ClockThứ Năm, 27/07/2017 13:11

Ngày mai thôi, Tổ quốc đọc tên mình...

TTH - Như thể có tiếng gọi từ trong sâu thẳm rừng già của những ngày đạn bom ác liệt, ông Cao Việt Đức hiểu mình phải nhanh chóng đi theo tiếng gọi của tình đồng chí, đồng đội, bất chấp phải lội suối trèo đèo, bởi với ông, thời gian không còn nhiều nữa…

Đưa đồng đội về nghĩa trang liệt sĩ

Tiếng gọi từ rừng già

Ông Cao Việt Đức, nguyên là sĩ quan đặc công, quê Bắc Giang, nhập ngũ từ 1973, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Năm 1984, ông phục viên về nhà làm trang trại. Ông là người đã làm nên thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” nổi tiếng. Đến năm 2004, trong khi nhà cửa khang trang, con cái yên bề gia thất, ông bỗng mất ngủ triền miên. Trong những cơn mơ chập chờn, ký ức chiến tranh hiện rõ mồn một: Nơi ấy, cửa khẩu Xa Mát, 17 đồng đội của ông đã hy sinh trong một trận đấu ác liệt… Như thể có tiếng gọi từ trong sâu thẳm rừng già của những ngày đạn bom ác liệt, ông hiểu mình phải đi theo tiếng gọi của tình đồng chí, đồng đội.

Ông giao toàn bộ công việc trang trại cho vợ con, dốc toàn tâm vào việc đi tìm mộ liệt sĩ qua việc giám định ADN. Đây là phương pháp mới, dựa trên mẫu ADN của liệt sĩ được giám định, những người đi tìm căn cứ trên những hồ sơ liên quan sẽ lấy mẫu ADN của người thân liệt sĩ (chủ yếu dòng họ bên mẹ) để đối sánh, nếu khớp nối mẫu ADN thì đó chính là liệt sĩ mà gia đình cần tìm. Công việc đòi hỏi ông phải tỉ mẩn đọc hàng chồng hồ sơ để tổng hợp, đối chiếu. Ngoài giấy báo tử có ký hiệu, mã hiệu của đơn vị liệt sĩ là chìa khóa quan trọng; ông phải tìm hiểu cặn kẽ thêm về các trận đánh, đường tiến quân, giai đoạn chuyển quân của các binh chủng… Các ký hiệu trên giấy báo tử thường được ngụy trang đánh lạc hướng địch, và cũng lắm khi, đơn vị báo tử đã ghi sai hoặc nhầm ký hiệu đơn vị…

Thời gian đầu, những mã hiệu 7658, 8132, 7961… là gì và ở đâu khiến ông mất ăn, mất ngủ. Để nắm được các ký hiệu, ông phải mày mò mất 3 năm đi thực tế tìm hiểu. Ví như khi đến Quân đoàn 4, ông mới biết mã ký hiệu của quân đoàn là KT, P2, một số là B2… Phải hiểu cặn kẽ như thế, cộng thêm thông tin tất cả các chiến trường trong toàn quân, mới xác định được các vị trí hoạt động của liệt sĩ trước lúc hy sinh…

Nặng lòng với rừng thiêng A Lưới

13 năm qua, nay đã 70 tuổi, nhưng đêm nào ông cũng chong đèn đến 2 giờ sáng. Mỗi ngày ông nhận từ 3 - 5 lá thư của các gia đình nhờ đi tìm giúp mộ liệt sĩ. Ông hiểu, đó là những hy vọng của bao nhiêu gia đình, ông không thể chối từ. Đến nay, ông đã giúp các gia đình trong cả nước tìm được khoảng 500 mộ liệt sĩ. Ông cũng đã gửi trên 10.000 thư trao đổi với các gia đình khi ông nắm được thông tin dọc hành trình đi tìm mộ. “Vậy mà không hiểu sao, rừng thiêng A Lưới lại hết sức ám ảnh tôi”. Ông nói.

Ông đã trở đi trở lại A Lưới hơn 10 lần trong 5 năm gần đây, mỗi chuyến đi mất hơn 10 ngày trèo đèo, lội suối. Hành trang vẫn vậy, chiếc ba lô bạc màu đựng đầy lương thực để có thể ở dài ngày hơn, tìm nhiều liệt sĩ đang nằm rải rác trong rừng sâu. Ông Đức nói: “Thời gian, đó có lẽ là điều mà những người làm công việc tìm hài cốt liệt sĩ sợ nhất. Lúc nào chúng tôi cũng sợ rằng nếu không làm nhanh thì sẽ không kịp nữa”.

