Thể thao trong nước

Ngày “mồng” xem vật, đua ghe

ClockThứ Năm, 18/02/2016 05:45
TTH - Từ mồng 6 Tết đến tận mồng 10, các hội vật, đua thuyền, đua trải “ngốn” không ít thời gian của khách thập phương.

Nói ngốn là nói cho vui, chứ mấy ngày xuân, nếu thiếu đi một trong những hội thao dân gian ấy, chắc hẳn ai ai cũng tiếc rẻ, bởi nó chẳng khác nào dĩa rau tươi xanh “chống ngấy” giữa ê hề thịt cá.

Những pha tranh tài của các đô nhi đồng. Ảnh: Đại Nhân

Sáng mồng 6 tết Bính Thân trời nắng đẹp, đường về làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa – Quảng Điền) tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên. Nam thanh nữ tú, già trẻ gái trai tới lui nườm nượp khiến khoảng sân khiêm tốn trước đình làng - nơi tổ chức hội vật Thủ Lễ – càng lúc càng chật như nêm. Người tới trước ngồi trước, đứng trước, kẻ tới sau phải chấp nhận chen chúc, phải luôn miệng “xin lỗi, xin phải cho em, cho con đứng ké đây một chút chứ đứng kia toàn thấy… đầu khán giả, chẳng thấy đô vật đâu”.

Nhưng cũng có kẻ đến sau lại kiếm được chỗ ngồi/đứng chẳng thua gì VIP. Ấy là trèo tót lên cây sứ thân bằng bắp chân người lớn trồng sát hai bên sới, chân co chân duỗi tay vịn cành cây yên chí mà coi. Nói thật, nhìn cảnh ấy chướng mắt vô cùng. Không chỉ đung đưa giò trên đầu người khác mà mấy năm trước, cũng vì kiểu ngồi đó báo hại đình làng phải trồng cây mới vì khi hội vật kết thúc cũng là lúc gốc cây sứ từ biệt cõi đời.

 Nhưng mấy gốc sứ đâu chứa được nhiều người nên thảng hoặc có kẻ lui bên hông đình - nơi BTC hội vật đặt thang tre - len lén xách thang đi, len lén tựa vào bức bình phong cao chừng 2m trước đình làng rồi chễm chệ đứng xem vật trên bình phong cũ màu thời gian.

Nói đến chuyện này lại nhớ đến hội vật Sình (Phú Mậu – Phú Vang). Dăm bảy năm trước, khi hội vật chưa dời ra địa điểm mới, tuy không gian quanh sới ở đình làng rộng hơn Thủ Lễ nhưng từng đó cũng không đủ để chứa hàng ngàn khán giả khắp nơi đổ về xem vật vào sáng Mồng 10 Tết âm lịch.

Với tuổi đời khó thể đoán của bức tường bao quanh đình, quanh sới cộng thêm sự “ưu ái” của khán giả mỗi khi thiếu chỗ đứng lẫn ngồi nên thời điểm ấy, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng loa của BTC đề nghị khách xem và… phóng viên leo xuống đề phòng tường sập.

Không chỉ thế, ở hội vật Sình, lâu lâu lại nghe tiếng loa cảnh báo của BTC lẫn tiếng xuýt xoa, bực dọc của những khán giả bị móc túi sau một hồi chen chân. Người đông như thế, chen nhau như thế, kể cả khi có lực lượng chức năng có mặt để giữ gìn an ninh – trật tự nhưng việc kẻ gian trà trộn vào là điều dễ hiểu.

Khi sới vật làng Sình dời ra địa điểm mới, không gian cũng thoáng đãng hơn. Dẫu vậy, cảnh chen chúc không hề giảm. Khán giả cứ thế vào ra không ngớt từ sáng sớm đến tận chiều. Với quy mô lớn hơn, nội dung thi đấu nhiều hơn, người xem vật Sình phải chia ra 2 suất sáng – chiều. Có người ở xa, tuy không đến mức “cơm đùm gạo bới” nhưng hết buổi sáng thì tạt vào mấy hàng quán quanh làng, ăn đại vài ba miếng để đợi đến chiều tiếp tục xem vật cho “no” con mắt.

Đã 8 năm nay, không năm nào người viết bỏ sót 2 hội vật này. Có thể một phần do yêu cầu công việc, nhưng mặt khác thì nghiệm rằng, tuy lui tới cũng “miếng bành, miếng háng, miếng táng…” nhưng khi khán giả… chưa kịp chán, cái không khí sôi động trên khán đài của già trẻ gái trai, sự gay cấn, thượng võ trên sới vật chẳng khác nào chất keo dính chặt người xem.

