ClockThứ Bảy, 26/03/2016 05:56

Ngày không thể nào quên

TTH - Họ là những người trực tiếp cầm súng chỉ huy tham gia các trận đánh oanh liệt để kết thúc sứ mệnh đấu tranh, giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, hoặc từng chứng kiến thời khắc khi quê hương được giải phóng. Nhớ về sự kiện lịch sử của quê hương 41 năm trước (ngày 26/3/1975), chẳng ai có thể nào quên...

Ông Lê Trường Giang (Lê Công Hoanh), nguyên Trưởng ban Quân báo Tỉnh đội Thừa Thiên:

Nhiều kỷ niệm đáng nhớ

Có rất nhiều ấn tượng và kỷ niệm đáng nhớ trong giờ phút giải phóng quê hương, nhưng với tôi kỷ niệm nhớ nhất đó là trước sự tấn công ồ ạt của ta, địch rút chạy toán loạn về hướng các cửa biển Thuận An, Tư Hiền để mong thoát thân vào Đà Nẵng. Ngụy quân, ngụy quyền vừa chạy, vừa dắt díu vợ, con tìm cách thoát thân là một cảnh tượng hết sức hỗn loạn như đàn ong vỡ tổ. Trên các tuyến đường, bọn chúng tháo chạy, một lượng lớn xe cộ, áo quần, giày mũ, kể cả xe máy vứt ngổn ngang. Điều đáng nói, nhiều lính ngụy trước sự kêu gọi của ta đã bỏ súng đầu hàng để được về với người thân, gia đình, khi nào được lệnh thì đến trình diện...

Phải khẳng định, chủ trương “Giải phóng nông thôn, bao vây thành thị” và quyết định giải phóng toàn bộ Thừa Thiên Huế là một sự bất ngờ, táo bạo của cấp trên. Bài học được rút ra đó là sự lãnh, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của cấp trên; tính kiên quyết, quyết đoán của các cấp khi thời cơ đến; sự hăng hái của cán bộ, chiến sĩ; sự đồng lòng của người dân đã tạo nên thành công trong công cuộc giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế. Giải phóng Thừa Thiên Huế là tiền đề cực kỳ quan trọng để chúng ta mở cánh cửa, tiếp tục phát triển cuộc tấn công về phía Nam, giải phóng TP Đà Nẵng và các tỉnh Trung Trung bộ, làm thất bại ý đồ rút quân co cụm về Đà Nẵng cố thủ của quân đội Sài Gòn.  

Ông Bùi Trung Thành, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6:

Nắm chắc tình hình để giác ngộ các đối tượng

Thừa Thiên Huế những ngày đầu sau giải phóng biết bao ngổn ngang. Làm thế nào vừa bảo vệ thành quả cách mạng, nhưng khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh là vấn đề đặt ra. Cùng với các lực lượng khác, tôi được phân công về tiếp quản, xây dựng cơ sở vùng mới giải phóng. Chúng tôi được giao về vùng Hương Trà, địa bàn hoạt động là Hương Sơ với nhiệm vụ khẩn trương xây dựng cơ sở, tổ chức lực lượng dân quân du kích, nắm tình hình.

Khó khăn nhất thời điểm này là làm sao để nắm chắc tình hình, nhất là các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền. Làm thế nào vừa vận động họ cùng gia đình giác ngộ theo cách mạng trong khi lực lượng cán bộ của ta rất mỏng. Với cương vị là Trung đội trưởng, bản thân tôi cũng như anh em trong đơn vị quyết tâm phải xây dựng được một đơn vị điểm trong việc xây dựng cơ sở.

Nhiệm vụ của chúng tôi là tuyên truyền để các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền hiểu rằng: Chúng tôi là những người cách mạng tự nguyện bảo vệ Tổ quốc, còn các anh buộc phải đi vì cuộc chiến tranh phi nghĩa. Giờ quê hương mình đã giải phóng, chúng ta nên hòa hợp với nhau. Thừa Thiên Huế vừa giải phóng, chúng tôi bắt đầu thực hiện sứ mệnh của mình là tập trung tháo gỡ bom, mìn. Chính từ xây dựng cơ sở, nắm chắc đối tượng và tích cực vận động, nhiều đối tượng ngụy quân, ngụy quyền đã giác ngộ, giúp chúng tôi thực hiện tốt xử lý bom, mìn sau chiến tranh.

Bà Nguyễn Thị Nghệ, nguyên cán bộ phụ vận vùng giải phóng Thừa Thiên Huế:

Ngụy quân, ngụy quyền rút đến đâu, mình tiếp quản, xây dựng cơ sở đến đó

Thời điểm đó tôi được giao nhiệm vụ về cơ sở để làm công tác dân vận, vừa xây dựng chính quyền thôn, xã, vừa vận động người dân vùng giải phóng về lại làng cũ để làm ăn sinh sống. Anh em chúng tôi luôn xác định, ngụy quân, ngụy quyền rút đến đâu, mình tiếp quản, xây dựng cơ sở đến đó. Vùng Ngũ Điền (Phong Điền) những ngày đó dù là vùng được giải phóng, nhưng đa số người dân bỏ nhà cửa chạy giặc. Phải sớm xây dựng chính quyền, tích cực tuyên truyền, vận động để người dân tin tưởng quê hương đã được giải phóng, không còn chiến tranh là vấn đề đặt ra đối với bản thân tôi cũng như anh, chị em khác. Cái khó lúc đó là làm thế nào để phân biệt được đâu là dân thường, đâu là ngụy quân, ngụy quyền khi thất trận vẫn còn trà trộn trong dân. Chính bằng sự tuyên truyền, vận động, thuyết phục, chúng tôi đã sớm xác định ra đối tượng mình cần nắm. Sau quá trình nỗ lực, cố gắng, Điền Hải, Điền Hòa là hai xã đầu tiên vùng Ngũ Điền sớm có chính quyền thôn, xã.

Bài, ảnh: Anh Phong

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Khẩn trương bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng cầu vượt sông Hương

Chiều 2/2, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế (Trung tâm) thông tin, hiện nay các ban, ngành địa phương đẩy nhanh việc bồi thường, tái định cư (TĐC) cho các gia đình để hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng xây dựng DA cầu vượt sông Hương trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Khẩn trương bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng cầu vượt sông Hương
Return to top