Thế giới

Ngày Độc thân 11/11: Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng đạt doanh thu kỷ lục

ClockThứ Năm, 11/11/2021 18:48
TTH.VN - Với dự đoán về một đợt giảm giá kỷ lục trong Ngày Độc thân 11/11 – ngày hội mua sắm trực tuyến thường niên lớn nhất thế giới, các công ty thương mại điện tử và hậu cần đã chuẩn bị khá kỹ càng khi tăng cường nhân lực, mở các kho hàng mới… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Ngày hội mua sắm 11/11 là tuyệt vời, trừ lượng rác thải từ bao bì đóng gói mà nó thải raAlibaba thu về gần 10 tỷ USD trong giờ đầu tiên của Ngày Độc thân 2018Alibaba kiếm 5 tỷ USD sau 90 phút ngày mua sắm Độc ThânĐông Nam Á: Số lượng người tiêu dùng trực tuyến sẽ đạt 310 triệu vào cuối năm nayĐông Nam Á: Bùng nổ mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục ngay cả sau đại dịchBlack Friday đạt doanh thu trực tuyến kỉ lục 7,4 tỉ USD tại MỹASEAN sẵn sàng cho ngày hội mua sắm trực tuyến 11/11

Hàng loạt ứng dụng mua sắm cùng quảng bá sự kiện ngày 11/11. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, người mua sắm có thể vẫn thấy có sự chậm trễ đối với các đơn đặt hàng trực tuyến trong năm nay do các tác động từ đại dịch, dẫn tới sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một số công ty trong trong lĩnh vực này cảnh báo.

Ngày Độc thân, được tổ chức vào ngày 11 tháng 11 hàng năm, bắt đầu ở Trung Quốc vào năm 2009 với chỉ 27 doanh nhân tham gia, đã nhanh chóng tạo nên sức hút trên khắp thế giới và trở thành ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất toàn cầu.

Năm ngoái, bất chấp sự tàn phá dữ dội của đại dịch COVID-19, sàn thương mại điện tử Alibaba và đối thủ JD.com đã ghi nhận 115 tỷ USD giao dịch trong mùa sự kiện kéo dài 11 ngày. Để so sánh, công ty dữ liệu Adobe Analytics cho biết các giao dịch trực tuyến tại 80 trong số 100 nhà bán lẻ hàng đầu ở Mỹ đạt 9 tỷ USD trong dịp Black Friday năm ngoái, và đạt 10,8 tỷ USD trong ngày Cyber Monday – hai sự kiện mua sắm lớn ở Mỹ.

Tại Singapore, doanh số bán lẻ trong dịp 11/11 năm ngoái cũng đã tăng gần 350% trong một ngày, mặc dù nước này cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế.

Trong một cuộc khảo sát của CNA, nhiều doanh nghiệp bày tỏ hy ​​vọng “​​kỳ tích” sẽ một lần nữa lặp lại trong năm nay, khi thói quen mua sắm trực tuyến ngày càng ăn sâu vào người tiêu dùng toàn cầu nói chung và Đông Nam Á nói riêng, nhất là trong bối cảnh đại dịch. 

Sàn thương mại điện tử Lazada cho biết năm 2020 – với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, càng thúc đẩy sự bùng nổ mạnh mẽ của thói quen mua sắm trục tuyến, từ đó tạo tiền lệ cho những năm tiếp theo.

“Việc áp dụng thương mại điện tử đã tăng tốc kể từ đầu năm 2020 và chúng tôi đã chứng kiến ​​nhu cầu bán hàng tăng vọt trong 20 tháng qua, khi ngày càng nhiều người quen với thói quen mua sắm mới”, ông James Chang, Giám đốc điều hành của Lazada Singapore nói, và lạc quan rằng ngày 11/11 năm nay sẽ phá vỡ kỷ lục về doanh số trước đó.

Chuẩn bị kỹ càng

Nắm bắt đúng tình hình, nhiều công ty hậu cần đã chuẩn bị cho khối lượng bưu kiện tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, có thể lên đến 200.000-300.000 đơn giao hàng mỗi ngày. Ví dụ, công ty giao nhận J&T Express Singapore đã chứng kiến ​​mức tăng trưởng hai con số vào Ngày Độc thân trong hai năm qua và năm nay “sẽ không có gì khác biệt”, giám đốc điều hành Andrew Sim nhận định.

