ClockThứ Năm, 20/02/2014 11:07

Nghe dân nói và nói để dân hiểu

TTH - Công tác đền bù, giải toả để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc TP Huế đang được tiến hành, song nhiều người dân phường An Hoà, TP Huế lại tỏ thái độ không đồng tình về cách tính đền bù...
 
Dân chưa thuận
 
Biết chúng tôi đang tìm hiểu vấn đề, ông Nguyễn Phiến (292 đường Lý Thái Tổ, phường An Hoà) bỏ công chuyện, lục tìm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thẻ đỏ) và các giấy tờ khác để giải bày sự việc. Theo ông, đợt nhận tiền đền bù vừa qua, ông không đến nhận bởi vợ chồng ông và 3 người con có 4 thẻ đỏ riêng biệt, nhưng khi đền bù, cơ quan chức năng lại tính gộp cả 4 hộ lại với nhau. “Kiểu đền bù gì mà không hiểu nổi. Bức xúc nhất là giá đền bù không đồng nhất, chỉ đền bù một số diện tích đất ở với giá 3,9 triệu đồng/m2, còn lại là đất liền kề giá 1,6 triệu đồng/m2” – giọng ông Phiến bực bội.
 
Đang trò chuyện với ông Phiến, khoảng 30 người dân phường An Hòa biết chuyện ùn ùn kéo đến. Người cầm thẻ đỏ, người cầm các giấy tờ trích lục xen vào. Ai cũng bức xúc muốn trình bày chuyện đền bù, giải toả của hộ mình. Ông Nguyễn Kỷ (284 đường Lý Thái Tổ) thắc mắc: “Khi giải toả, nhiều nhà được đền bù một mức giá là 3,9 triệu đồng/m2, trong khi tôi được đền bù hai mức giá là 3,9 triệu đồng/m2 (đối với 60m2 đất ở) và 1,6 triệu đồng/m2 (đối với 39m2 đất liền kề). Thực hiện dự án này, tôi mất sân, đụng cả nhà thì cớ sao lại đền bù đất liền kề?”. Ông Lê Thi, nhà ở khu vực 1, phường An Hòa lại lắc đầu: “5 năm nay, người dân trên đường Lý Thái Tổ đóng thuế nhà đất theo mức giá đường 4C. Giờ giải toả đền bù lại định giá của loại đường 5A?”
 
Dự án thực hiện trong vòng 4 năm (2012-2015), trong đó năm 2012-2013 thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Theo nhiều người, đất ở cửa ngõ phía Bắc TP Huế nhưng đền bù mức giá ấy là không hợp lý, chưa kể trên thị trường hiện nay mức giá đang giao dịch trên 8 triệu đồng/m2. Một số hộ khác lại bất bình vì không được đền bù đầy đủ diện tích đất bị thu hồi. Ông Hoàng Ngọc Sơn (294 Lý Thái Tổ) cho biết, diện tích đất nhà ông bị thu hồi là 400m2, nhưng chỉ được đền bù 200m2 với mức giá 1,6 triệu đồng/m2, số diện tích đất còn lại không được đền bù. Ông Nguyễn Xuân Ngọc (181 Lý Thái Tổ) lại lo lắng: Đất ở có trích lục, hàng năm đều đóng thuế nhà đất đầy đủ cho Nhà nước, nhưng khi bị thu hồi đất lại không hề có giấy thông báo nhận tiền đền bù như các hộ khác. Bà Lê Thị Trắc (238 Lý Thái Tổ) thuộc diện giải toả, tái định cư tâm sự: “Trước mắt chúng tôi chỉ được đền bù đất ở, còn tài sản trên đất sẽ đền bù sau. Khi hỏi địa điểm tái định cư thì không cơ quan nào chịu trả lời. Vậy đền bù đất ở xong, tôi biết “bưng” nhà đi đâu ?”...
 
