ClockThứ Năm, 08/10/2015 15:03

Ngành năng khiếu vắng thí sinh

TTH - Năm học này, Học viện Âm nhạc Huế có 200 chỉ tiêu hệ đại học chính quy và tổ chức tuyển sinh trong 2 đợt. Trong đợt thi tuyển lần 1 vào cuối tháng 8 vừa qua, học viện có 122 thí sinh dự thi nhưng chỉ tuyển được 49 chỉ tiêu. Trừ sư phạm âm nhạc có 26 thí sinh trúng tuyển, những ngành khác có số lượng trúng tuyển rất thấp. Thậm chí, các ngành âm nhạc học, sáng tác âm nhạc chỉ tuyển được 1 thí sinh.

Sinh viên Học viện Âm nhạc Huế trong một chương trình biểu diễn giao lưu

Năm thứ 3 không mở được lớp tuồng

PGS.TS Tạ Quang Đông, Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Học viện Âm nhạc Huế cho hay: “Với ngành học đặc thù này, không phải chăm chỉ tập luyện là đủ, mà cần có sự kết hợp giữa năng khiếu và sự tập luyện. Dù không tuyển đủ chỉ tiêu, học viện vẫn phải đảm bảo chất lượng, vì nếu hạ tiêu chuẩn mà không tính đến chất lượng thì khi tuyển vào, giảng viên khó dạy, bản thân sinh viên không theo nổi cũng sẽ phải bỏ học giữa chừng”.

Chung tình trạng ảm đạm, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật có 250 chỉ tiêu hệ chính quy. Tuy nhiên, đợt 1, nhà trường chỉ nhận được 70 hồ sơ và tuyển được 69 thí sinh. Trong đó, lớp tuồng có 30 chỉ tiêu nhưng không có hồ sơ nào. Đây cũng là năm thứ 3 nhà trường không mở được lớp tuồng. Ca kịch có 30 chỉ tiêu nhưng mới tuyển được 5 em (năm ngoái, ngành ca kịch cũng không tuyển được). Tương tự, ngành mỹ thuật có 40 chỉ tiêu nhưng chỉ mới 4 em đăng ký.

Ông Hoàng Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật cho biết: “Việc tuyển sinh ngày càng khó khăn. Chúng tôi đã về tận các trường THCS trên địa bàn Thừa Thiên Huế, các vùng quê của Quảng Bình, Quảng Trị - những nơi có nguồn để thông báo, tư vấn và tổ chức sơ tuyển những học sinh có năng khiếu. Số lượng sơ tuyển tương đối đông nhưng số nộp hồ sơ rất ít. Vì vậy, số lượng tuyển được luôn thấp hơn chỉ tiêu. Năm ngoái, trường chỉ tuyển được chưa đến 50% chỉ tiêu. Năm nay, chúng tôi cũng chỉ dám hy vọng tuyển được khoảng 50%”.

Tuyển không đủ chỉ tiêu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đào tạo tại các trường văn hóa nghệ thuật. Ông Sơn chia sẻ, nếu mỗi bộ môn chỉ khoảng 5 thí sinh theo học thì kinh phí đào tạo tốn kém như lớp 30 em, bởi cũng phải chừng ấy giáo viên giảng dạy, chưa kể phải thuê thêm diễn viên từ Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế đóng vai trong bài thi của các em khi số sinh viên không đủ để xây dựng các kíp diễn.

Đầu ra “lắm chông gai”

Có nhiều nguyên nhân khiến việc tuyển sinh ở các trường năng khiếu gặp nhiều khó khăn.

Theo PGS.TS Tạ Quang Đông, trong khi các trường đại học khác chỉ xét tuyển theo quy chế mới thì ở học viện vẫn phải thi các môn năng khiếu nên số lượng thí sinh dự thi không đông như các ngành khác. Hơn nữa, muốn thi vào đại học âm nhạc phải có sự chuẩn bị. Không phải cứ yêu nhạc, biết đàn, hát là thi được vì trình độ đại học ở các trường chuyên nghiệp rất khó. Ngoài năng khiếu bẩm sinh, cần phải có kiến thức âm nhạc, sự luyện tập để trình diễn được kỹ thuật. Thời gian học kéo dài cũng là một trở lực khiến nhiều người có năng khiếu bỏ cuộc. Nếu thi thẳng vào đại học mà đỗ thì chỉ mất 4 năm học nhưng số này khá ít. Để trở thành những hạt giống tốt, người học âm nhạc chính quy chuyên nghiệp phải mất từ 6 đến 9 năm.

Ông Sơn cho rằng, tâm lý phụ huynh ai cũng muốn cho con mình vào đại học. Nhu cầu cuộc sống bây giờ khiến ai cũng suy tính chọn ngành nào ra trường có việc làm ổn định. Trong khi đó, đầu ra cho học sinh, sinh viên ngành năng khiếu cũng lắm chông gai nên ít người trẻ dám dấn thân. Sân chơi âm nhạc trầm lắng, Huế chưa có sân khấu ca nhạc hoạt động thường xuyên và quy mô, thiếu vắng đội ngũ tổ chức chuyên nghiệp. Ra trường, sinh viên âm nhạc thiếu môi trường biểu diễn, điều kiện cọ xát.

Với các ngành sân khấu kịch hát, tốn công sức và thời gian khổ luyện nhưng đầu ra bấp bênh, lương thấp là lý do chính khiến không ai mặn mà theo học. Các nhà hát có rất ít biên chế, chủ yếu nhận vào hợp đồng. NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế cho hay: “Nhà hát cũng tạo điều kiện cho các em tốt nghiệp từ Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật nhưng không thể nhận hết được, chỉ có thể chọn những em xuất sắc.

Ngành tuồng và ca kịch hẩm hiu vì tuồng đang “sống dở, chết dở” và không ai sống được bằng tuồng. Các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế không còn được diễn tuồng thường xuyên. Vì máu nghề, mỗi năm, nghệ sĩ ở đây dựng 1 vở tham dự hội thi, hội diễn cho đỡ nhớ nghề, quay phim làm tư liệu rồi… cất vào tủ.

Dù đam mê đến mấy, người trẻ cũng không thể theo đuổi khi tương lai mờ mịt.

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả

Ngày 24/4, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Đại học Huế phối hợp với Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức TalkShow “Chinh phục nhà tuyển dụng: Viết CV và phỏng vấn tìm việc” cho hơn 200 sinh viên Trường Du lịch.

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả
Return to top