ClockThứ Tư, 06/04/2011 21:18

Ngâu - loài cây cảnh mộc mạc nhưng hữu tình

TTH - Một trong số những cây bụi được chọn trồng làm cảnh phổ biến rất lâu đời ở Việt Nam là ngâu. Nó quá quen thuộc với cộng đồng người Việt đến nỗi tên tuổi đã đi vào văn học dân gian: “Cổ tay em trắng như ngà/ Con mắt em liếc như là dao cau/ Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”. Hoa ngâu không phô trương sắc màu và kích cỡ như bao loài hoa khác, nó chỉ nép mình khiêm tốn bên những chòm lá trông tựa những chuỗi hạt cườm, phớt vàng như màu lúa chín đã gây ấn tượng khó phai cho bất kỳ ai đã hơn một lần chiêm ngưỡng.

Ở Việt Nam có nhiều loài ngâu, trong đó có hai loài dạng bụi được trồng làm cảnh phổ biến là ngâu và ngâu Tàu. Cả hai loài đều là dạng cây bụi thường xanh, cùng thuộc chi ngâu (Aglaia), họ xoan (Meliaceae); có lá kép lông chim, xanh bóng, hoa nhiều, nhỏ, màu vàng nhạt, xếp thành chùy ở nách lá, có mùi thơm nên ngoài việc tạo cảnh, người trồng còn dùng ướp trà, ủ thơm quần áo. Chính những đặc điểm chung đó dễ gây nhầm lẫn cho bất kỳ ai không tận mắt nhận dạng hoặc không chú ý những nét dị biệt giữa chúng, thậm chí có vài tác giả cho rằng chúng chỉ là một loài. Một số tài liệu viết về tính năng chữa bệnh của ngâu thiếu phần mô tả cặn kẽ, lại không nêu tên khoa học đã khiến độc giả khó xác định, đó là chưa nói cũng có tài liệu gộp hết tính năng chữa bệnh của hai loài làm một. Tất nhiên, nhiều công trình khoa học cũng cho thấy hai loài có một số dược tính giống nhau, nhưng mỗi loài cũng có những dược tính đặc thù nữa. Như vậy thiết tưởng cũng cần phân biệt chúng để khi sử dụng, cho dù với mục đích làm cảnh, làm thuốc… thì người sử dụng cũng thỏa mãn mong muốn của mình.

Ngâu có tên khoa học là Aglaia duperreana, ngâu Tàu có tên khoa học là Aglaia odorata. Có tác giả cho rằng đó chỉ là hai tên đồng danh, nhưng trong thực tế đó là tên khoa học của hai loài có hình thái khác nhau. Ngâu có lá chét hình xoan ngược, đỉnh lá tròn, phiến lá chỉ dài 1,5-3 cm; trong lúc ngâu Tàu có lá chét hình xoan thuôn, đỉnh là nhọn, phiến lá dài đến 4-9 cm. Ngâu phân bố chủ yếu ở các nước Đông Nam Á, từ Việt Nam đến Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, trong lúc ngâu Tàu ngoài vùng phân bố ở Đông Nam Á, còn phổ biến ở nhiều tỉnh phía Nam Trung Quốc và được cho là nguồn gốc ở đó với tên gọi 米仔兰 (Mễ tử lan). Dược tính của hai loài cũng không đồng nhất, chỉ tiếc là một vài tài liệu viết về tác dụng chữa bệnh của ngâu nhưng không làm rõ loài nào. Nhiều tài liệu tiếng Việt viết về tác dụng chữa bệnh thường trích nguồn ở Trung Quốc, đều nói về cây ngâu Tàu. Ngoài tác dụng chữa bệnh, hoa ngâu Tàu còn được khai thác để sản xuất trà và trên mạng cũng có bài tiếng Việt viết về trà hoa ngâu với chỉ dẫn cách dùng rất đầy đủ nhưng không xác định đó là ngâu gì?
Ngâu dễ nhân giống, có thể nhân bằng hạt hay bằng cành. Cây ngâu ưa sáng toàn phần nhưng cũng chịu rợp vừa nên dễ bố trí nơi trồng. Ngâu không kén đất, không chịu úng và ít chịu hạn. Có thể trồng đất hay trồng chậu. Trồng đất dưới nhiều phương thức khác nhau, nhiều nơi trồng làm hàng rào, cắt tỉa thường xuyên để tạo một hàng rào xanh gần như hàng rào chè tàu phổ biến ở các vườn Huế, có nơi trồng làm đường viền cho bồn hoa lớn, cho lối đi vào biệt thự hoặc trồng thành từng bụi rồi cắt tỉa tạo sự đa dạng về hình thái, từ hình khối cầu, khối chóp nón đến những con vật khá sinh động. Khi trồng chậu người ta có thể điều chỉnh cách phát cành, cắt tỉa, uốn nắn để tạo ra cây bonsai đủ kiểu dáng thế.
Ở Huế, ngâu được gặp phổ biến hơn ngâu Tàu. Ngoài việc trồng chậu và trồng đất theo các phương thức vừa nêu, nhiều nhà vườn ở Huế còn dùng ngâu làm bức bình phong xanh án ngữ trước sân theo thuật phong thủy Đông phương.
Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top