ClockThứ Bảy, 10/10/2015 07:20

Ngày giải phóng Thủ đô qua ống kính của một sinh viên Huế

TTH.VN - Ngày 10 tháng 10 hằng năm được gọi là "Ngày giải phóng Thủ đô". Gọi là gỉải phóng nhưng chẳng có một trận đánh nào, không có đổ một giọt máu nào, cho nên người Hà Nội cũng quen gọi đó là "Ngày tiếp quản Thủ đô". 

Ngày đó, 10/10/1954, một Người Huế, 32 tuổi, sinh viên Đại học Hà Nội (do chính quyền chiếm đóng người Pháp mở) có mặt trong đám người dân Hà Nội đi đón Đoàn quân Việt Nam chiến thắng từ chiến khu trở về, với một cái máy ảnh Retina 2A trong tay. Anh học Trường đại học Khoa học (Faculté des Sciences, ban Toán Lý Hóa-Mathématiques-Physique-Chimie, gọi tắt là M.P.C.) và Đại học Luật (Faculté  de Droit). Người sinh viên đó là tôi, Thân Trọng Ninh, tác giả bài hồi ký này.

Quân ta trở về

Sau thua trận Điện Biên Phủ (tháng 5/1954), Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genève (tháng 7/1954). Theo đó, nước ta bị chia cắt làm 2 miền, lấy sông Hiền Lương , vỹ tuyến 17 làm ranh giới. Có một sự di cư  khổng lồ hàng triệu người hai chiều, từ Bắc vào Nam và ngược lại. Trong đại gia đình tôi (Họ Thân), hầu như tất cả đều tạm biệt Miền Bắc trở về Huế và các tỉnh phía  Nam vỹ tuyến 17.

Về phần tôi, đã từng tham gia kháng chiến từ 1945, bị lính Pháp bắt năm 1951 trong một trận càn  tại chiến khu đồng bằng tỉnh nhà, nơi có ngôi trường tôi được điều động về dạy học-Trường trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu. Sau khi được trả tự do tôi lại rời nhà, mẹ già và các em nhỏ, tạm biệt Huế để ra Hà Nội học tiếp đại học, nên trong lòng cứ băn khoăn mãi, ở lại hay đi?

Tôi còn bị ràng buộc về tình cảm, không đành để người chú ruột và người anh cả ở lại miền Bắc một mình. Nếu  sau này  muốn đi thì cũng có thể xuống Hải Phòng đang còn dưới sự kiểm soát của quân Pháp, để trở về Huế, quê hương, không có gì khó khăn cả. Vả lại, trong Hiệp định Genève, có qui định năm 1956 hai miền Bắc-Nam sẽ tổ chức tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, tôi sẽ gặp lại gia đình cũng không muộn.

Suy nghĩ, day dứt về phía bản thân, thúc dục dằn vặt về bên phía gia đình người vợ chưa cưới, nhiều đêm không sao ngủ được. Thấy bạn bè, người thân ra đi ồ ạt, có lúc tôi cũng bị xao xuyến trong lòng! Nhưng rồi sự lựa chọn ở lại với Cách mạng cho thủy chung đã thắng thế. Giờ đây càng thấy quyết định đó là sáng suốt và đúng đắn...

Và rồi tôi có mặt sáng ngày 10 tháng 10  năm 1954 tại Hà Nội để chứng kiến ngày vui lớn, ngày giải phóng Thủ đô. Tôi cầm máy ảnh chạy đi chạy lại, chụp được hai cuốn phim Kodak cỡ 24x36 mm, đen trắng. Tôi đưa tráng phim tại hiệu ảnh Quốc tế, cả 72 ảnh âm bản đều tốt. Tôi cho in ra để xem, mừng vì không ngờ tôi đã ghi lại hình ảnh có một không hai của lịch sử Thủ đô. 

