ClockThứ Năm, 08/09/2016 09:12

Ngập úng những tuyến đường đang thi công: Nỗi lo & giải pháp

TTH - Phía bờ Nam TP. Huế hiện đang là mùa cao điểm thi công gói thầu đường cống của dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế. Nếu không kết nối kịp thời, mùa mưa năm nay, khó tránh khỏi tình trạng ngập úng.

Lo lắng

Đó cũng là trăn trở, thắc mắc của nhiều người dân, cũng như lãnh đạo một số ban ngành liên quan của TP. Huế được nêu tại hội nghị triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, vừa được UBND TP. Huế tổ chức.

Đường Phan Bội Châu đã được cắt, đào một bên để thi công đường ống thoát nước

Theo báo cáo của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, dự án Cải thiện môi trường nước đang triển khai thi công gần như khắp các phường khu vực phía Nam, chỉ trừ Thủy Biều, Thủy Xuân.

Do yêu cầu dự án phải hoàn thành vào năm 2018, nên các mũi thi công được triển khai đồng loạt với hơn 80 điểm thi công, cùng hàng trăm phương tiện, máy móc, nhân công làm việc từ 1-3 ca. Nhiều đoạn đường bị đào xới, thiết bị ngổn ngang, thi công dang dở, thiếu nắp hố ga, chưa hoàn trả mặt bằng… chưa được giải quyết dứt điểm.

Mùa mưa bão đã gần kề, khả năng gây ngập úng cục bộ cho những tuyến đang thi công rất lớn, đồng thời, khó tránh khỏi ảnh hưởng đến các khu vực còn lại. Đợt mưa cuối tháng 8 vừa qua là ví dụ. Dù lượng mưa không lớn, thời gian mưa không kéo dài, song một số tuyến đường đã xảy ra tình trạng ngập úng, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.

Điều đó cũng đã được lãnh đạo TP. Huế nhìn thấy, dù năm 2015 trên địa bàn TP. Huế không xảy ra các đợt bão lũ lớn, song những trận mưa với cường độ lớn, thời gian kéo dài đã xảy ra và gây ngập úng cục bộ cho rất nhiều tuyến đường. Nay, điều lo lắng của lãnh đạo TP. Huế càng có cơ sở hơn, khi các mũi thi công đường ống được tập trung cao độ và việc hoàn trả mặt bằng và kết nối tuyến chưa được triển khai đồng bộ.

Khó tránh khỏi ngập úng

Ông Đoàn Sĩ Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế nhìn nhận, khả năng ngập úng nếu có mưa lớn là điều khó tránh khỏi, đó là chưa nói đến lũ, lụt nếu nước sông dâng cao và nước ở thượng nguồn các con sông, suối đổ về nhiều.

Nhiều tuyến đường được đào xới để thi công, khó tránh khỏi ngập úng khi mưa, lũ

Do đó, ngoài chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn trả tốt mặt bằng, kết nối tạm thời các hạ lưu bị đứt do quá trình đào xới thi công để lưu thông tạm thời, đối với các tuyến đường chưa được kết nối, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế sẽ có giải pháp để khơi thông dòng chảy, nhằm rút ngắn thời gian ngập úng, đảm bảo đi lại, sinh hoạt cho người dân.

Theo lãnh đạo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, hiện tại các cống thoát nước đã đầu tư trước đây cơ bản ổn định, nhất là tuyến từ Đống Đa ra hói Phác Lát, đảm bảo thoát nước, lưu thông khi mưa lũ. Riêng một số khu vực đang thi công cống thoát nước, đơn vị bàn giao cho dự án Cải thiện môi trường nước để xử lý thoát nước, ngập úng khi mưa lũ và có sự phối hợp nếu có sự cố hoặc chưa nắm kỹ các hạ lưu. Đối với các khu vực chưa thi công, xí nghiệp thoát nước cử công nhân, kỹ thuật về các địa bàn và chủ yếu là vùng hạ lưu, thấp trũng để lấy rác, vật cản nhằm thông cửa thu họng thoát nước, giúp lưu thông, thoát nước tốt hơn khi mưa lũ.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế, các đường cống thoát nước đã đầu tư trước đây cơ bản hoạt động tốt và không chịu ảnh hưởng của việc thi công đường cống mới, nhất là các tuyến cống ở Điện Biên Phủ hoặc từ Đống Đa ra hói Phác Lát. Tuy thế, để hạn chế ngập úng do mưa, lũ, đơn vị không mở mới các tuyến thi công lớn và tập trung thi công ở những khu vực hạ lưu để kết nối với các tuyến ống chính, như ở đường Lê Hồng Phong, Lê Quý Đôn ra tuyến ống chung đường Đống Đa. Hiện, khu vực trọng điểm ngập úng ở đường Trần Quang Khải đã được giải quyết nhờ kết nối hạ lưu thoát nước thông suốt ra đường Đống Đa. Sắp tới, sẽ tập trung ở các tuyến Trần Thúc Nhẫn, Phan Bội Châu để giải quyết ngập úng cục bộ.

Với các tuyến đang thi công, kể cả đường kiệt, ngoài che chắn, cắm biển báo, đơn vị lắp đèn nháy, đèn tự động để người đi đường cảnh giác, tránh rơi, sụp vào hố. Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế cũng có giải pháp kết nối các hạ lưu bị đứt đoạn, thông cống để việc thoát nước diễn ra nhanh chóng, đồng thời, yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, thi công đến đâu bàn giao mặt bằng đến đó, để người dân đi lại dễ dàng và đảm bảo thoát nước mùa mưa lũ.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Khấp khởi đến nơi ở mới

Sau nhiều năm thấp thỏm, lo lắng khi phải sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở nằm giữa tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan và Tỉnh lộ 14B, đến nay người dân ở Hương Phú, Khe Tre (Nam Đông) chuẩn bị được di dời đến Khu tái định cư (TĐC) phục vụ di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan.

Khấp khởi đến nơi ở mới
Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

TIN MỚI

Return to top