ClockThứ Hai, 26/09/2016 06:25

“Ngẫu hứng” tần số truyền thanh không dây

TTH - Hệ thống đài truyền thanh không dây (TTKD) cấp xã góp phần quan trọng phổ biến, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, việc phát triển về số lượng các đài TTKD phát sinh nhiều bất cập.

Kiểm tra bản tin trước giờ “lên sóng”  

Gần 1 năm nay, người dân xã Quảng Lợi (Quảng Điền) không còn được nghe tiếng loa quen thuộc. Hỏi ra mới biết, khi tiến hành đăng ký thủ tục cấp phép thì đài TTKD của xã bị lập biên bản xử phạt và yêu cầu đình chỉ hoạt động với lý do tần số đang sử dụng (97MHz) quá cao, không đúng quy định. Anh Đinh Hà Vinh, cán bộ phụ trách văn hóa xã hội xã Quảng Lợi nhìn nhận: “Từ khi được trang bị và sau này nâng cấp (2012), chúng tôi chỉ biết để vậy hoạt động chứ chưa làm thủ tục cấp phép cũng như không biết dải tần số bị sai. Do đó, trách nhiệm của xã sẽ làm thủ tục chuyển đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, kinh phí để chuyển đổi tần số khá lớn trong khi  hệ thống đài TTKD xã đã cũ, hạ tần số xong không biết hoạt động như thế nào. Vì vậy, xã đã đề xuất huyện đầu tư hệ thống đài TTKD mới”.

Xã Vinh An (Phú Vang) đầu tư xây dựng hệ thống đài TTKD từ năm 2008 trong dải tần số 97,5MHz và được Chi cục Tần số vô tuyến điện khu vực III gia hạn giấy phép từ 2015-2020; tuy nhiên, ngoài công suất máy phát cao so với quy định (100w), thì tình trạng can nhiễu vẫn thường xảy ra. Anh Phạm Hoàng, cán bộ phụ trách văn hóa thông tin xã Vinh An cho hay: “Trước đây đài có lắp đặt bộ mã hóa ở các cụm loa, nhưng vừa qua, khi được đầu tư bổ sung thêm 7 cụm thu mới (nâng tổng số lên 26 cụm), bộ khóa mã ở các cụm mới lại không hoạt động nên mới lắp xong 3 ngày là bị nhiễu. Riêng máy phát thì đài đã hạ công suất xuống 50w (trong khi công suất tối đa theo quy định chỉ 30w)”.  

Theo thống kê (2015-2016) của Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III, nhiều đài TTKD trên địa bàn tỉnh xảy ra các vi phạm về sử dụng máy sai tần số (đài Hương Vinh, Quảng Thành); không phép (Hương An, Hương Văn); đã có giấy phép nhưng khi chuyển đổi băng tần không làm lại giấy phép dẫn đến sai (đài thị trấn Phong Điền) và sử dụng băng tần 87-108 MHz không có giấy phép bị đình chỉ hoạt động (đài xã Quảng Phú).

Theo bà Phan Thị Vẽ, Trưởng phòng Viễn thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tại Thừa Thiên Huế, đài TTKD chiếm 90% trong hệ thống đài truyền thanh cơ sở ở địa phương. Hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng đài TTKD vẫn có một số tồn tại nhất định, đó là thiết bị sử dụng không đúng chuẩn, không thực hiện việc xin phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện. 

Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III  ông Nguyễn Vũ Hà cho rằng, lâu nay, quản lý tần số vô tuyến điện phức tạp nhất vẫn là việc quản lý TTKD cấp xã, phường. Với những đài hiện đang sử dụng sai tần số, phải thực hiện đăng ký lại theo quy định. Về phía các đài bị nhiễu cần báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý để xác định nguyên nhân. Giải pháp tạm thời có thể điều chỉnh độ nhạy máy thu, thậm chí tắt nguồn cụm thu không tiếp sóng để triệt tiêu nhiễu. Các xã, phường khi lắp đặt mới cũng cần chú ý, bên cạnh việc yêu cầu nhà cung cấp thiết bị cam kết phải đảm bảo chất lượng thì khi đơn vị thi công bàn giao cũng cần kiểm tra đối chiếu thiết bị vừa mua với giấy hợp chuẩn hợp quy xem có phù hợp hay không. Tránh tình trạng giấy một đường, thiết bị 1 nẻo sẽ xảy ra tình trạng can nhiễu khi sử dụng.

“Lâu nay, các xã ít báo cáo tình trạng của đài TTKD địa phương, như việc nhiễu liên tục, thiết bị sau khi đầu tư bị hư hỏng không sử dụng được... Do đó, chúng tôi mong muốn các đơn vị khi có “trục trặc” gì cần báo kịp thời để Sở TT&TT có sự phối hợp hướng dẫn các quy trình cũng như tư vấn cho các đơn vị về thiết bị”, bà Phan Thị Vẽ nói.

Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thanh thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0

Truyền thanh (TT) dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin đang là hướng đi mới, được tỉnh đưa vào triển khai thử nghiệm và phát triển thời gian tới. Đây là giải pháp giúp hiện đại hóa TT cơ sở, khắc phục tình trạng lạc hậu, xuống cấp của đài TT cơ sở lâu nay.

Truyền thanh thông minh trên nền tảng công nghệ 4 0
Truyền thanh xã, hiệu quả lan rộng

Khi thông tin dễ dàng len lỏi vào đời sống thì những bản tin truyền thanh xã, phường dường như mất chỗ đứng. Nhưng đúng vào lúc mọi người lãng quên, hệ thống truyền thanh cơ sở lại phát huy hiệu quả. “Loa phường” lại thể hiện thế mạnh của mình...

Truyền thanh xã, hiệu quả lan rộng
Hiệu quả từ đài truyền thanh cơ sở

Trong thời đại đa dạng hoá các phương tiện thông tin truyền thông, hệ thống truyền thanh (TT) cơ sở là kênh thông tin quan trọng, cung cấp các thông tin chính thống, thiết thực cho thính giả.

Hiệu quả từ đài truyền thanh cơ sở
Ông sớm truyền thanh

“Nhà báo làng” là cái tên thân mật nhiều người vẫn gọi ông Trần Sớm, phát thanh viên Đài Truyền thanh xã Quảng Thành (Quảng Điền).

Ông sớm truyền thanh
Return to top