ClockThứ Năm, 01/08/2019 07:00

Ngày đi dạy, tối mưu sinh

TTH - Tiếng ê a học bài văng vẳng trong gian nhà cuối thôn Đập Góc (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) khiến vùng quê nghèo trở nên sống động. Từ năm 1990 cho đến nay, một lớp học dành cho các em nhỏ được duy trì đều đặn bởi “thầy giáo làng” Trần Văn Hòa.

Người lính già giàu tình nghĩaLuôn nghĩ cho dân“Người thầy thuốc của bản làng”Giỏi giang và nhân hậu

Thầy Hòa đã dạy học miễn phí gần 30 năm

Người thầy đầu tiên

Đã 29 năm từ ngày thầy Hòa (lúc đó là chàng trai Trần Văn Hòa, 28 tuổi) quyết định mở lớp học cho con em vùng Đập Góc. Thầy tâm sự: “Ba mẹ tôi có 11 người con, nhưng cả 5 chị đầu đều mù chữ cả. Tôi thì may mắn hơn, được đi học. Rồi đến các con tôi, việc tìm cái chữ cũng rất nhọc nhằn…”. Đồng cảm sự khổ cực, vất vả, lại nghĩ mình cũng có ít chữ (lúc này trình độ của thầy ngang lớp 10), thầy Hòa xin mẹ mở lớp miễn phí ngay tại nhà ngang để dạy chữ cho con em trong thôn từ lớp một đến lớp bốn.

Cách đây 30 năm, đường sá đi về thôn Đập Góc chưa được bê tông hóa như bây giờ. Học trò trong thôn muốn đến trường phải được cha mẹ đưa đón cẩn thận. Mùa nắng thì còn đỡ, đến lúc mưa lũ, cha mẹ phải canh giờ con đi học về để đến đón, cõng, lội, đi đò… có đủ, vất vả và nhọc nhằn hơn cả việc kiếm cơm.

Có lẽ vì thế nên mãi đến năm 46 tuổi, “thầy giáo làng” mới tốt nghiệp bổ túc THPT. Cùng chiếc ghe cũ kỹ, không quản nắng mưa, thầy Hòa chăm chỉ lên phố để học. Cũng từ hình ảnh kiên cường, không ngại tuổi tác ấy, lớp học sinh con em của làng lấy thầy làm gương. Anh Trần Văn Muốn, một người con Đập Góc chia sẻ: “Lúc nhỏ mình chưa định hình được việc học để làm gì. Ước mơ cũng là điều xa xỉ, vì chung quanh mọi người cứ lam lũ với ruộng, với cá tôm. Chỉ biết rằng thầy đã động viên mình và các bạn đi học. Từ lớp học nhỏ ấy, mình học lên, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng và có cuộc sống êm ấm như ngày hôm nay”.

Trần Văn Muốn hiện đang công tác tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Thế hệ của anh về sau còn có anh Trần Văn Mậu, Xuân Phú, Xuân Phi… những cái tên là niềm tự hào của bà con Đập Góc vì đã học lên, tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Tất cả những niềm tự hào ấy đều được xây dựng trên nền tảng lớp học đầy tình thương của thầy Hòa, người thầy đầu tiên trong cuộc đời những học sinh vùng khó.

Ban ngày đến lớp, vì thế công cuộc mưu sinh của thầy đành gác lại, chờ đến tối. Buổi chiều, khi tiếng học sinh đã vắng, người thầy sinh năm 1962 bắt đầu lo đến bản thân. Thầy Hòa lên đò, đến khu vực ao nuôi của mình để chăm tôm, cá. “3.500m2 mặt nước ni là nguồn sinh kế của gia đình tôi, giúp tôi nuôi 5 người con. Nhờ nuôi tôm, nuôi cua mà tôi có thể tiếp tục duy trì công việc dạy học bao nhiêu năm nay”, người thầy nhân hậu chia sẻ.

Trò hơn tuổi thầy

Năm 2016, nhận thấy nhu cầu học chữ của các chị phụ nữ làng chài vùng Phú An (Phú Vang), một lớp học khác được mở ra ở khu tái định cư. Cứ thế, thầy giáo và học trò với độ tuổi "xêm xêm" nhau, cứ sáng thứ 2, 4, 6 hàng tuần là lại gặp nhau, vật lộn với con chữ để đọc thông, viết thạo.

