ClockThứ Năm, 16/11/2017 14:14

Ngày của thầy, của cô

TTH - Sắp đến 20/11 rồi. Mấy lứa học trò, rồi cựu học trò chắc chắn sẽ mong ghê lắm. Vì chí ít đó cũng là dịp để nhớ về người cho con chữ của riêng mình.

Hí húi lục về những chỗ chơi cho ngày 20/11. Ảnh: Hani

Mưa Huế mưa gì mà mưa mãi. Huế thật nhỏ mà thời tiết cũng thật nhỏ. Chỉ có mưa là lớn, nên cứ lui lại hoài trên mấy con phố nửa xưa, nửa hiện đại. Gần giữa tháng 11, khi mấy cô mấy thầy còn đang mắc mệt dọn lũ rồi soạn lại giáo án dạy bù, thì học trò đã bắt đầu nhìn ra cửa và nghĩ về bó hoa sắp tặng cho người đứng lớp của mình. Sau đó là mong một ngày gặp mặt, đi chơi với đám bạn.

Mà cây cỏ đợt này không biết có tươi tốt nổi không, vì mới qua một trận lũ lớn. Lũ chính ở tận miền trong, nên mưa có to, hoa có rụng thì cũng không rõ tường được, vả lại mình cũng không thuộc tuýp người mê cái đẹp chỉ để ngắm nên chẳng mấy khi mà tôi để ý nhiều đến vấn đề này. Chỉ chực thấy mấy hàng hoa trên đường về chưa tấp nập, đủ đầy là biết chắc vài phần cũng đã trôi theo nước.

Muốn có hoa đẹp thì phải vào các shop hoa. Ảnh: Phan Thành

Cứ đến lễ, là lại rộ lên cái mẹo dự đoán cũ, rằng muốn biết lễ lượt đoạn đó có náo nức gì không, thì cứ nhìn vào mấy quán hoa vệ đường là biết. Nếu mà san sát thì chắc chắn là sẽ đông vui, còn thưa thì... chẳng biết nữa. Dạo này người ta không còn chuộng hoa đơn lẻ nhiều như trước, mấy bông hoa nhỏ giờ cũng chuyển thành các lẵng to, thơm thơm lóng lánh nên đều phải vào mấy hàng chuyên cả. Thế là vài gian hàng vỉa hè sinh viên bị lơ hẳn, lâu dần, cứ thành thưa thớt hết. Và kể cả mấy bông hoa nhỏ có thể mua được dọc đường, thì bé em tôi vẫn muốn đi học sớm, để đến đúng quán ruột ở dưới phố trung tâm mua tặng các thầy các cô nhân dịp lễ. Mấy lễ sau này, đâu chỉ thấy mỗi học sinh là chộn rộn. Nhưng ngặt cái, có phải ngày của tụi nó đâu?!

Vì là tết của người đứng trên bục giảng, nên dù có thầm lặng hơn thì năm nào tôi cũng nom thấy trong kệ tủ và bàn khách của người bác giáo viên của mình luôn sẵn vài lọ mứt chua, ngọt đủ để thiết đãi học trò, rồi không quên cả bình trà nóng mời những đồng nghiệp thân thiết đã về hưu. Tôi không rõ liệu có phải tất cả thầy, cô giáo của mọi cấp đều khấp khởi trong lòng về ngày lễ này không, nhưng chắc chắn học trò cấp học nhỏ đến cấp học lớn đều mong chờ. Chí ít là những đứa con trai, vì hồi đó thường được/bị thầy cô gõ đầu nhiều nhất. Mà lạ lắm, tôi còn nhớ về những tràng nước mắt cứ rơi hoài rơi, vì người lớn sợ lũ nhỏ cầm kỷ niệm đi mất, nhưng rồi người ta hẳn là thích sống trong những ký ức ban xưa, nên dù đi xa về lại thì những câu chuyện cũ vẫn còn nguyên trong tâm trí. Chắc là chúng vẫn ở đấy, nhưng chỉ đợi một ngày thích hợp, để nói với những người thích hợp.

Dạo này người ta không còn chuộng hoa đơn lẻ nhiều như trước. Ảnh: Phan Thành

Rồi để mà nói về một chút vui, thì đây hẳn là dịp để mấy nhóc kỳ kèo vụ đi chơi cùng lũ bạn. Tôi chợt thấy mình trong hình ảnh của nhóc em, khi nó cứ hí húi lục những chỗ vui chơi mở muộn, để chúng có thể vẫy vùng cùng nhau sau những chiếc ôm thân mật, dù tối muộn ngày qua còn nghe con bé cũng đôi phần buồn tủi vì “lời yêu thương em gửi cho thầy cô, mà bị bắt viết hay rồi còn chấm điểm chị ạ”. Tôi cười liền, chắc tại thầy cô hơi ngại nhưng sợ mấy đứa quên do mấy đứa ham chơi quá thể...?

 ***

Thật ra tôi còn nhớ, đã nhiều lần thầy cô nghiêm nghị dặn đừng tặng hoa gì sất, để đó mà mua thứ này thứ nọ cho bản thân. Và tôi đoan chắc, điều mà thầy cô mong nhất chính là những tin vui từ đám học trò xưa xửa xừa xưa của mình ngày gặp mặt, và chắc chắn là nhớ về những kỷ niệm và yêu thương lũ trò bao giờ cũng là nhỏ của mình...

HANI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thầy, cô một thuở

Những năm 1980, quý thầy, cô giáo về dạy ở trường làng tôi là những thầy, cô ở Huế và những thầy, cô ở Quảng Bình. Thầy, cô ở khu tập thể ngay trong khuôn viên trường. Đời sống của giáo viên hồi đó khó khăn thì ai cũng biết rồi. Cái thời tem phiếu, thầy, cô hàng tuần phải đạp xe xuống cửa hàng lương thực ở xã Điền Hải cách xã tôi 7km để mua gạo và thực phẩm. Bởi rứa mới có một câu chuyện mà bây chừ kể lại sẽ rất khó tin, nhưng lại là chuyện có thật. Đó là chuyện anh Đ., một học sinh đã phát biểu rằng: “Thầy, cô ăn uống cực quá nên bày ra chuyện cắm trại để học sinh nộp tiền vô có mấy bữa ăn sướng!”. Chuyện đến tai thầy Thương và sau đó nhà trường đã kêu anh Đ. lên nhắc nhở...

Thầy, cô một thuở
Return to top