Những toán lính  Pháp cuối cùng rút khỏi Thủ đô

Năm 1960, một người bạn thân của tôi là nhà sử học Phạm Gia Bền, trong Ban biên tập quyển sách "Lịch sử Thủ đô Hà Nội" do ông Trần Huy Liệu chủ biên-Nhà xuất bản Sử học thuộc Viện Sử học Việt Nam  ấn hành, than thở với tôi tìm không ra ảnh tiếp quản Hà Nội để  in vào sách. Tôi bèn cho anh xem các ảnh tôi chụp, anh xin tôi cho in 4 ảnh mà anh cần để minh họa ngày cuối cùng của lính Pháp ở Thủ đô. Ảnh trong sách in nhỏ ít người đọc chú ý.

Đến tháng 10 năm 1964, có một triển lãm kỷ niệm ngày 10/10 lịch sử, mười năm giải phóng Thủ đô, do Sở Văn hóa thông tin Hà Nội và Ban Liên lạc Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức.

Họ biết tôi có chụp ảnh về ngày 10/10 năm 1954 nên yêu cầu tôi chọn 3 ảnh để tham gia triển lãm.

Tôi chọn một ảnh có mấy tên lính Pháp đang đứng gác ở đầu phố Hàng Bông chờ xe đến đón, một ảnh  đoàn các cụ khăn đen áo dài xếp hàng ở phố Hàng Gai, cầm băng khẩu hiệu chào mừng đoàn quân ta trở về và một ảnh mấy người dân mang hoa chạy ra giữa phố Đinh Tiên Hoàng tặng  các anh bộ đội đang đứng trên xe chạy chậm vẫy tay chào quần chúng. Cái ảnh thứ ba nhận được giải thưởng của ban tổ chức...

Thế rồi tôi cất giữ kỹ hai cuộn phim ấy trong hai hộp nhôm sơn màu vàng của hiệu Kodak, cho tới nay, xem nó là một báu vật, một kỷ niệm của những ngày còn trai trẻ.

Tình cờ vào tháng 7 năm 2004, tôi gặp nhà sử học Dương Trung Quốc tại khách sạn Héritage đường Lý Thường Kiệt-TP Huế. Ông cho tôi biết tháng 10 năm ấy (2004), Hà Nội sẽ tổ chức rất trọng thể kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Tôi nói với ông rằng, tôi có chụp ảnh ngày đó khi tôi đang ở Hà Nội. Mắt ông sáng lên, và nói với tôi một cách ngạc nhiên: "Thế à? Tôi muốn được xem các ảnh đó ngay được không? ". Tôi hẹn với ông để tôi in ra ảnh trên giấy mới có thẻ  xem  được. Ông Quốc có vẻ sốt ruột nhưng biết làm thế nào được? Ông hẹn với tôi sẽ trở lại Huế tuần sau, vì theo ông, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mà ông là tổng thư ký muốn làm cái gì để đóng góp cho lễ kỷ niệm nói trên.

Ông trở lại Huế như đã hẹn, lần này về tìm tôi tại nhà riêng. Ông xem 72 cái ảnh đen trắng đã in sẵn và nói rằng: "Đây rồi! tôi sẽ tổ chức một triển lãm ảnh lấy tên: "Ngày tiếp quản Thủ đô qua ống kính người dân Hà Nội". Sau này ông viết trong tạp chí "Xưa và Nay" ở trang 6 như sau: ..."Tôi đã gặp một ông cụ ngoài bảy mươi ở Huế, giọng Huế đặc, nhưng ông nói rằng cái ngày 10 /10 / 1954 ấy, ông là một sinh viên đang có mặt tại Hà Nội. Khi quân ta chưa về ông chạy ra bờ sông chụp những đoàn xe nhà binh Pháp rút qua cầu Long Biên, khi nghe tiếng hò reo vọng từ Bờ Hồ, ông vội vác máy chạy ra trước đền Ngọc Sơn, chụp đoàn quân giải phóng... Suốt ngày hôm đó ông chụp được hai cuốn phim Kodak France. Hai cuốn phim đến nay ông vẫn giữ nguyên vẹn trong cái vỏ hộp bằng nhôm màu vàng... Chính 72 tấm ảnh chất lượng còn rất tốt đã nảy ra cái ý tưởng muốn xem những ký ức trong dân về cái ngày không thể nào quên ấy còn bao nhiêu..."

