúng tôi rất bị động, phải đi nhập từ nơi khác chịu cước phí vận chuyển cao lợi nhuận thấp, nên lương công nhân chưa thỏa đáng”, Giám đốc Công ty TNHH HTV May xuất khẩu Quảng Thành (Quảng Điền), Nguyễn Văn Tiến cho hay.

Giải bài toán phụ liệu

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho một số ngành, trong đó có dệt may. Các DN đầu tư dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ sẽ được Nhà nước tạo điều kiện tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm; đồng thời được hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, vay một phần vốn tín dụng đầu tư phát triển và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

Trước yêu cầu đưa Huế trở thành trung tâm dệt may, UBND tỉnh vừa giao Sở Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh lập đề án quy hoạch CNHT ngành DM đến năm 2020 và định hướng đến năm 2013.

Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, ông Phan Thiên Định cho rằng, đây là vấn đề cấp bách nên Sở đang làm việc với Trung tâm tư vấn Ban điều phối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bàn kế hoạch xây dựng nội dung, dự kiến đề án sẽ hoàn tất vào cuối tháng 12 để trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện”.

Một cái khó là trên thực tế, khoảng 80% DNDM trên địa bàn chủ yếu sản xuất dưới hình thức gia công, tỷ lệ sản xuất sản phẩm khâu cuối chỉ đếm trên đầu ngón tay nên việc xây dựng các nhà máy sản xuất hàng phụ trợ sẽ gặp khó. Bởi, DN gia công hàng cho các đối tác nên nguyên liệu sản xuất đều do đối tác cung cấp hoặc chỉ định chứ không được quyền lựa chọn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là trước khi kêu gọi nhà đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, cần định hướng để các DN chuyển dần từ gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm). “Vinatex Hương Trà hoạt động dưới hình thức gia công cho các đối tác ở châu Âu, Mỹ, Canada… nên 100% nguyên phụ liệu do đối tác cung cấp. Vì vậy, nếu hình thành khu phụ trợ DM phải kêu gọi các tập đoàn lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, Canada để sản xuất nguyên phụ liệu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tác mới mong “sống” được” - Phó Giám đốc Vinatex Hương Trà, Lê Thanh Liêm khẳng định.

Để nâng cao hiệu quả CNHT ngành DM, trước mắt các DN cần nâng cao chuỗi liên kết khép kín quy trình sản xuất từ sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may, đồng thời phải chuyển từ hình thức gia công sang làm hàng FOB và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm) hay OMB (sản xuất nhãn hiệu gốc). Điều này sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động và giảm nhập siêu. Mặt khác, xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu- cụm công nghiệp là vấn đề cốt lõi trước khi CNHT ra đời. Để sản xuất nguyên phụ liệu theo quy trình khép kín đòi hỏi phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại, đảm bảo các tiêu chí sinh học nhằm đảm bảo môi trường cũng như sức khỏe người lao động và kinh phí cho dự án này là không nhỏ.

Trở thành trung tâm dệt may cũng như xây dựng ngành CNHT, trước mắt phải hình thành chuỗi nguyên phụ liệu đáp ứng nguồn cung từ sợi, dệt, may thì mới tham gia và tận dụng được cơ hội từ Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đề án quy hoạch CNHT ngành DM đang khởi động sẽ là giải pháp để ngành DM trên địa bàn hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu cũng như xây dựng thành công trung tâm DM ở Huế.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những kỳ vọng từ ngành công nghiệp

Từ năm 2024, công nghiệp Thừa Thiên Huế kỳ vọng tạo được nhiều điểm nhấn, nhất là tỉnh khi ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao.

Những kỳ vọng từ ngành công nghiệp
Đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định dịp tết

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng điện khá lớn nên Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc thực hiện đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của nhân dân trên địa bàn.

Đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định dịp tết
Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp An Hòa

Là cụm công nghiệp (CCN) duy nhất đóng trên địa bàn TP. Huế, CCN An Hòa không ngừng đầu tư hoàn thiện hạ tầng nhằm thu hút các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, đồng thời tạo mặt bằng để di dời các cơ sở sản xuất trong nội thị vào xây dựng nhà xưởng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp An Hòa

TIN MỚI

Return to top