Hãy “nghe dân nói” và “nói để dân hiểu”
 
Chỉ trong một buổi tiếp xúc với người dân An Hòa trên đường Lý Thái Tổ, chúng tôi được nghe hàng chục ý kiến. Điều phải ghi nhận là các hộ dân đều ủng hộ Dự án Đầu tư xây dựng chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc của TP Huế, bởi hiện tại bộ mặt nơi đây còn nhếch nhác, chưa xứng tầm với một đô thị hạt nhân. Song người dân cũng bức xúc nhiều bởi cách tính đền bù chưa hợp tình, hợp lý; đặc biệt, cơ quan chức năng chưa tổ chức nhiều cuộc họp để giải thích cho dân rõ. Điều này giải thích vì sao có thông báo nhận tiền nhưng phần nhiều người dân không đến nhận. “Thấy cán bộ về đo vẽ, sau đó một thời gian lại phát giấy đi nhận tiền đền bù. Chúng tôi chờ những cuộc họp để nêu lên những kiến nghị, đề xuất nhưng không thấy tổ chức”- bà Lê Thị Trắc thắc mắc.
 
Dự án sẽ thu hồi 23.923m2 đất ở; 2.100m2 đất nông nghiệp; 14.015m2 khối lượng nhà ở các loại. Tổng số hộ bị ảnh hưởng 316 hộ, số hộ phải tái định cư 21 hộ (chưa kể các hộ phụ), dự kiến bố trí xen ghép đối với các hộ ở phường Hương Chữ, Hương An; các hộ thuộc phường An Hòa bố trí vào các khu tái định cư Hương Sơ.
Để hiểu thêm vấn đề, chúng tôi đã đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND phường An Hòa, phường ủy quyền cho ông Nguyễn Ngọc Vinh, cán bộ địa chính phường cung cấp thông tin. Ông Vinh cho biết, ngày 24/12/2013, Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông tỉnh thuộc Sở Giao thông Vận tải (chủ đầu tư dự án) ra Thông báo số 863 “Về việc tổ chức chi trả bồi thường, hỗ trợ về đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án Chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc TP Huế”. Thời gian chi trả tiền trong ngày 31/12/2013. Song kết quả đợt 1 chỉ có 55/120 trường hợp đến nhận tiền. Ông Vinh cho hay, lý do người dân chưa đến nhận tiền là chưa thống nhất với mức giá đền bù, cách tính đền bù như đã phản ánh với báo chí. “Cơ quan chuyên môn cần phải họp và trao đổi với dân nhiều hơn, giải thích cho dân hiểu vì sao lại đền bù vừa đất ở, vừa đất liền kề (đất vườn)...” - ông Vinh nói.
 
Được biết, tối 12/1/2014, 60 hộ dân thuộc diện giải toả trên đường Lý Thái Tổ, phường An Hòa đã tổ chức một cuộc họp bàn về vấn đề này. Người dân đưa ra 10 kiến nghị, trong đó, đề nghị chính quyền tổ chức họp toàn bộ các hộ dân liên quan đến giải toả để phổ biến rõ chủ trương thu hồi đất; nói rõ cách tính toán thu hồi đất; giải đáp thắc mắc của dân có liên quan đến việc đền bù khi thu hồi...
 
Không phải ý kiến nào của người dân cũng đúng, song rõ ràng, nhiều vấn đề mà người dân trên đường Lý Thái Tổ, phường An Hòa nêu ra theo chúng tôi là có lý. Vì vậy, để Dự án Đầu tư xây dựng chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc TP Huế được hanh thông, các cơ quan liên quan cần tổ chức những cuộc họp dân để “nghe dân nói” và “nói cho dân hiểu”, tránh cách làm áp đặt dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ngày 25/9/2012, UBND tỉnh ra quyết định số 1749/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc TP Huế với tổng mức đầu trên 292 tỷ đồng. Mục đích nhằm tạo diện mạo mới cho đô thị Huế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa các đô thị vệ tinh, tạo điều kiện sắp xếp lại dân cư hợp lý, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển du lịch.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế:
 
“Tiếp tục họp dân để tuyên truyền, giải thích”
 
Thực hiện dự án đầu tư xây dựng Chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc TP Huế, UBND TP Huế đã phê duyệt kinh phí giải toả đợt 1 cho 120 hộ là 58 tỷ đồng; đồng thời, tổ chức 2 buổi họp dân để triển khai dự án và công bố địa điểm tái định cư tại khu quy hoạch Hương Sơ giai đoạn 3 gồm 25 lô đất, mỗi lô 160m2.
 