Tại UrbanFox, Giám đốc điều hành Joe Choa cho biết năm nay, công ty “dự đoán số lượng hàng hoá sẽ cao hơn đáng kể so với bình thường” khi người mua sắm trực tuyến tiếp tục tăng về số lượng và ngày càng nhiều thương hiệu thành lập các cửa hàng kỹ thuật số và giao hàng trong bối cảnh đại dịch.

Các chương trình khuyến mãi hấp dẫn được tung ra để thu hút khách hàng. Ảnh: Internet

Lazada nói rằng họ đã chuẩn bị cho sự kiện ngày 11/11 từ đầu năm, bao gồm làm việc với các đối tác giao hàng trước vài tháng để đảm bảo họ có đủ năng lực để xử lý lượng đơn đặt hàng tăng đột biến.

So với năm ngoái, số lượng thương hiệu trên LazMall đã tăng 40%. Cũng có thêm 40% người bán hàng địa phương tham gia bán hàng trong năm nay. Trong khi đó, nền tảng thương mại điện tử Shopee cũng đã chứng kiến ​​số lượng người bán hàng tham gia tăng gấp đôi trong năm nay.

Tập đoàn Alibaba, giám sát các nền tảng phổ biến Taobao và Tmall, tuyên bố đã phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, khi kỹ năng thương mại điện tử và sự nhu cầu của người tiêu dùng tiếp tục gia tăng

Mặc dù đại dịch đã tạo ra những thách thức về phía hậu cần và chuỗi cung ứng, Alibaba đang giải quyết những vấn đề này thông qua chi nhánh hậu cần Cainiao Network.

Cainiao đã dự trữ trước hơn 300 triệu mặt hàng từ 87 quốc gia và khu vực trong các kho hàng trên khắp Trung Quốc, từ đó có thể giúp các thương gia tránh bị chậm trễ trong việc giao hàng. Chi nhánh này cũng đảm bảo không gian hàng hóa bổ sung cho hơn 1.350 chuyến bay, 1.170 container trên 210 chuyến vận tải đường biển và 150 xe tải để giao hàng đến Bắc và Đông Nam Á.

Chris Fan, người đứng đầu bộ phận hoạt động xuyên biên giới của Cainiao Singapore cho biết: “Với mạng lưới hậu cần rộng lớn này, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giao hàng hiệu quả hơn”.

Đối với Ninja Van, việc lập kế hoạch cho Ngày Độc thân hàng năm đã bắt đầu từ một năm trước khi họ quyết định tăng cường đầu tư vào tự động hóa để đối phó với tình trạng khan hiếm nhân lực trong ngành.

Tuy đã chuẩn bị kỹ càng, nhưng chắc chắn việc giao hàng vẫn có thể bị chậm trễ “một vài ngày” do lượng đơn đặt hàng tăng đột biến và một số yếu tố khác, J&T Express cho biết. Theo đại diện của J&T Express, nguyên nhân có thể do “các tình huống bất ngờ” như điều kiện thời tiết, giao thông và tình hình đại dịch. Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra trên khắp thế giới cũng có thể góp phần gây ra sự chậm trễ, mặc dù tác động của nó đã phần nào giảm bớt.

Không nằm ngoài xu hướng chung, sự kiện Ngày độc thân 11/11 cũng đã trở thành ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam. Trong năm ngoái, doanh số bán lẻ trực tuyến trong ngày này tăng 378% và lượt xem sản phẩm tăng 126% so với số liệu cơ bản cùng năm. Cả ba sàn thương mại điện tử đa ngành hàng đầu tại thị trường Việt Nam là Lazada, Shopee và Tiki đều đã ghi nhận những con số kỷ lục trong năm 2020.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA & Time)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á: Trung tâm thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng

Hiện nay, lãnh đạo của các công ty đa quốc gia phải đối mặt với sự không chắc chắn chưa từng có trong việc định hình chiến lược chuỗi cung ứng, cũng như tái cấu hình mạng lưới của công ty để ứng phó với biến động địa chính trị toàn cầu.

Đông Nam Á Trung tâm thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng
Return to top