Những học trò gần bằng tuổi thầy

Ấn tượng của chúng tôi khi đến lớp học của thầy là sự kiên nhẫn đến kỳ lạ. Vào giờ chính tả dành cho chị em vùng sông nước, thầy cứ nhẩn nha nhả chữ. Những từ nào khó, thầy lẳng lặng viết lên bảng. Cứ thế, một bài văn gần 200 từ phải mất đến một tiếng để hoàn thành.

Bà Trần Thị Sang, năm nay đã 60 tuổi, là học viên đến lớp từ năm 2017 thủ thỉ: “Hồi nhỏ khó khăn quá, tôi không được học chữ. Lớn lên đến ký cái giấy cũng lăn tay, đánh vần cái tên mình cũng không được. May mắn được thầy Hòa giúp đỡ, tôi tranh thủ làm lụng sớm, cứ 9 giờ sáng đến lớp, 11 giờ mới về để biết cái chữ”.

Ở vùng này, tầm 9-11h là lúc các chị có thể tranh thủ đi chợ xong thì đến học. Đến giờ là í ới rủ nhau đi, người xe đạp, người chiếc xe máy cà tàng. “Cặp sách” của các chị y chang nhau, một túi ni lông màu, quyển sách, cây bút, quyển vở và một xấp giấy… chép nhạc. Cứ sau mỗi buổi, những giọng ca lại cất lên dựa vào lời bài hát. Đây cũng là cách ôn luyện tuyệt vời để các chị không quên mặt chữ.

“Phải cảm ơn thầy Hòa thật nhiều, ví như con tôi cũng học đại học, nhưng nó không bày chữ cho mẹ được. Thế nhưng, thầy Hòa lại kiên nhẫn và thật sự tận tâm khi dạy chữ cho chúng tôi. Bây giờ ra đường, tôi có thể tự tin hơn, không còn lo bị nói là mù chữ”, một học viên cảm động khi nhắc đến thầy Hòa. Hiện nay có 11 chị em theo học lớp xóa mù chữ, mọi người đa phần đều đã đọc thông, viết thạo.

Tối làm ngư dân, sáng lại làm thầy. Cứ thế, niềm vui của thầy giáo làng Trần Văn Hòa thật giản dị: "Nhìn con em đi học, có cái chữ để tiến thân thì tôi mừng lắm. Chứ quanh năm cứ gian nan theo con tôm, con cá thì sẽ không bao giờ thoát nghèo được. Chừ tôi có thể góp chút công sức là thấy cuộc sống vui vẻ, phấn khởi lên".

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang, cho biết: “Một niềm vui của người dân thôn Đập Góc, đó là nhờ sự nỗ lực của các cấp và Trường tiểu học Phú Mỹ II, các em học sinh đã được tạo điều kiện tối đa để đến trường, hòa nhập cùng các bạn. Tuy vậy, công việc của thầy Trần Văn Hòa vẫn không dừng lại. Thầy Hòa là một tấm gương sáng, rất đáng ngợi khen và tuyên dương”.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ

Bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ Trần Văn Anh bắt đầu từ năm 2015 đến nay đã được 9 năm đồng hành cùng với quý người già neo đơn, nghèo khó. Đây là chương trình giúp đỡ và bảo trợ đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị).

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ
Tuyên dương thầy giáo dũng cảm cứu người

Sáng 20/11, tại Trường THPT Hương Vinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên dương, khen thưởng thầy giáo Lê Ngọc Thùy, giáo viên dạy môn toán Trường THPT Hương Vinh về hành động dũng cảm cứu sống 3 người dân bị nước lũ cuốn trôi.

Tuyên dương thầy giáo dũng cảm cứu người
Thầy giáo “ô chữ”

Trong hơn 20 năm giảng dạy và công tác, thầy giáo Nguyễn Văn Cần, giáo viên môn vật lý Trường THCS Thủy Phương (TX. Hương Thủy) đã liên tục tìm tòi, sáng tạo nên nhiều đề tài hay, bổ ích cho giáo viên và học sinh.

Thầy giáo “ô chữ”
Thầy giáo dũng cảm cứu người trong lũ dữ

Thầy giáo Lê Ngọc Thùy, giáo viên môn toán Trường THPT Hương Vinh đã bất chấp hiểm nguy cứu được 3 người bị nước lũ cuốn trong vụ lật chìm ghe làm 2 mẹ con chết đuối diễn ra vào sáng 15/11 tại Đập Hậu – Sông Đào thuộc địa bàn phường Hương Vinh, TP. Huế.

Thầy giáo dũng cảm cứu người trong lũ dữ

TIN MỚI

Return to top