Những hài cốt liệt sĩ nằm trong sâu thẳm rừng xanh gần nửa thế kỷ, hy vọng tìm được ngày càng mong manh. Trong khi đó, đã có những người mẹ, người vợ mắt đã mờ, tóc đã bạc, không thể chờ được chồng, con trở về để lo hương khói… Bởi vậy ông cùng đồng đội đã không quản gió mưa đi tìm. Có những chuyến như đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Tạc, hy sinh tại cao điểm 511 (A Lưới), đoàn đã trèo núi nhiều ngày trời với dốc dựng đứng 65 độ, vừa đi vừa phát cây mở đường, đêm ngủ lại trong rừng đầy muỗi, vắt… May mắn chuyến đi đó thành công. Quá trình đi tìm mộ liệt sĩ, ông Đức cũng phát hiện nhiều ngôi mộ tập thể. Như khi đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Thuận, ông đã phát hiện ra nhiều liệt sĩ khác cùng hy sinh ngày 13/7/1969 tại A Bia, an táng tại đồi A Rum, A Lưới.

Những chuyến đi của ông đã tìm được khá nhiều đồng đội nằm rải rác trong rừng và đưa về nghĩa trang liệt sĩ A Lưới. Các liệt sĩ quy tập về đây chủ yếu là các đơn vị sư đoàn 324, các binh trạm 31, 84, 48, 49, 42; các trung đoàn 6, 9, 132 thông tin, 675 pháo phòng không; một số đại đội đặc công, công binh quân khu Trị Thiên… Năm ngoái, gia đình liệt sĩ Đào Như Hiền (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã 4 lần nhờ các nhà ngoại cảm tìm mộ và tất cả đều chỉ ra nghĩa trang liệt sĩ A Lưới nhưng khi giám định ADN đều không khớp. Khi đó ông Đức đang trong hành trình xác minh 13 mộ liệt sĩ từ Lào về A Lưới. Rà soát hồ sơ, ông Đức biết liệt sĩ Đào Như Hiền thuộc đoàn 675BKH (đơn vị Bộ Tư lệnh Công binh bổ sung cho Quân khu Thừa Thiên Huế, đoàn A đánh Lào, đoàn B đánh Huế). Ông điện ngay về Bộ Tư lệnh Công binh báo vừa phát hiện 4 liệt sĩ Đào Như Hiền, Trần Văn Kền, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Văn Thi cùng hy sinh ngày 23/2/1968, an táng ở xã Hồng Hạ, A Lưới. Sau khi giám định ADN, 4 liệt sĩ đã về với vòng tay của gia đình.

“Trả lại tên” cho liệt sĩ

Đầu năm 2017, ông cùng nhiều gia đình liệt sĩ đã gửi đơn xin Nhà nước giám định ADN tổng thể cho các liệt sĩ trong nghĩa trang và đã được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đồng ý. Nghĩa trang này có 1.160/1.421 mộ cần lấy mẫu sinh phẩm hài cốt, bởi đa số liệt sĩ được quy tập về đây đều chưa có tên.

Ngay khi lấy mẫu hài cốt, đoàn đã phát hiện các di vật kèm theo và 9 liệt sĩ được trả tên ngay lúc đó. Những liệt sĩ này có tên tuổi, ngày mất trùng khớp với dữ liệu ông Đức thu thập được. Một hài cốt có chôn kèm cây bút máy Hồng Hà có khắc chữ “Hạnh Cư”, phía dưới có khắc hình trái tim. Một hài cốt có lọ penicillin ghi tên: Bùi Văn Vi, quê Ngọc Trăng, Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Hài cốt còn lại có di vật là đôi cặp tóc còn sáng nguyên chưa bị hoen rỉ.

Khi nghe tin ông Đức vào A Lưới, một nữ nghệ sĩ văn công quân đội tìm đến nhờ ông tìm người bạn đã hy sinh ở khe A Đe (xã Nhâm). Trong khi đoàn văn công đang biểu diễn thì máy bay Mỹ ném bom... Nhiều cô gái đang ở tuổi trăng rằm đã ngã xuống bên dòng A Sáp. Nguyện vọng của gia đình, bạn bè muốn đem các chị về quê hương, để họ lại được hát mỗi khi mùa hoa bưởi trổ bông như thời thiếu nữ. Ông Đức vô cùng ngạc nhiên khi điều kỳ diệu xuất hiện. Ông phát hiện hài cốt của một nữ văn công, chôn kèm di vật là đôi vòng tay và chiếc kèn Acmonica... Điệu múa Lăm Vông như còn đâu đây khi chiếc trâm cài đầu của chị vẫn còn nguyên vẹn.

Hôm ở nghĩa trang liệt sĩ A Lưới, đứng trước hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên, trong nước mắt, ông Cao Việt Đức đọc một bài thơ khá dài, trong đó có những câu:

“Cả nghĩa trang như một đài hoa

Rạng rỡ vinh quang giữa đất trời A Lưới

Mong muốn lắm, xin các anh hãy đợi

Ngày mai thôi, Tổ quốc đọc tên mình”…

Bây giờ, ông Đức vẫn miệt mài với những chuyến đi. Và đêm đêm, mái đầu bạc của ông vẫn chăm chú bên chồng hồ sơ đến sáng…

Bài, ảnh: An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Gia

Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2024 và hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2024, ngày 20/4, xã Phú Gia (Phú Vang) tổ chức khánh thành nghĩa trang liệt sĩ. Tham dự có ông Lê Trường Lưu -UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Gia
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Return to top