ClockThứ Bảy, 24/11/2012 17:51

Ngày đầu với Báo Thừa Thiên Huế

TTH - Tốt nghiệp đại học, một người quen ở Đài Truyền hình Huế hứa chắc nụi là sẽ đưa tôi trình diện Giám đốc Lê Văn Hiện; rằng Giám đốc Lê Văn Hiện với anh ấy “là một” nên chắc chắn tôi sẽ được nhận. Cũng trong thời gian đó, Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế cũng cho hay là đang trình hồ sơ để giữ tôi lại làm cán bộ giảng dạy. Hải quan tỉnh cũng lên làm việc với trường và thông báo tôi đến gặp mặt Ban Giám đốc để về văn phòng làm việc… Rất nhiều cánh cửa đang hé mở khiến tôi hết sức phấn khởi, hết sức mặc nhiên… rung đùi ngồi đợi việc (!)

Thế rồi cứ như “duyên số” đưa đẩy, tôi được về với Báo Thừa Thiên Huế. Ngày đầu đến báo, Tổng Biên tập Ngô Duy Đàm gọi lên gặp mặt. Tôi cố làm ra vẻ tự nhiên, nhưng kỳ thực trống ngực cứ đập liên hồi. Đồng chí Tổng Biên tập (TBT) giới thiệu ông từng là Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; rồi người làm báo phải như thế này, như thế khác; viết tin phải như thế nọ, bài phải như thế kia… Tôi luôn miệng vâng dạ mà trong đầu thì cứ nghe lùng bà lùng bùng. Xong, đích thân đồng chí TBT dẫn tôi xuống bàn giao cho anh Hoàng Ngọc Trung, lúc ấy phụ trách công tác tổ chức và là phóng viên ảnh, giao anh ấy hướng dẫn, giúp đỡ tôi làm báo. Vậy là tôi chính thức bước vào nghề …

PV Báo TTH trao đổi về kỹ năng làm báo hiện đại với các chuyên gia Thuỵ Điển. Ảnh: HA

Anh em người trước, kẻ sau một vài năm cùng vào báo một lứa với tôi có Hương Giang, Hồng Hạnh, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Ngọc Lan… Hồi đó, cả cơ quan mới chỉ có dăm chiếc xe máy. Sang nhất là chiếc cub cánh én của TBT Ngô Duy Đàm, sau đó là chiếc cub 81 màu lông chuột của anh Hoàng Ngọc Trung, tiếp nữa là Dame giả 78, honda 67, 72… của các anh Phan Minh Châu, Lê Huy, Chiến Hữu, Thanh Tùng, Chung Anh, Chu Văn Thạch, Hoàng Thành. Còn lại là xe đạp “toàn tòng”. Thế nhưng anh em đạp đâu cũng tới. Mà đường sá lúc ấy đâu thuận lợi và ngon lành như bây giờ. Có chuyến công tác, Thanh Ngọc, Hồng Hạnh kéo nhau đạp xe ra Ngũ Điền, đi suốt mấy ngày mới tái ngộ toà soạn. Viết thì toàn viết tay. Nộp bài cho biên tập xong, thỉnh thoảng len lén “lé” mắt nhìn, thấy bài đã được chuyển cho “mụ Thu, mụ Hiệp” đánh máy là coi như tạm yên tâm. Báo tuần ra 2 số, mỗi số 8 trang khổ nhỏ (cỡ A3), lính mới, có khi cả tháng mới được đăng một hai tin, bài. Chờ dài cổ...

Vậy mà có bận, tôi gặp chuyện… động trời. Hôm ấy vừa hoàn tất bài tiểu phẩm có cái tên “Báo non gặp báo… cụ” mang nộp cho biên tập. Đâu chừng hơn tiếng đồng hồ, bỗng thấy “cụ” Tổng cầm bài xuống hỏi: “Diên Thống đâu?”. Tôi hoảng hồn: “Dạ, cháu đây. Có vấn đề gì ạ?...”. Cụ Tổng cười cười vỗ vai tôi: “Không có vấn đề gì cả. Bài viết tốt đấy. Tôi đã cho bóc bài, thay bài của cậu vào, ra số ngày mai. Cố gắng nhé”. Tôi thở phào, nghe lâng lâng cả người. Hôm sau báo ra, đọc bài viết của mình, lần đầu tiên tôi cảm được cái gọi là “nóng”, là thời sự tính của báo chí. Viết hôm nay, mai đăng, thế mới sướng, mới là làm báo chứ!
 
Thoắt cái đã hơn hai mươi năm gắn bó với báo. Mới hôm nào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Khoa Điềm sang thăm. Đi một vòng quanh cơ quan rồi về hội trường gặp mặt cán bộ, phóng viên của báo, ông nói như tâm sự với anh em trong nhà: “Không ngờ báo còn vất vả thế. Thà rằng chúng ta còn ở trên rừng, chứ hoà bình, độc lập lâu rồi mà như thế này thì tội nghiệp cho anh em làm báo quá. Ít nhất cũng có cái máy photocopy, một cái phòng gắn máy lạnh để anh em viết lách trong những ngày hè đỡ khổ...”. Tất nhiên, ông cũng yêu cầu đội ngũ những người làm báo chúng tôi phải nỗ lực, nhanh nhạy nhiều hơn nữa để không ngừng nâng chất tờ báo, để Thừa Thiên Huế ngang tầm là tờ báo đứng chân trên vùng đất có bề dày về lịch sử - văn hoá, vùng đất có truyền thống báo chí từ rất sớm… Sau chuyến thăm của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Báo Thừa Thiên Huế đã nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh. Cơ sở vật chất từng bước được tăng cường, lực lượng PV-BTV được tạo điều kiện để chuẩn hoá, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị. Từ mỗi tuần 2 kỳ, báo tăng lên 3- 4 rồi 5-6 kỳ/tuần. Bắt đầu từ năm 2000, báo phát hành hàng ngày, trở thành một trong những tờ báo địa phương đầu tiên trong cả nước ra được nhật báo. “Khủng” hơn là Thừa Thiên Huế còn thường xuyên được Đài Truyền hình Việt Nam điểm báo vào mỗi buổi sáng khiến bạn bè, đồng nghiệp nơi nơi không giấu được “ganh tị”…
 
Bên cạnh tờ báo in, cách đây gần 1 năm rưỡi, vào 21/6/2011, Báo Thừa Thiên Huế cũng đã chính thức ấn nút ra mắt trang thông tin điện tử tại địa chỉ baothuathienhue.vn. Tuy phát hành chưa lâu và chưa thực sự bằng lòng, song con số hơn 27,2 lượt triệu người truy cập đã nói lên sức hấp dẫn cũng như sự yêu mến, sự quan tâm, kỳ vọng của bạn đọc gần xa đối với Thừa Thiên Huế điện tử nói riêng và Báo Thừa Thiên Huế nói chung. Chính điều ấy nhắc nhở tôi và các đồng nghiệp của tôi cần phải nỗ lực và nỗ lực thật nhiều…
Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top