ClockThứ Ba, 09/02/2016 16:32

Ngày Tết “say” chim cảnh

TTH.VN - Ở Huế, thú chơi chim cảnh đã có từ lâu. Đặc biệt vào ngày Tết thú vui tao nhã này lại sôi nổi hơn bao giờ hết.

Thú vui nhiều người thích

Ghé lại trường chim Từ Đàm lúc 7 giờ sáng ngày đầu năm, chúng tôi thấy được không khí vui tươi của những gương mặt “đại diện” cho nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp. Quán cà phê (trường chim) nơi đây trở thành điểm hội ngộ của rất đông người sinh sống từ nhiều địa phương khác nhau có chung niềm đam mê chơi chim cảnh.

Từ sáng sớm ngày đầu năm, trường chim Từ Đàm đã đông người

Không ồn ào náo nhiệt, từng vị khách bước vào quán lặng lẽ treo lồng chim lên giàn rồi chọn cho mình một vị trí để ngồi. Sau cái bắt tay và lời chúc Tết nhau, họ lặng yên cùng thưởng thức tiếng hót của loài chào mào, vành khuyên. Quán có ghế cho gần cả trăm người, dường như lúc nào kín khách. Anh Trần Long (33 tuổi) chủ quán cà phê này cho biết: “Từ 4 giờ sáng, người chơi chim đã đến gọi cà phê và thỏa mãn thú vui của mình. So với ngày thường, dịp Tết họ đến đông và sớm hơn nhưng cũng về muộn hơn vì có thời gian rảnh”.

Những người cùng chung niềm đam mê này có một điểm lạ, dù không biết nhau nhưng khi vào ngồi chơi thì như bạn bè quen đã lâu, bày nhau cách chăm sóc, huấn luyện chim cảnh. Chứng kiến niềm đam mê và lời giới thiệu thú vị của những “tay” chơi chim kinh nghiệm, nhiều người lần đầu đến quán cũng dễ “nảy sinh tình cảm” với thú vui tao nhã này. Vì lẽ đó, số lượng người chơi chim cảnh ở Huế càng gia tăng.

Anh Võ Phước Phúc (28 tuổi, phường Hương Văn, Hương Trà) kể, trước đây chim cảnh với anh là một thú vui chưa từng xuất hiện trong suy nghĩ. Một lần tình cờ bước vào quán, ngạc nhiên trước số đông người chăm chú nhìn những chiếc lồng chim, anh  “bắt chước” thử rồi “say” thú vui này không biết từ lúc nào. Anh Phúc nhận định, cái hay của chơi chim cảnh là được giao lưu rộng rãi. Người cũ bày người mới, nhờ đó lượng người chơi chim cảnh ở Cố đô phải lên đến con số hàng ngàn.

Ông Võ Đăng Phát (44 tuổi), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Chim cảnh thành phố Huế kiêm thư ký CLB Vành khuyên Từ Đàm (thành viên ban tổ chức các cuộc thi chim trong các kỳ festival) cho biết, ở Huế có rất nhiều trường chim. Người chơi chim cảnh ở mảnh đất sông Hương núi Ngự chuộng nhất loại chào mào và vành khuyên. Cứ mỗi sáng, họ chọn cho mình những địa điểm ưng ý để vừa nhâm nhi ly cà phê vừa thưởng thức tiếng hót của loài vật được nuôi trong lồng này.

Ngày Tết, khi công việc gác lại, họ có thời gian để thỏa mãn đam mê nhiều hơn. Mùa Tết cũng là mùa giao phối của chim. Chim cảnh lúc này căng lửa (sung sức) nên thường được đem đi thi đấu, cần quá trình tập luyện nhiều khiến người chơi phải đầu tư thời gian. Bên cạnh đó, nhiều người tuy không chuyên cũng mua chim cảnh về chơi những ngày Tết cho vui cửa vui nhà.

Trò chuyện với anh Hồ Thanh Long, một chủ quán bán chim ở Huế, được biết, cứ đến tháng Chạp số lượng người mua chim cảnh để chơi lại tăng lên 2-3 lần. Đối tượng mua chim cảnh đa dạng, làm đủ các ngành nghề. Khi tìm hiểu, họ chia sẻ là mua chim để tạo không khí vui vẻ ngày Tết trong nhà hoặc đem đi giao lưu cùng bạn bè nhằm giảm bớt căng thẳng sau những ngày làm việc mệt mỏi.

Chơi chim… luyện tính

Ở Huế, thú vui tao nhã có rất nhiều: cây cảnh, chọi gà,… Với chim cảnh, người đam mê cho rằng thú chơi này góp phần giúp họ rèn luyện tính cách. Ông Võ Đăng Phát chia sẻ, quá trình chăm sóc, huấn luyện chim hót và đi thi đấu rất kỳ công, cần tính kiên nhẫn, nhẹ nhàng nên luyện cho người chơi tính cần mẫn, chịu khó. Theo ông Phát, cộng hưởng từ yếu tố chăm sóc và nghe tiếng hót của chim khiến tâm hồn người chơi lắng lại. Hơn nữa, đây là một thú vui tao nhã, giúp giảm tải căng thẳng rất nhiều, nói như giới chơi chim chuyên nghiệp thì đó là nghệ thuật nên cần những tâm hồn nghệ sĩ, lãng mạn và “xa lánh” sự ồn ào. Phó Chủ nhiệm CLB Vành khuyên Từ Đàm Thái Văn Thắng giải thích: “Mới bắt con chim từ tự nhiên về phải có quá trình thuần hóa, huấn luyện rất nhiều bước. Tức con người thì mình đánh được chứ chim là chịu, phải nhẫn nại từng bước mới thành công”.

Treo lồng chim lên giàn

Anh Phúc không ngần ngại tâm sự, trước lúc đến với thú vui chim cảnh, nhậu là niềm vui của bản thân. Tính nóng nảy, thường xuyên đi chơi đến 2-3 giờ sáng mới về khiến gia đình suốt ngày than phiền. Khi làm bạn với những chú vành khuyên, tính sốc nổi dần được bỏ bớt, thời gian “cưng” chim lôi kéo anh ở nhà, hạn chế bia rượu. “Nuôi chim có giờ giấc, tới giờ phải cho nó tắm, ăn; đến thời kỳ thi đấu phải chăm sóc đặc biệt nên tạo thành một khung thời gian buộc mình phải tuân thủ. Từ ngày chơi chim, mình ở nhà nhiều hơn, ba mẹ thấy rứa mừng lắm. Họ nói nhờ mấy con chim mà mình đổi tính”, anh Phúc thành thật.

Kỳ tích nhờ chim đổi tính theo anh Thái Văn Thắng không phải ít. Nhiều người từ chỗ mê cờ bạc, thói hư tật xấu khi đến với chim cảnh đều bỏ được. Anh Thắng ví von: “Chim cảnh như thứ thuốc phiện giúp người chơi sửa tính xấu của mình. Tuy vậy, họ cũng ý thức được việc phân chia thời gian hợp lý giữa chơi và làm chứ không mê chim đến mất quên công việc”.

Nhìn những hình ảnh người chơi chim cảnh “sum họp” ngày Tết, chúng tôi như được giải thích phần nào về hình ảnh sôi động của những cuộc thi chim vào các mùa Xuân. Cũng nhờ đó, thú chơi chim cảnh ngày Tết như một mảng miếng trong bức tranh lễ hội đặc sắc, đa dạng của một Cố đô lưu luyến du khách gần xa.

Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top