ClockChủ Nhật, 11/07/2021 16:01

Ngày chủ nhật

TTH - Người ta bảo rằng không có một cuộc chia ly nào xảy ra vào ngày chủ nhật. Cái ngày mà người ta có thể nằm trên giường nệm êm ái, kệ mặt trời mọc lên cao, kệ cả tiếng nhạc bao quanh, kệ cả những tiếng chuông điện thoại kêu ồn ào, ngủ cho đã giấc.

Mầm thiện lành độ lượngQuê xa hóa gầnTrong tiếng đại ngànHương chiều

Mọi người đều hoan nghênh ngày chủ nhật, nhất định thế. Tỉ dụ như dì Hương làm việc ở bên nhà trẻ, dì bảo sướng nhất là ngày chủ nhật, khi đó không phải dậy thật sớm, đến nơi làm việc thật sớm để đón con người ta. Dì nói, lúc đó muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, kệ mấy thằng bạn trai muốn rủ rê đi chơi thì cứ ngồi đó mà đợi. Dì Hương có cái là dễ ngủ, dì có thể ngủ cả ngày không cần ăn cơm. Cũng như Lan Hạ, cô bạn học chung ngày xưa của tôi. Ra trường, nó làm kế toán cho một công ty chỉ có ba người, rồi công ty có bảy người và bây giờ hơn chục người. Cả sáu ngày trong tuần nó làm việc ở nơi cách nhà 10 cây số, luôn ôm mấy con số mà tính toán, nên chủ nhật nó tắt điện thoại, hò hẹn với anh chàng đẹp trai nào đó ở một quán cà phê ngoại ô.

Tôi có thể có rất nhiều ví dụ về ngày chủ nhật. Nhưng tại sao tôi lại nhắc đến chuyện tại sao chủ nhật người ta không thể chia tay nhau? Bởi vì, tôi gặp anh vào ngày chủ nhật. Một ngày chủ nhật tôi buồn như thể ngày hôm đó. Bạn bè đứa thì đi ra đảo chơi với bạn trai, đứa bận đi làm từ thiện bằng cách nấu cơm tự nguyện ở bệnh viện. Đứa khác thì bảo: Trời ơi, tao mệt quá, nắng như thế này ra đường đen da chết. Nghĩa là, tôi đếm trên ngón tay có mấy đứa bạn thân thiết thì đứa nào cũng đang có kế hoạch cho ngày chủ nhật của mình. Nghĩa là, tôi có một ngày chủ nhật vô nghĩa.

Tôi đi ra đi vào trong căn nhà vắng tanh. Ba mẹ thì đi thăm mấy người bạn học lâu lắm rồi chưa có dịp gặp nhau ở trên Thành. Ngày xưa, ba mẹ học cùng lớp nên bạn bè của hai người cũng giống nhau. Cái thú về miền quê vào ngày cuối tuần của ba mẹ cũng lạ. Ba bảo ở chỗ đó cây cỏ reo vui, không khí trong lành, chẳng bù ở thành phố vào những ngày cuối tuần chật ních khách du lịch, mất đi cái riêng tư của mình. Còn cô em gái tên Hoài bé bỏng của tôi thì nũng na nũng nịu: “Chị Lan ơi, Tuấn bảo là em với Tuấn đi câu cá cuối tuần vui lắm”. Tôi thật buồn cười cho cô em của tôi, mới 20 tuổi đầu mà bày đặt đi câu cá vào ngày chủ nhật giống như mấy cụ về hưu. Anh chàng Tuấn của nó chỉ nhỉnh hơn con nhỏ hai tuổi lại có năng khiếu câu cá. Mỗi lần tụi nó đi câu về thì cả nhà cũng được một bữa ăn ngon, khiến tôi đâm ra thắc mắc: “Hay là tụi mày đi mua lại cá người khác câu để lấy lòng ba mẹ?”. Con nhỏ phản ứng ngay: “Vậy chị đi quen anh chàng nào biết câu cá đi, hay là chị đi câu thử với tụi em một bữa là biết liền”.

Chủ nhật cứ quanh quẩn những chuyện không đâu, tôi bỗng nghĩ ra một chuyện, đó là đi thư viện. Không phải tôi thích tới thư viện, chẳng qua là trên tờ báo có giới thiệu một buổi nói chuyện của một vị tiến sĩ tâm lý học về vấn đề giới tính. Đề tài như thế thì tôi không thấy lãng phí ngày chủ nhật tươi hồng của mình. Vậy là, sửa soạn đến thư viện.

Tôi tìm một chiếc ghế gần cửa sổ để ngồi, trong phòng họp không lấy gì đông người lắm. Trên bục, vị tiến sĩ tâm lý học nói về chuyện yêu đương giữa con người với con người. Ông giải thích về thần giao cách cảm, về sự ham muốn giữa người nam và người nữ. Ông dẫn chứng từ thời cổ đại, khi con người bắt đầu biết dùng lửa, biết dùng da thú hoặc vỏ cây để che thân thể của mình cho đến thời nay, sự bùng nổ của mạng internet khắp toàn cầu để kết luận là  giữa người nam và nữ đều có sức hút nhất định với nhau. Trời ơi, chuyện đó có gì mới mẻ đâu.