Ít lâu sau, có một nhà báo hỏi ông Dương Trung Quốc về ý tưởng táo bạo này có khả thi không? Qua trả lời của ông, nhà báo nọ đã viết: ..."Lịch sử của Hà Nội đã được ghi lại rất sinh động trong 2 cuốn phim Kodak của một chàng sinh viên Huế, bây giờ là nhà giáo Thân Trọng Ninh  82 tuổi. Chính sự phát hiện của nhà sử học Dương Trung Quốc về bộ tư liệu ảnh  quý giá này mà ra đời cuộc triễn lãm ".

Chiến lợi phẩm từ Điện Biên Phủ

Thế rồi ngày 18/9/2004, UBND Thành phố Hà Nội, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức lễ khai mạc dưới sự chủ trì của BS Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội… Nhà triển lãm bắt đầu mở cửa cho quần chúng Nhân dân đến xem. Số ảnh của tôi được triển lãm là 36 cái, chiếm hơn nửa số ảnh triển lãm. Phòng triển lãm rộng nhưng  khách đến xem quá đông. Người xem cười nói âm vang, các nhà báo phỏng vấn các tác giả, nhiều nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước chụp lại các ảnh phóng đại treo kín khắp các bức tường. Tôi bị lôi đi kéo về, chỉ chỏ, giải thích, đứng chụp ảnh chung với những người có mặt trong các ảnh tôi chụp, nay tóc đã hoa râm nhưng rất tươi tắn. Bao nhiêu người đến xin tôi địa chỉ, có người đem quà tặng làm kỷ niệm... Tôi đã tiếp xúc với các cụ bà mà hình của họ có trong ảnh tôi chụp thời ấy như bà Vương Thị Hiếu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp, bà Lê Thị Túy, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, bà Thanh Nga, phu nhân cuả nhạc sĩ Trọng Bằng... Cố GS Trần Quốc Vượng chỉ cho tôi xem ảnh của thân mẫu giáo sư đứng trong đám đông ở đường Đinh Tiên Hoàng đón Đoàn quân ta diễu hành qua. Nhiều vị sĩ quan Quân đội cho tôi biết tên một số đồng đội nay đã khuất. 

Tác giả Thân Trọng Ninh tại cuộc triển lãm năm 2004 ở Hà Nội

Trong lòng tôi vui buồn lẫn lộn khi thấy có người lau nước mắt khi nhận ra người thân nay không còn. Đài Truyền hình Trung ương đem xe mời tôi đi đến các nơi tôi đã ghi trong ảnh. Tại hai phố Hàng Gai, Hàng Bông  tôi chỉ cho họ xem nơi tôi đứng bấm máy, nơi tôi chụp ảnh. Vẫn còn nguyên các cột điện... Một vài cửa hàng vẫn còn mang nhãn hiệu của ngày ấy sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời!

Hôm nay, 10/10/2015, sáu mươi hai năm đã trôi qua, tôi nhớ lại cái ngày giải phóng Thủ đô, nhớ Hà Nội ngày nay. Một con em người Huế đã góp phần viết một đoạn lịch sử Hà Nội bằng 72 bức ảnh sống động nhất, độc nhất vô nhị. Hà Nội, Huế là anh em như thế đó!

NGUT Thân Trọng Ninh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áp dụng các chính sách, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Chiều 25/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do UVTW Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ băn Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.

Áp dụng các chính sách, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

Sáng 25/4, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp công dân tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc. Cùng dự buổi tiếp công dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

TIN MỚI

Return to top