Công tác đền bù giải toả có chậm do một số vướng mắc về quy hoạch, giá đất. Vì vậy, cuối năm 2013, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã có văn bản báo cáo các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng ở cửa ngõ phía Bắc TP Huế. Trong đó, đề nghị tỉnh xác định rõ thời điểm cắm mốc hành lang an toàn giao thông đường bộ đoạn đi qua phường An Hoà. Đối với phần diện tích đất nằm ngoài GCNQSDĐ đã được cấp giấy chứng nhận do bị trừ lộ giới quy hoạch đường sắt, đường Quốc lộ 1A và phần diện tích đất hiện trạng sử dụng ổn định nhưng tăng thêm qua các lần đo đạc nằm về phía mặt tiền đường Quốc lộ 1A (Lý Thái Tổ), trên phần đất này có nhà ở và các công trình sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình tồn tại trước thời điểm quy hoạch phê duyệt dự án Chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc, nhưng nằm trong hạn mức giao đất ở theo quy định tại Quyết định số 51/2010/QĐ-UBND ngày 20/12/2010 của UBND tỉnh về hạn mức giao đất ở thì đề nghị tỉnh xác định có được bồi thường đất ở hay không vv...
 
Hiện, chúng tôi đang chờ văn bản trả lời từ tỉnh để thực hiện. Sắp tới, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế sẽ tiếp tục họp dân để giải thích những nội dung người dân thắc mắc, chưa hiểu.
 
Ông Bùi Tấn Hanh, Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông (Sở Giao thông Vận tải):
 
“Phối hợp, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ”
 
Dự án Đầu tư xây dựng Chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc TP Huế với kinh phí đền bù dự kiến khoảng 115 tỷ đồng. Hiện nay, ngân sách mới bố trí được 30 tỷ, còn thiếu khoảng 84 tỷ. Toàn tuyến có 377 hộ bị ảnh hưởng; trong đó phường An Hòa (TP Huế) có 265 hộ; thị xã Hương Trà 112 hộ. Thẩm định điều kiện bồi thường về đất của các Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Huế, thị xã Hương Trà được bao nhiêu thì tiến hành lập phương án trình phê duyệt bấy nhiêu.
 
Đối với thị xã Hương Trà, đợt 1 phê duyệt được phần bồi thường về đất cho 94 hộ, 18 hộ còn lại sẽ phê duyệt đợt 2 cùng một lần với phần nhà cửa, tài sản trên đất. Đối với TP Huế, đợt 1 phê duyệt cả đất, nhà cửa và kiến trúc cho 162 hộ. 103 hộ còn lại sẽ tiến hành phê duyệt đợt 2 khi có chủ trương của UBND tỉnh về việc giải quyết một số vướng mắc theo đề xuất của UBND TP Huế và Hội đồng tư vấn của tỉnh. Nguồn kinh phí để chi trả cho các hộ đã có quyết định phê duyệt còn thiếu, nên mới tập trung chi trả tiền đền bù về đất, phần nhà cửa và tài sản chưa chi trả.          
 
Theo quy định, công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện, do vậy, việc tiến hành các bước về trình tự giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc TP Huế do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế và thị xã Hương Trà đảm nhiệm. Với trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông tỉnh cùng phối hợp, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
 
Theo kế hoạch, phấn đấu đến tháng 7/2014 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng khi được tỉnh bố trí đầy đủ vốn.
 
BT (ghi)
 
Bích Thùy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top