Xem vật sướng là vậy, xem đua thuyền, đua trải cũng chẳng kém chút nào. Nhờ không gian trải rộng dọc sông, dọc đầm nên ai cũng có chỗ đứng để xem, để hò hét, cổ vũ, tất nhiên kể cả người chậm chân đến muộn.

Dịp đầu xuân, đua sớm nhất là làng An Cư Đông (Lăng Cô – Phú Lộc). Quy mô nhỏ thôi, chỉ có 5 đội đua trong làng tranh tài nhưng hội đua rất nhiều ý nghĩa. Vốn dĩ là làng chài có tuổi đời trên 300 năm, cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu gắn liền với sông nước vậy nên “đến hẹn lại đua” chứ chẳng cần tập tành gì. Mới đầu cứ nghĩ, dân cùng làng với nhau khác nào khán giả là bạn bơi mà bạn bơi cũng là khán giả, ai cũng thân, ai cũng quen, khi ra đua biết cổ vũ cho ai. Ấy vậy mà các thuyền vẫn băng băng rẽ sóng trong tiếng hô vang rền cả một góc vịnh Lăng Cô.

Đua thuyền truyền thống dịp đầu xuân ở thôn Khuông Phò (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền). Ảnh: Lê Thọ

Đến mồng 7 Tết, người mê đua thuyền lại lặn lội đến thôn Khuông Phò (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) để tiếp tục đắm mình trong không khí náo nhiệt, sôi động trên khúc sông Diên Hồng. Cũng như làng An Cư Đông, các VĐV tham gia giải đua thuyền thôn Khuông Phò cũng toàn người dân trong làng, khác chăng là có thêm con em của làng đi làm ăn xa về quê ăn Tết cũng xắn quần tham gia. Mà kể cũng lạ, nếu như quanh năm gắn bó với sông nước không nói làm gì, đằng này, xa xứ làm ăn, hiếm khi đụng đến thuyền, đến chằm nhưng họ vẫn đua, vẫn lộn vè rất chi điệu nghệ.

Không khí sôi động của thể thao sông nước chỉ tạm lắng một ngày, đến mồng 9 Tết, trên sông Vực (thị xã Hương Thủy), hàng ngàn người lại có dịp “dô, huầy” theo từng nhịp trải đầu xuân.

Quy mô hơn giải đua thuyền của 2 thôn, làng nói trên, giải đua trải thị xã Hương Thủy quy tụ 10 đội đua đến từ các xã, phường tham gia. Với phân chia nho nhỏ nhưng rạch ròi về mặt địa giới như vậy, khán giả mặc sức hò reo, cổ vũ cho “gà nhà”. Thường thì giải thưởng giành cho các đội không đáng là bao nhưng với những bạn bơi, với những địa phương có đội đua, bên cạnh ý nghĩa về mặt tâm linh, sướng nhất là khi chiến thắng, họ được khán giả thưởng “nóng”, được hoan hô như là lời chúc phúc cho một năm mưa thuận gió hòa.

Võ Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải đua ghe chào mừng ngày thống nhất đất nước

Sáng 20/4, tại sông Lợi Nông, phường Thuỷ Châu (TX. Hương Thủy) tổ chức giải đua ghe chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5).

Giải đua ghe chào mừng ngày thống nhất đất nước
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP. Huế

Sáng 23/3, tại Công viên Trịnh Công Sơn, UBND TP. Huế tổ chức lễ khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP. Huế lần thứ III hướng đến chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 78 năm Ngày truyền thống ngành Thể thao Việt Nam, 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2024.

Khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP Huế
Giải đua ghe truyền thống TP. Huế lần thứ III sẽ diễn ra sáng 23/3

Tin từ UBND TP. Huế, giải đua ghe truyền thống TP. Huế lần thứ III - năm 2024 sẽ diễn ra vào sáng 23/3 hướng đến chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024), 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975-26/3/2024) và kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.

Giải đua ghe truyền thống TP Huế lần thứ III sẽ diễn ra sáng 23 3
Khai mạc giải đua ghe truyền thống phường An Đông

Sáng 16/3, tại khu vực sông An Cựu, UBND phường An Đông, TP. Huế tổ chức lễ khai mạc giải đua ghe truyền thống năm 2024 chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024) và 17 năm thành lập phường An Đông. Tham dự có TUV, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật; lãnh đạo thành phố, các địa phương và đông đảo người dân trên địa bàn.

Khai mạc giải đua ghe truyền thống phường An Đông
Return to top