Ông tiến sĩ nói về tâm lý trong ngày chủ nhật giống như tiếng một bản nhạc dịu dàng rớt từng thanh âm nhẹ, gió bên ngoài thoảng len vào khiến tôi buồn ngủ, và tôi đã tì đầu mình lên bàn ngủ lúc nào không hay. Lạ cho giấc ngủ trong ngày chủ nhật. Tôi thức dậy thì lớp rao giảng về  tâm lý con người đã tan, chỉ còn trước mặt tôi một thanh niên cũng đang ngồi nhìn tôi chăm chú như đang canh cho tôi ngủ, như thể sợ tôi bị giật mình vì ai đó lay động giấc ngủ của mình.

Tôi chạm vào đôi mắt anh lần đầu như thế, chạm vào nụ cười của anh lần đầu như thế. Tôi chạm sự lạ lùng của ngày chủ nhật đến độ tôi phải đỏ mặt khi phát hiện ra có người đang nhìn tôi ngủ. Anh nói chậm rãi: “Chưa ai ngủ trong ngày chủ nhật ở thư viện cả”. Tôi vội vã đứng dậy. Trời ơi, tại sao tôi lại bối rối trước mặt anh chàng chưa quen biết đang nhìn tôi ngủ thế này: “Tại sao anh không đánh thức tôi dậy?”. Anh cười: “Vì tôi rất ghét ai phá giấc ngủ của tôi”.

Tôi hỏi lại: “Anh làm ở thư viện này à?’ Anh lại cười: “Không, ba tôi mới làm ở thư viện. Đáng lẽ, ông đóng cửa về rồi, nhưng nhìn thấy cô còn ngủ nên ba tôi gọi điện bảo tôi tới trực cho cô ngủ. Ba tôi bảo cô ngủ đẹp như một nàng tiên, vậy là tôi ngồi đợi cô thức dậy. Vì cô, tôi đã trễ hẹn với bạn gái của tôi rồi”. Tôi nhìn vào mặt anh: “Em xin lỗi”. Anh cười như bóng nắng: “Tôi đùa đó”.

Đó là lần duy nhất tôi ngủ ở thư viện. Đó cũng là lần thượng đế đem anh đến cho tôi. Bởi, trong dòng đời bề bộn và đôi khi lắm hồ nghi này, tôi đã gặp bao nhiêu người con trai, nhưng tất cả giống như một trang sách đọc xong, trôi qua. Chưa có ai đợi tôi thức dậy để đóng cửa thư viện cả. Chỉ có Liêm. Liêm không đẹp như một diễn viên điện ảnh, anh có nước da ngăm đen, có nụ cười sảng khoái và biết lắng nghe tôi nói. Buổi chiều hôm đó tôi và anh tập hẹn hò. Tôi tự nhủ tại sao lại vội vàng hẹn hò với người mình mới gặp lần đầu như thế? Phải dăm ba bận chối từ, phải dăm ba bận xem xét, nhưng tại sao phải như thế, vì khi hai đứa chạm mắt vào nhau, tôi hiểu rằng tôi và anh ngay tức khắc đã phải lòng nhau.

Chủ nhật của tôi từ ngày có Liêm cũng chẳng giống những ngày chủ nhật khác. Bạn bè bảo: “Mày khéo chọn, có bạn trai để chủ nhật hẹn hò, còn mày thì ngày chủ nhật lại vào thư viện”. Tôi chỉ cười với chúng nó. Bởi vì ngày chủ nhật Liêm đến thư viện phụ ba mình. Anh nói: “Vì ngày chủ nhật anh không hò hẹn được nên mới còn nguyên vẹn cho em đó”. Ngày chủ nhật, tôi nhớ anh lại lên thư viện. Tôi phụ anh xếp lại các cuốn sách khách trả, tôi chạy đi mua ổ bánh mì và hai đứa dành chút thời giờ rảnh còn lại loanh quanh xuống phố.

Cho đến một hôm, tôi không tìm thấy anh. Anh biến mất như thể anh đã bốc hơi ra khỏi cuộc đời này. Thư viện ngày chủ nhật đóng cửa, ba anh bảo chẳng biết anh đi đâu và điện thoại của anh cũng khóa máy. Tôi đã điên như thế nào khi mất liên lạc với anh. Hai ngày trôi qua như ba thế, dẫu rằng có vạn ngày trước đó tôi chưa hề biết rằng anh có mặt trên trần gian này.

Mỗi lần điện thoại có tin nhắn, có cuộc gọi là tôi vội vàng cầm máy lên, nhưng bên kia không phải là anh, những tin nhắn kia không phải là anh. Tôi bỗng hoảng hốt khi nghĩ đến rằng anh đã quyết định nhẹ nhàng rời khỏi tôi theo cách của anh.

***

Những bông hoa xuyến chi rải đều trước thềm nhà vào buổi sáng khi tôi mở cửa, như trong một câu chuyện cổ tích nào đó. Những bông hoa trắng, cánh nhỏ cứ chao trong buổi sáng. Tôi quên rằng, tôi đã nói với anh: “Em thích hoa xuyến chi do chính tay người yêu em hái rải đầy trước nhà trong ngày sinh nhật em”.  Anh ngồi trước thềm nhà tôi tự bao giờ, anh đang nhìn những đóa hoa anh vừa rải đầy. Thì ra, anh đi biệt hai ngày để hái cho tôi những bông hoa xuyến chi vì hôm nay là sinh nhật tôi. Tôi lao về phía anh, ôm anh.

Và tôi đã có một ngày chủ nhật thật trọn vẹn, ý nghĩa!

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top